Những kỷ niệm không quên
Đang học lớp 9 hệ phổ thông 10 năm Trường cấp 3 Kim Sơn, Ninh Bình, chàng học sinh Nguyễn Ngọc Lâm “gác bút nghiên theo việc đao cung” xung phong đi bộ đội.
Trước ngày nhập ngũ, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Lâm bảo với Trần Văn Chinh - là con trai ông xã đội trưởng: “Mày về lấy súng của bố mày. Tao với mày đi bắn chim liên hoan chia tay lớp mình”. Chinh thuận lòng, gật đầu.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm khi còn trẻ. |
Hai chàng trai trẻ vác súng ra kè Đông ở đê Bình Minh. Dạo ấy, chim trời, cá nước nhiều vô kể. Mùa thiên di, chim sâm cầm bay về cửa sông Đáy ngụp lặn. Dường như anh chàng Lâm có năng khiếu quân sự từ nhỏ. Chỉ mấy chục phút, chàng bắn được ba con sâm cầm, rồi trao súng cho bạn. Đến lượt con ông xã đội trưởng dương súng tìm mục tiêu.
Khi Chinh còn đang rê rê nòng súng ngắm, thì chàng Lâm nhìn thấy một bóng đen, tưởng là con chó hoang, chỉ cách khoảng 6-7 trăm mét là cùng. Chàng Lâm giục giã bạn: “Chó hoang đấy! bắn đi. Mày bắn đi”.
Chinh nhằm điểm đen... bóp cò. Chẳng có con chó hoang nào trúng đạn. Hóa ra, nhầm. Chinh đã bắn vào một người đàn bà đang hí húi phơi cói trên bờ đê.
Hai chàng trai trẻ bị giải lên huyện, bị tống giam. Cả hai gia đình lo lắng. Cả hai bà mẹ khóc. Cũng may, ông xã đội trưởng làm giấy bảo lãnh xin cho cả hai “thanh niên hoi” được về nhà đi bộ đội, vào Nam đánh Mỹ, giải phóng miền Nam. Ông xã đội trưởng còn dàn xếp để hai gia đình mỗi nhà gánh một tạ thóc đền, chữa vết thương cho bà nông dân không may mắn ấy. Câu chuyện khép lại, thì ngày giao quân đã qua.
Phải đến mùa tòng quân năm sau, vị tướng tương lai Nguyễn Ngọc Lâm mới có lệnh nhập ngũ. Trần Văn Chinh cũng tòng quân cùng ngày, và cùng đơn vị huấn luyện ở Nho Quan - Ninh Bình.
* * *
 |
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm gặp gỡ các chuyên gia Nga. |
Ông Nguyễn Ngọc Lâm nhập ngũ vào ngày rằm tháng Giêng. Ông vẫn nhớ như in trong cót thóc nhà ông chỉ còn hơn một chục cân, mà trước mắt là ba tháng giáp hạt. Bước chân ra khỏi nhà, lúc nào ông cũng lo lắng canh cánh trong lòng. Hình ảnh cái cót thóc rỗng cứ ám ảnh, âu lo.
Nhập ngũ, anh em bạn bè cho, cộng với phụ cấp binh nhì tháng đầu tiên, tất cả dồn được 28 đồng. Ông mua sắm các đồ phục vụ sinh hoạt, cả khi đói quá, ra cổng doanh trại, vào nhà dân mua sắn, mua khoai ăn... lót dạ; còn lại chắt chiu dành ra 8 đồng gửi về nhà. Dạo ấy, 8 đồng có thể mua được một tạ lúa. Gửi về cho mẹ một tạ thóc từ tiền dành dụm trong 2 tháng tân binh, vai người lính trẻ Nguyễn Ngọc Lâm như cất được gánh nặng, bước chân đi về phía chiến trường nhẹ nhàng hơn.
