Tìm cái “đồng” để khắc chế cái “bất đồng”

Thập niên 1980, Việt Nam còn chịu sự bao vây cấm vận nặng nề của Mỹ. Ngoài một số nước XHCN, hầu hết các nước khác chưa dám giao thương với Việt Nam. Dần dà, một số doanh nghiệp (DN) nước ngoài bắt đầu đặt vấn đề muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam để hợp tác. Sau khi được Bộ Ngoại thương đồng ý, VCCI cử bà Lan lên xin ý kiến Bộ Ngoại giao về chủ trương và lập tức nhận được sự ủng hộ của Bộ. Ông Vũ Khoan khi đó phụ trách mảng kinh tế của Bộ Ngoại giao nên mọi đề xuất của VCCI đều báo cáo trực tiếp với ông, được ông phân tích, hướng dẫn cụ thể cách thức xử lý. Là người đặc biệt chú trọng nghiên cứu các vấn đề kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu, cùng với tư duy đổi mới, hiểu biết sâu sắc nhiều lĩnh vực, ông luôn cổ vũ mạnh mẽ việc thiết lập quan hệ làm ăn với DN các nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông thường căn dặn người làm công tác DN phải biết tìm ra cái “đồng” về lợi ích để khắc chế những cái “bất đồng”, bởi chỉ khi đối tác thấy rõ lợi ích của họ khi hợp tác với ta, đó mới là lúc thành công.

Năm 1992 là thời điểm quan hệ Việt Nam-Mỹ đã dịu bớt căng thẳng, Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) mời VCCI sang thăm để tìm kiếm cơ hội kết nối DN hai nước. Ông Vũ Khoan, khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trực tiếp dặn dò đại diện VCCI cách tiếp cận cũng như cách thức ứng xử với phía Mỹ. Chuyến đi đạt kết quả khả quan khiến cả hai bên hài lòng. Được Bộ Ngoại giao “bật đèn xanh”, VCCI mời lại đối tác Mỹ thăm Việt Nam. Tháng 3-1993, Phó thống đốc bang California Leo McCarthy-nghị sĩ Đảng Dân chủ rất thân thiết với Tổng thống Mỹ Bill Clinton lúc bấy giờ-dẫn một đoàn DN Mỹ sang Hà Nội, mở đầu cho hàng loạt chuyến thăm sau đó của các đoàn DN Mỹ tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương, khai phá một con đường mới, góp phần không nhỏ vào việc Mỹ tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào tháng 7-1995.

Truyền thông khai mở

Cũng khoảng năm 1993, bà Lan dẫn đoàn đại biểu VCCI sang thăm Israel. Tại đây, đoàn Việt Nam nhận được sự tiếp đón rất nồng hậu của đối tác. Trong phòng họp chung, bà ngỡ ngàng thấy họ treo ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều người dân Israel bày tỏ khâm phục trước cuộc chiến đấu kiên cường của dân tộc Việt Nam nhỏ bé mà anh hùng và mong muốn được đặt chân tới Việt Nam. Trở về nước, bà Lan đến gặp để báo cáo tình hình với Thứ trưởng Vũ Khoan. Chuyến đi khiến bà vỡ lẽ, rằng Việt Nam được rất nhiều bạn bè quốc tế yêu mến, song do hạn chế về truyền thông nên nhiều ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam của các nước mà ta không biết. Điều đó có nghĩa là Việt Nam có biết bao sức mạnh, bao tiềm năng để mở ra với thế giới. Cái ta thiếu là truyền thông, là thông tin hai chiều với các nước, để họ thấy được thành quả của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, thấy chúng ta sẵn sàng dang tay kết nối bạn bè, hợp tác với thế giới. Nghe bà nói, ông Vũ Khoan hiểu ngay vấn đề và nhất trí sẽ báo cáo lên trên đề xuất tăng cường, đẩy mạnh các kênh truyền thông để khai mở các mối quan hệ với đối tác nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Khoan (thứ tư, từ phải sang) và bà Phạm Chi Lan (thứ hai, từ phải sang) trong buổi tiệc chiêu đãi đoàn doanh nghiệp Mỹ do Phó thống đốc bang California Leo McCarthy (thứ ba, từ phải sang) dẫn đầu thăm Việt Nam, tháng 3-1993. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Trong nhận định của bà Phạm Chi Lan, các lãnh đạo của Việt Nam thời kỳ đó đều là những người có tầm nhìn bao quát, có tư duy chiến lược, luôn đánh giá tình hình thế giới dưới cái nhìn đa chiều, bất cứ ai làm cái gì có lợi cho đất nước là sẵn sàng ủng hộ. Ông Vũ Khoan là một người như thế.  

