Kênh Vĩnh Tế dài gần 100km, rộng 40m, được đào song song với đường biên giới Việt Nam-Campuchia, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc (An Giang) thẳng nối giáp với sông Giang Thành thuộc TP Hà Tiên (Kiên Giang).
Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kênh Vĩnh Tế được xem là công trình thủy lợi dài bậc nhất thời phong kiến và có ý nghĩa về kinh tế-quốc phòng đặc biệt quan trọng cho vùng biên cương phía Tây Nam Tổ quốc. Công trình là một kỳ tích của triều Nguyễn. Không chỉ về kinh tế, giao thương, tạo sinh kế cho người dân, kênh Vĩnh Tế còn là phòng tuyến đường thủy án ngữ dải biên giới Tây Nam, chứng kiến cuộc kháng chiến hào hùng của nhân dân vùng biên...
 |
Kênh Vĩnh Tế đoạn đi qua địa phận TP Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: PHƯƠNG VŨ. |
 |
Hội thảo Khoa học Quốc gia "200 năm Kênh Vĩnh Tế- Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai".
|
Theo sách “Từ kênh Vĩnh Tế đến kênh Võ Văn Kiệt”, vào cuối thế kỷ XVIII, con kênh này đã từng góp công ngăn cản quân Xiêm La sang đánh chiếm nước ta và đáp trả thành công cuộc xâm lược này, bảo vệ bờ cõi và bảo toàn được sự thống nhất và ổn định lãnh thổ của nước ta. Trải dài lịch sử hơn trăm năm sau, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở thế kỷ XX, con kênh này là đầu cầu chiến lược để chuyển quân, tải vũ khí chi viện cho chiến trường miền Tây Nam Bộ.
“Đầu cầu chiến lược” của chiến trường miền Tây Nam Bộ
Sau thất bại của Chiến lược “Chiến tranh Cục bộ”, để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của mình ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đã thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1973). Từ đầu năm 1969, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà địch gọi là “Vùng 4 chiến thuật” trở thành vùng trọng điểm của “kế hoạch bình định” với tất cả các thủ đoạn dã man và tàn bạo. Về phía ta, tuy đã giành được thắng lợi hết sức to lớn về chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, nhưng sau đó cách mạng miền Nam gặp rất nhiều khó khăn. Các vùng căn cứ địa đông dân bị địch bình định lấn chiếm gần hết, phần lớn lực lượng cách mạng bị giảm sức chiến đấu và bị đánh bật ra khỏi địa bàn...
Để đối phó với địch, tháng 4-1969, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ mới, động viên quân và dân hai miền Nam-Bắc tiến lên giành thắng lợi quyết định. Trên cơ sở Nghị quyết, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định gấp rút xây dựng LLVT, tập trung xây dựng các đơn vị chủ lực Quân Giải phóng miền Nam và điều động nhiều đơn vị chủ lực từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam để tăng cường cho mặt trận này; đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho phong trào đấu tranh mở vùng, mở mảng của nhân dân ở đây...
 |
Kênh Vĩnh Tế đoạn đi qua địa bàn tỉnh An Giang. Ảnh: HỮU ĐẶNG |
Theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Tư Cường, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công trong hồi ký “Nhiệm vụ đặc biệt”, Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân-Nhà Xuất bản trẻ 2002: Kênh Vĩnh Tế được xem là “nút thắt” của cung đường chuyển quân với biết bao hiểm nguy luôn rình rập, là nơi đối phương phòng thủ mấy lớp dày đặc rải suốt kênh để ngăn chặn bộ đội Việt Nam qua lại biên giới.
Đồn bốt chi chít trên bờ, dưới nước dày đặc tàu chiến và ca nô tuần tra ngược xuôi, ban đêm pha đèn sáng rực như ban ngày. Ngoài ra, lính biệt kích còn hay phục sẵn trên đồng hoang hai bên bờ để đón lõng chiến sĩ cách mạng. Đối phương bố trí phòng thủ kín kẽ đến mức con chó bơi qua sông ban đêm cũng khó tránh bị phát hiện. Những lần phải đột nhập qua lại kênh Vĩnh Tế, anh em thường bịn rịn, chia tay nhau vì biết trước sự nguy hiểm đang đợi mình ở con kênh biên giới. Ngoài ra, ở hai bên bờ kênh, nhất là phía bờ thuộc vùng đất của Việt Nam có nhiều sình lầy, ken dày cỏ lác, khiến việc cơ động khó khăn, khó bề xoay xở, dấu vết khó xóa nên dễ bị phát hiện.
