QĐND - Lê Triệu sử dụng điện thoại báo cáo lên trung đoàn về quyết định lui quân của Ban chỉ huy tiểu đoàn. Lời qua tiếng lại khá lâu, sau đó nghe thấy tiếng Tiểu đoàn trưởng nói lớn: "Nếu anh không cho tôi rút, dù có bị hạ xuống binh nhì tôi cũng rút" (quân hàm lúc ấy của Lê Triệu là thượng úy).
Rồi anh bỏ máy quay lại chúng tôi quyết định: "Bây giờ chúng ta rút bằng cách nào?" Tôi trả lời: "Còn hướng tây bắc, góc ấy khả năng còn hở, chỉ rút theo hướng đó thôi!". Lê Triệu nhất trí ngay và nhấn mạnh từng lời: "Luân xuống phụ trách Đại đội 9, bố trí cho Đại đội đi đầu, tớ đi giữa, còn Khoa đi sau, khẩn trương về làm công tác chuẩn bị, đúng 12 giờ đêm chúng ta bắt đầu rút".
Đúng 12 giờ đêm ngày 6-7, toàn Tiểu đoàn 9 rút theo hướng đã định một cách an toàn, không gặp trở ngại gì. Rút về phía sau chừng 4km thì gặp làng Linh Chiểu và một cồn cát (điểm cao 16), Lê Triệu lệnh cho Tiểu đoàn dừng lại và triển khai bố trí đội hình chiến đấu. Đại đội 9 trên điểm cao 16. Đại đội 10, Đại đội 11 ở phía trước làng Linh Chiểu. Đại đội 12 phía sau. Nhờ có kinh nghiệm của những trận chiến đấu trước, Lê Triệu hướng dẫn cho đơn vị đào công sự bằng cách khoét hườm vào các bụi tre để giảm bớt thương vong do phi pháo địch.
Đúng như nhận định của Lê Triệu, khoảng 8 giờ sáng 7-7, địch tập trung mọi hỏa lực đánh vào làng Đơn Quế, chúng đánh phá nhiều đợt, đứng từ xa quan sát mọi người thấy lửa cháy rực trời, hiếm cơ hội cho sinh vật nào có thể tồn tại được. Quá trưa tiếng bom pháo im bặt, có lẽ địch phát hiện đánh vào chỗ không người. Một quyết định lui quân quá sáng suốt mà trong đời tôi còn nhớ mãi, được sống đến bây giờ tôi không bao giờ quên!
 |
Bộ đội ta trong thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu. |
Cả ngày đêm đó, Lê Triệu cho đơn vị tăng cường củng cố công sự, hầm hào, sẵn sàng chặn đánh địch. Sáng sớm 8-7, hơn một tiểu đoàn và 10 xe tăng địch được pháo bầy, pháo biển và trực thăng vũ trang chi viện, chúng liên tiếp mở nhiều đợt phản kích vào chốt vòng ngoài của Đại đội 11 chốt giữ. Nhờ có kinh nghiệm, bố trí thế trận hợp lý, công sự vững chắc và được cung cấp đủ đạn nên các cuộc tiến công của địch đều bị đẩy lùi. Đêm 8-7, Lê Triệu điều Đại đội 10 nhận nhiệm vụ vào thay Đại đội 11 chốt giữ khu vực Linh Chiểu. Sáng 9-7, địch chia thành 3 mũi tiếp tục tiến công vào làng Linh Chiểu. Kiều Ngọc Luân dũng cảm dùng AK(2) chờ địch đến thật gần mới bắn, có tên chết chỉ cách hầm chừng 5-7m. Phát hiện gò cát chân điểm cao 16 một ụ súng đại liên đang bắn về phía ta, Luân nhanh chóng tiếp cận địch tiêu diệt địch rồi chiếm luôn khẩu đại liên quay nòng bắn mãnh liệt vào sườn đội hình địch. Sau 2 ngày chiến đấu quyết liệt, dưới sự chỉ huy của Lê Triệu và Kiều Ngọc Luân, gần 300 tên địch bị diệt, trận địa vẫn được giữ vững. Trận đánh này Tiểu đoàn giành thắng lợi nhất.