Đặt mình vào vị thế của người

Sau này, khi ông đảm nhiệm chức Phó thủ tướng, bà Lan có nhiều dịp tham gia đoàn DN tháp tùng ông thăm các nước. Ông am hiểu lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hóa..., có nhiều trải nghiệm thực tế, đặc biệt đọc rất nhiều. Trước mỗi chuyến đi, ông luôn đọc kỹ các thông tin về nước sắp đến, quan hệ nước đó với Việt Nam thế nào, có gì thuận lợi, có gì khó khăn, cơ cấu đoàn đi thế nào, mang DN loại nào đi, triển vọng ra sao... Điều đó khiến mọi thành viên trong đoàn ý thức được chức trách, vai trò của mình, từ đó làm rất tốt nhiệm vụ được giao. 

Chuyến đi để lại nhiều ấn tượng với bà Lan là chuyến tháp tùng Phó thủ tướng Vũ Khoan thăm Italy năm 2002. Các phiên làm việc chính thức đều có phiên dịch, song trong các hoạt động bên lề, Phó thủ tướng dùng tiếng Anh giao tiếp rất tự tin, cởi mở với các đối tác. Trao đổi về lĩnh vực nào, ông cũng thông hiểu và đưa ra những nhận định xác đáng. Không chỉ nhiều kiến thức sâu rộng về kinh tế, chính trị, ngoại giao, trong những câu chuyện xã giao, sự am hiểu của ông về các địa danh nổi tiếng của Italy, về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nước sở tại đều khiến các đối tác thán phục.   

“Tôi có một giấc mơ”...

Một kỷ niệm đáng nhớ khác là chuyến đi Mỹ để hoàn tất Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA) năm 2000. Như đã biết, BTA là một thành công mang rất nhiều dấu ấn của ông Vũ Khoan. Tuy không phải người khởi đầu nhưng ông lại là người kết thúc đàm phán, đại diện phía Việt Nam đặt bút ký BTA với phía Mỹ. Thành công của việc ký kết BTA không chỉ mở ra thị trường khổng lồ cho các mặt hàng chủ lực của Việt Nam mà còn là bước đột phá về hội nhập quốc tế, làm cơ sở cho Việt Nam đẩy nhanh quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Chuyến đi lần đó có nhiều DN lớn tháp tùng, thể hiện mong muốn phát triển thương mại ở những dự án lớn với sự tham gia của cả các công ty nhà nước lẫn các DN tư nhân trong nhiều lĩnh vực như: Thủy sản, giày dép, may mặc... Kết quả, cùng với việc ký kết thành công BTA, DN hai nước cũng đã ký được nhiều hợp đồng làm ăn. Trong bữa tiệc chiêu đãi do Hội đồng Thương mại và Đầu tư Mỹ-Việt tổ chức, ông Vũ Khoan được mời lên phát biểu. Nở nụ cười rất tươi và dí dỏm, ông bảo: "Hôm qua tôi có một giấc mơ...". Tất cả mọi người ồ lên một cách tò mò, vì ông đã “đánh trúng tâm lý” người Mỹ vốn rất thích câu cửa miệng “tôi có một giấc mơ”. Ông tiếp tục: Tôi mơ hôm nay, trong cuộc gặp gỡ này, tôi thấy các bạn Mỹ mặc áo “made in Vietnam”, đi đôi giày Adidas được xuất khẩu từ Việt Nam, và trong bữa tiệc của chúng ta có con tôm xuất khẩu từ Việt Nam... Không khí buổi tiệc như vỡ òa. Tất cả đều vỗ tay không ngớt. Các đại diện DN Việt, Mỹ ôm hôn, nồng nhiệt bắt tay, hẹn cùng nhau biến giấc mơ của ngài Phó thủ tướng thành hiện thực...  

Trọn đời lao động và cống hiến

Đóng góp của Phó thủ tướng Vũ Khoan vào việc hoàn tất BTA với Mỹ, hoàn tất đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO là rất lớn. Sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO, ông Vũ Khoan là một trong những người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy sửa đổi chính sách, hệ thống luật pháp của Việt Nam cho tương thích với các điều khoản của WTO, mở đường cho DN Việt Nam tham gia sân chơi lớn toàn cầu theo luật lệ chung, nâng chất lượng sản phẩm của DN trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp người tiêu dùng hưởng lợi. Ông là người ủng hộ phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội, nhấn mạnh không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Tư duy đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Dù là khi đương chức hay đã nghỉ hưu, ông Vũ Khoan luôn để lại cho những người tiếp xúc dấu ấn về một nhà ngoại giao trí tuệ, chính trực, bản lĩnh mà gần gũi, chân thành. Ngày nhập viện cấp cứu, trên bàn làm việc của ông còn dang dở mấy luận án của sinh viên, ông vẫn kịp dặn vợ nhắn các cháu đợi bác về xem nốt rồi góp ý. Ông đã làm việc đến giây phút cuối cùng. Sống thanh bạch, giản dị, thiện tâm, không vụ lợi, ông đã đi trọn vẹn một cuộc đời.

HÀ PHƯƠNG