Tháng năm trận mạc
Trận đánh đầu tiên của Binh nhì Nguyễn Ngọc Lâm vào đầu tháng 8 năm 1968. Vượt sông Sa Thầy đến sông Pô Cô là núi Chư Pa. Từ chân núi lên đỉnh phải đi hết khoảng 5 tiếng đồng hồ. Phía trên đỉnh núi có nước, có hang trú ẩn chứa được cả tiểu đoàn.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm. |
Lính Mỹ ở trên đi xuống, các ông đi lên. Cách khoảng 100 mét thì nhìn thấy nhau. Trận đánh diễn ra bất ngờ quá. Súng nổ từ 10 giờ 30 đến hơn 3 giờ chiều, trung đội hy sinh 6, bị thương 8 người vừa nặng vừa nhẹ, chỉ ông Lâm vẫn nguyên vẹn. Đánh mãi không được, bọn Mỹ rút ra xa khoảng 200m rồi gọi pháo dập xuống trận địa. Khi đó, ông Lâm đã đưa hết tử sĩ và thương binh dìu nhau vào trong hang trú ẩn. Khoảng 4 giờ chiều, Mỹ rút, co cụm lại.
Đêm đó, tiểu đoàn điều quân đến chi viện. Một trận đánh đầu đời binh nghiệp... nhớ đời. Sau khi rút khỏi Chư Pa, Binh nhì Nguyễn Ngọc Lâm được Trung đoàn trưởng và Chính ủy trung đoàn gọi lên trung đoàn bộ. Một bữa cơm ấm cúng được bày ra. Tự nhiên nước mắt ông lặng lẽ ứa ra. Ông nghĩ đến 6 người lính đi cùng ông đã hy sinh, nghĩ đến 8 đồng đội khác bị thương đang nằm ở bệnh xá dã chiến. Lòng bùi ngùi, và miệng đắng nghét, bởi mình lành lặn, được ăn ngon, được đề nghị tặng thưởng, còn đồng đội chết rồi. Ngay sau trận đánh đầu tiên này, binh nhì Nguyễn Ngọc Lâm được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Đồng thời được bổ nhiệm từ chiến sĩ lên Trung đội trưởng.
* * *
Có một trận đánh cũng nhớ đời, ám ảnh Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm đến tận lúc cuối đời. Đó là trận đánh đông Đường 14 cuối năm 1969. Đại đội 2 của ông làm nhiệm vụ phục kích địch. Bị thất bại. Đào hầm xong, xe tăng địch từ hai hướng hành tiến lên: Hướng Đường 14 và hướng Gia Lai. Hai bên đánh nhau tơi bời. Ông Lâm sống sót. Ông bị thương nằm dưới mương, thấy địch lăm lăm tay súng đi tìm diệt đối phương còn sống. Ông cố sức kéo xác đồng đội và cỏ rác bên cạnh phủ lên thân mình.
Sau trận đánh, chỉ còn 4 người tã tượi, mệt mỏi, thất thểu, đi về cứ. Buồn bã. Cả một lán trại im lặng, trống vắng, dãy ba lô im lìm trong hoang lạnh. Đêm về khuya, ông Lâm khóc. Khóc vì xót thương. Khóc vì trơ trọi. Đại đội trưởng còn sống. Liên lạc sống. Chính trị viên chết. Sau đó, đại đội 2 của ông được bổ sung cán bộ, bổ sung quân, không bị xóa phiên hiệu.
* * *
Đầu năm 1970, ông cùng Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 đánh Nam Lào, giải phóng Atôpơ. Lúc đó, Nguyễn Ngọc Lâm mới 20 tuổi, ông chỉ huy trung đội đánh sân bay do tiểu đoàn 4B của ngụy quân Lào trấn giữ. Chiến thuật lấy ít đánh nhiều của đặc công tinh nhuệ được áp dụng. Oái oăm là trinh sát dẫn qua một đầm lầy đi lệch 200m so với mục tiêu. Thay vì đánh vào hướng phụ theo phương án thì lại lạc sang hướng cổng chính. Trăng sáng mờ mờ. Ông đang vận động bỗng nhìn thấy hai thằng Mỹ đội mũ, đứng gác. Ông giật mình. Lặng lẽ. Cẩn trọng và khôn khéo tiếp cận gần. Hóa ra là hai cái tượng đá, địch đội mũ sắt cho tượng để nghi binh. Đến giờ nổ súng, không thể quay trở lại hướng phụ, ông Lâm vẫn chỉ huy trung đội tiến vào cổng chính đánh trực diện vào sân bay, phá hủy hàng chục máy bay. Tiểu đoàn 4B của ngụy quân Lào vỡ trận. Ông lệnh đánh thẳng vào hầm chỉ huy, tiêu diệt tên tiểu đoàn trưởng. Ông Lâm kể: Trong hầm tên Tiểu đoàn trưởng có cả gái và vàng. Bọn con gái thì co lại một góc hầm... hãi sợ. Tất nhiên là mũi súng của các ông bỏ qua, không chĩa thẳng vào ngực các cô gái tội nghiệp ấy bóp cò.