Đêm ngày 9-7, tiểu đoàn được lệnh bàn giao trận địa cho Tiểu đoàn 8 và lui về làng Bích La Đông thuộc huyện Triệu Phong. Sau 12 ngày đêm đánh địch ác liệt, tiểu đoàn được nghỉ ít ngày củng cố lực lượng. Với những thành tích cao trong chiến đấu, cấp trên đề bạt Kiều Ngọc Luân giữ chức Tiểu đoàn phó.
Để tăng cường lực lượng bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị, Bộ tư lệnh Cánh Đông tăng cường tiểu đoàn cho Trung đoàn 48. Trung tuần tháng 7, theo lệnh triệu tập, Lê Triệu, Kiều Ngọc Luân và 4 đại đội trưởng đến Dinh tỉnh trưởng Quảng Trị (nơi đặt sở chỉ huy nhẹ của Trung đoàn 48) gặp Tham mưu trưởng Hải Như nhận nhiệm vụ. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, sau lời thăm hỏi, động viên chân thành, Tham mưu trưởng giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn vào chốt giữ khu vực phía bắc thị xã và Tri Bưu. Lê Triệu nhanh chóng bố trí sở chỉ huy gần sở chỉ huy Trung đoàn 48, điều 3 đại đội bộ binh và khẩu đội ĐKZ do Kiều Ngọc Luân chỉ huy lên chiếm lĩnh phía nam Thành cổ, Đại đội 12 triển khai ở phía bắc Thành cổ giáp bờ sông Thạch Hãn.
Từ ngày 16 đến 25-7, tiểu đoàn kiên cường bám trụ dài ngày, trong điều kiện phi pháo ác liệt đã liên tục tổ chức tiến công địch ở Tri Bưu. Đặc biệt là trận tập kích giữa ban ngày diệt gọn một đại đội, thu một cối 60mm, một súng M79, 4 súng M72, 18 súng AR15, sau đó lại diệt luôn một trung đội từ Quy Thiện sang phản kích, nâng tổng số địch bị tiêu diệt tại Tri Bưu lên 150 tên, giữ vững không cho Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến của địch vượt qua chốt của tiểu đoàn. Trong những ngày này, tiểu đoàn phải chịu đựng một khối lượng bom đạn khổng lồ với mật độ dày đặc và liên tục của địch nên quân số bị tiêu hao khá nhanh. Bộ đội thương vong vì đạn bộ binh bắn thẳng thì ít mà chủ yếu bị thương vong do phi pháo địch. Mỗi ngày tiểu đoàn mất khoảng 8-10 người. Cứ 4-5 ngày, lại phải bổ sung chiến sĩ mới, do nhận quân vào ban đêm, các đơn vị đang cần gấp nên chỉ căn cứ tên trong danh sách mà phân công xuống các chốt dù chưa kịp nhận rõ mặt người. Nhưng tiểu đoàn cũng nhận được sự động viên, bảo đảm rất lớn từ hậu phương bằng những lá thư, những chuyến hàng chuyển vào đều đặn, nhất là đạn cối, đạn B40, B41…
Ngày 28-7 có bão, nước sông Ba Lòng chảy xuống dồn về sông Thạch Hãn làm ngập các hầm của ta, đất ngấm nước nhão ra, bom đạn địch bắn không trúng mà hầm vẫn sập. Anh em vừa chiến đấu vừa phải tát nước trong hầm ra. Đời sống cực kỳ khó khăn, nước sạch rất ít, lương thực thực phẩm hầu như chỉ có lương khô. Đầu tháng 8, địch tập trung đánh phá Thành cổ rất ác liệt. Ban ngày địch cho máy bay ném bom, pháo hạm, pháo bầy bắn, tối đến bắn đạn pháo hóa học, có ngày chúng bắn hơn một vạn quả. Nhiều lần địch dùng thiết giáp và bộ binh tấn công, nhằm chọc thủng tuyến phòng ngự của Tiểu đoàn nhưng không thành.
Ngày 13-8, Lê Triệu gọi tôi lên sở chỉ huy, anh giao nhiệm vụ: "Có quyết định của trên điều Khoa lên thay Luân, tối nay đi nhận nhiệm vụ ngay. Luân ra ngoài Cửa Tùng gặp các nhà báo và khả năng được phong anh hùng".