 |
Kỷ niệm của chàng sĩ quan trẻ Nguyễn Ngọc Lâm (ngoài cùng bên phải) ở chiến trường K sau giải phóng Phnom Penh.
|
Năm 1972, mới 22 tuổi, chàng sĩ quan trẻ Nguyễn Ngọc Lâm đã làm Chính trị viên phó - Phó bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207. Sau đó, vẫn đánh nhau nhùng nhằng, lúc nổ súng, lúc củng cố, kéo dài hơn 1 tháng. Tiểu đoàn 1 của ông Lâm hơn 200 quân, lúc trở về căn cứ chỉ còn hơn 30 tay súng. Tiểu đoàn trưởng Bùi Viết Tịch bị thương. Chính trị viên phó tiểu đoàn Bùi Huy thì hy sinh. Chính trị viên tiểu đoàn Lê Việt thì đi viện vẫn chưa trở lại đơn vị. Cán bộ tiểu đoàn chỉ còn mình ông Nguyễn Ngọc Lâm. Ngao ngán! Buồn!
Cả căn cứ, nhà tạm dài cả trăm mét, hơn 200 cái giường san sát. Chỉ còn ba lô anh em trước khi đi đánh nhau để lại dài cả dãy. Vắng lặng không có người. Trống trải. Thiếu vắng. Mười đêm liền không ngủ được, ông Lâm nằm khóc. Thương anh em quá! Có người lính mới bổ sung về cuối chiều thì đêm đi đánh nhau. Chưa kịp nhớ tên, không rõ quê quán, không biết gia đình vợ con hoàn cảnh khó khăn thế nào.
Nói chuyện với tôi đến đoạn này, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm ngừng lại. Mắt rơm rớm. Ngậm ngùi. Ông Lâm bảo: Không biết sao, mình hành quân từ Bắc vào Nam, vượt sang Lào. Từ Lào sang Campuchia. Từ tây bắc Campuchia xuống đông nam Campuchi, xuống tận tỉnh Công Pông Thơm, Công Pông Chàm, rồi về tỉnh Kiên Giang - Nam bộ Việt Nam, đi khắp Đông Dương, mà lại đi được suốt chặng đường dài gian khổ, ác liệt như thế.
* * *
Vinh quang con đứng bên Người
Tháng 7 năm 1981, từ chiến trường Campuchia, ông Lâm về nhận nhiệm vụ ở Bộ tư lệnh Lăng. Xúc động quá, ông khóc. Khóc vì lần đầu tiên được đặt chân lên đất Thủ đô, lần đầu tiên được đi vào lăng viếng Bác, lần đầu tiên nhận nhiệm vụ mới thiêng liêng, cao cả. Nhưng, cũng khóc khi chợt nhớ lại một quãng đường trận mạc 13 năm bị thương 4 lần, mà vẫn còn được trở về quê hương.
Ông còn nhớ: Đêm trực tác chiến đầu tiên ở công trình Lăng Bác là một đêm cuối mùa thu. Trời se se lạnh. Lần đầu tiên, ông mặc bộ quân phục nghi lễ. Thổn thức cả đêm không ngủ. Nhìn hình ảnh qua gương điều lệnh, ông cũng thấy bộ quân phục nghi lễ tôn mình đẹp thêm, chững chạc hơn. Lăng Bác vào khuya lặng lẽ. Các cán bộ, nhân viên đang ca trực, ai nấy đều im lặng, chăm chú thực hiện công việc. Ông kiểm tra buồng trực nào cũng bắt gặp những người lính nghiêm trang, cần mẫn, và ngẩng mặt cười hồn hậu, chào ông. Một công việc mới. Một hoàn cảnh mới. Một không gian mới. Và những mối quan hệ mới. Lúc này, ông không khóc nhưng trong lòng cứ rưng rưng.
Bình minh lên. Ông bước trên con đường rải sỏi, nhìn quốc kỳ tung bay trong nắng mới và nhìn thấy hình ảnh Bộ đội bảo vệ Lăng trong lễ thượng cờ ở Quảng trường Ba Đình lúc 6 giờ sáng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn tiêu binh thượng cờ 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Khởi hành từ phía sau lăng, có Quân kỳ Quyết thắng dẫn đầu, đoàn đi một vòng ra phía trước trong tiếng nhạc hành khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” của Doãn Nho vang lên. Ba chiến sĩ tiến lên cột cờ, làm các nghi thức thượng cờ, cùng lúc là cửa Lăng Bác mở. Sau khi có hiệu lệnh, lá cờ tung ra và từ từ kéo lên cột cờ cao 29m trong tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng. Hàng ngày, vào lúc 21 giờ, lễ hạ cờ diễn ra cùng các nghi thức tương tự. Đoàn tiêu binh áo trắng 34 chiến sĩ bước đi trong tiếng nhạc “Bác cùng chúng cháu hành quân” của Huy Thục. Lá cờ rời từ đỉnh xuống chân cột cờ và được gấp gọn ghẽ, ngay ngắn. Đội tiêu binh lại rước quốc kỳ vòng qua lăng, kết thúc lễ hạ cờ. Ý tưởng này, do Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó có Đại tá Phó tư lệnh Chính trị Nguyễn Ngọc Lâm đề xuất và được Chính phủ phê duyệt vào ngày 19-5-2001 nhân dịp kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Gần 30 năm công tác bảo vệ Lăng, ông Nguyễn Ngọc Lâm đã gặp nhiều hình ảnh xúc động rơi nước mắt. Ông kể: Đoàn thương binh nặng, liệt cột sống vẫn mong được một lần gặp Bác. Đơn vị cử các chiến sĩ tiêu binh khiêng cáng những thương binh nặng ấy gần Bác. Các anh xoay người thương binh nằm nghiêng quay mặt về phía Bác để nhìn Bác rõ hơn. Các anh thương binh ấy đã khóc. Khóc bởi lần đầu tiên gặp Bác, khóc vì xúc động và mãn nguyện.
Có đoàn thương binh, có người mù cả hai mắt vẫn thiết tha được viếng Bác dù chỉ một lần. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm hiểu được nỗi lòng ấy, ông cho các chiến sĩ tiêu binh đưa họ vào viếng Bác. Người thương binh bao nhiêu năm sống trong bóng tối òa khóc: “Bác ơi! con đã được ở gần Bác. Con mãn nguyện như đã nhìn thấy Bác rồi”.
Đóng góp lớn nhất của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm ở Bộ Tư lệnh Lăng là 10 năm cuối đời binh nghiệp làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy cùng Thường vụ lãnh đạo đơn vị ổn định, đoàn kết thống nhất. Và với tinh thần tự lực tự cường, ra được Nghị quyết lãnh đạo đơn vị tự pha chế dung dịch bảo quản thi hài Bác tại Việt Nam.
* * *
Đôi chân thời trận mạc đã từng đi khắp Đông Dương, bây giờ Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm vẫn không nghỉ. Cởi sắc phục nhà binh, khoác trang phục thường nhật, ông làm Viện phó Viện nghiên cứu Ứng dụng tiềm năng con người, kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Cận Tâm lý. Niềm vui của ông là cùng các nhà ngoại cảm và đồng đội đi lại chiến trường xưa tìm mộ liệt sĩ. Khám chữa bệnh không dùng thuốc. Nghiên cứu phong thủy... Còn sức khỏe là còn cống hiến. Còn cống hiến là còn sống xứng đáng với thời trận mạc, xứng đáng với thời ông về Lăng Bác công tác với “vinh quang con đứng bên Người”.
Bút ký của SƯƠNG NGUYỆT MINH