Tôi trở về đơn vị bàn giao, đến tối lên chỗ Kiều Ngọc Luân truyền đạt lại chỉ thị của Lê Triệu. Anh Luân giúp tôi nắm tình hình địa bàn, vị trí chốt giữ của các đại đội. Mờ sáng hôm sau (14-8), anh gọi 3 đại đội trưởng lên bàn giao. Không biết anh kiếm ở đâu được thuốc lá, thịt hộp, cá hộp, lương khô ra mời mọi người. Tôi hỏi nguồn gốc các nhu yếu phẩm trên. Anh cười: "Mấy hôm được nghỉ ở Bích La, bơi qua sông Thạch Hãn, địch đánh các kho ở sân bay Ái Tử những thứ này tung ra nhiều lắm, mình lấy đầy một ba lô".
Một đại đội trưởng nói: "Tiểu đoàn phó được phong Anh hùng thì đừng quên chúng tôi nhé, nhất là buổi sáng nay đấy!". Đêm đó, anh Luân đưa tôi đi kiểm tra lần cuối các chốt, ý định đêm sau anh sẽ ra. Nhưng anh chưa kịp đi, thì 8 giờ 15-8, Tiểu đoàn trưởng lệnh tổ chức lực lượng đánh vào nhà thờ Tri Bưu. Đúng 18 giờ, sau tiếng súng báo hiệu, các đại đội cùng khẩu đội ĐKZ đồng loạt nhả đạn vào các mục tiêu đã định. Tôi và anh Luân nhanh chóng đến khu vực Đại đội 9, thấy bộ đội đã tiến sát tường bao nhà thờ và đang chuẩn bị lực lượng đánh chiếm. Nhưng đúng lúc này, có đến hàng trăm người, chủ yếu người già và phụ nữ không biết ở đâu kéo vào sân nhà thờ rất đông. Trước tình huống này, Tiểu đoàn lệnh cho Đại đội 9 không được bắn vào dân và rút về vị trí xuất phát, 2 đại đội chốt lại.
Vào thời gian này, địch phản kích rất mạnh, chúng bắn M79, đạn nổ rất đanh, xung quanh tôi những tia chớp liên tục. Khi tôi về cách hầm khoảng 30m thì khựu xuống. Anh Luân vội chạy đến dìu tôi về hầm và cho y tá băng bó sơ cứu. Biết tin tôi bị thương, mới một giờ sáng hôm sau, Lê Triệu cho liên lạc và một chiến sĩ đưa tôi về sở chỉ huy tiểu đoàn. Về đến sở chỉ huy, anh cho ngay y sĩ kiểm tra và băng lại vết thương cho tôi. Nằm lại một ngày, xuồng chở đạn vào trả hàng xong liền đón thương binh xuống. Trước khi thương binh xuống xuồng, Lê Triệu ký giấy chứng thương rồi đưa y sĩ phát cho từng người. Còn tôi, anh trực tiếp cầm đưa tận tay và động viên yên tâm ra ngoài điều trị… Sau khi bình phục vết thương tôi trở lại đơn vị, được Lê Triệu cho biết: "Tiểu đoàn phó Kiều Ngọc Luân đã hy sinh. Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Quang Thanh(3) được trên điều về làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 9...
Gặp lại đồng chí, đồng đội sau gần 40 năm xa cách, nhiều đồng chí không còn, người thân gia đình thay mặt đến nhận Kỷ niệm chương, trong đó có gia đình Lê Triệu. Các anh đã ra đi, chỉ tiếc rằng các anh không sống đến ngày nay, để chứng kiến đất nước ngày một đổi thay, kinh tế ngày một phát triển, quân đội ngày càng vững mạnh. Nhưng tôi tin chắc rằng ở dưới suối vàng, các anh cũng như chúng tôi còn đang sống, đều tự hào vì được cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Và chắc chắn rằng đồng đội, gia đình chúng ta sẽ không bao giờ quên.
Ngô Nhật Dương (Ghi theo hồi ức của CCB Nguyễn Khoa, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 12, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B)
(2) Năm 1973, Nhà nước tổ chức triển lãm tại Hà Nội có trưng bày khẩu AK ghi dòng chữ “Dũng sĩ Kiều Ngọc Luân".
(3) Hiện nay, đồng chí Phùng Quang Thanh là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.