Vượt kênh đã khó nhưng sang bờ trụ lại tại đó dưới bom đạn địch chờ đêm tối đi tiếp càng khó khăn hơn vì phải vừa chống chọi với muỗi, đỉa lại vừa phải dè chừng sự rình ngó của kẻ thù để tránh gây tổn thất... Nhưng “chỗ nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”, bởi chỉ cần mưu trí và dũng cảm qua được “cửa ải” cực kỳ hiểm nghèo là tiếp cận với vành đai Bảy Núi-nơi có các cứ địa liên hoàn của ta trong dãy Thất Sơn, lực lượng chi viện được ẩn nấp và dừng chân khá an toàn trước khi kịp thời chuyển đi tăng cường cho mặt trận miền Tây Nam Bộ, làm đảo lộn ý đồ thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc.
“Cầu nối” trên hành trình vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bên cạnh việc vận chuyển vũ khí, khí tài từ miền Bắc vào Nam bằng những “con tàu không số” ở “đường Hồ Chí Minh trên biển” thì còn có những vũ khí, khí tài được vận chuyển theo đường Trường Sơn vào đến các “kho” ở cặp biên giới Campuchia-Việt Nam chờ đưa vào các chiến trường.
Đầu năm 1966, khi đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh Cục bộ”, đánh phá ác liệt miền Nam, tăng cường kiểm soát các trục giao thông, đồng thời phong tỏa gắt gao các cảng sông, biển thì việc vận chuyển vũ khí, hàng quân sự từ Trung ương chi viện cho Khu 9 trên chiến trường Tây Nam Bộ bằng đường biển rất khó khăn... Chính vì vây, việc phải nối liền tuyến vận chuyển từ miền Đông Nam Bộ về miền Tây Nam Bộ để tiếp nhận hàng chi viện là rất cấp thiết. Và Trung ương Cục đã giao cho Khu 9 thực hiện nhiệm vụ này.
Nhưng, để có thể vận chuyển từ các "kho" ở biên giới vào chiến trường là rất khó khăn và phức tạp. Vì thế Khu ủy Khu 9 quyết định thành lập Đoàn 195 do lực lượng thanh niên xung phong Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) Khu Tây Nam Bộ phụ trách. Từ đây, tuyến đường vận tải 1C trở thành đường dây tiếp nhận và vận chuyển hàng quân sự huyết mạch cho cả chiến trường miền Tây Nam Bộ.
 |
Kênh Vĩnh Tế bắt đầu từ Châu Đốc (An Giang) kéo dài đến TP Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: HỮU ĐẶNG |
Để vận chuyển, lực lượng thanh niên xung phong phải chuyển hàng xuống những chiếc xuồng nhỏ, trọng tải khoảng 200-300kg vượt qua biên giới về kênh Vĩnh Tế và đi tiếp vào các trạm. Tuy nhiên, đây chính là chặng đường gian nan vất vả cùng với biết bao hiểm nguy luôn rình rập, nhất là khi vượt kênh Vĩnh Tế; bởi ở đây địch đóng đồn san sát và các đoàn tàu thường xuyên tuần tiễu, lùng sục, kiểm soát nghiêm ngặt suốt ngày đêm cùng với những “cây nhiệt đới” do máy bay Mỹ rải xuống để thu tiếng động của các đoàn vận tải.
Từ đầu năm 1969, địch đã phát hiện nên đã dùng nhiều biện pháp để cắt đứt con đường vận chuyển này. Đến cuối năm 1969, kênh Vĩnh Tế bị phong tỏa chặt chẽ tới mức tưởng không thể nào vượt qua được, nhưng thanh niên xung phong vẫn tìm nhiều cách để vượt qua kênh trong chớp nhoáng rồi lẫn vào sình lầy hoặc phải ngâm mình dưới nước, lấy cỏ và bèo phủ cả người lẫn xuồng và đẩy đi trên những đoạn dài 20-30km để qua mắt địch.
Mặc cho mưa bom, bão đạn và sự vây ráp của kẻ địch, “điểm nóng” kênh Vĩnh Tế vẫn thông suốt để tuyến đường 1C ngày một dài ra và vận chuyển hàng chi viện cho chiến trường miền Tây Nam Bộ ngày càng tăng. Chỉ tính từ năm 1967 đến năm 1974 đã có 13.650 tấn hàng được vận chuyển qua kênh Vĩnh Tế và tại hai bờ con kênh này cũng đã từng đưa đón hơn 30.000 lượt bộ đội, cán bộ ngược xuôi từ Trung ương Cục về miền Tây Nam Bộ.
Hệ thống phòng thủ quan trọng trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam
Nếu như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kênh Vĩnh Tế là “nút thắt” trên đường chuyển quân và là “cầu nối” quan trọng của tuyến đường vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Tây Nam Bộ, thì trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (từ năm 1975-1979), kênh Vĩnh Tế lại trở thành một hệ thống phòng thủ quân sự quan trọng góp phần ngăn chặn và đẩy lùi quân địch về bên kia biên giới.
Ngày 30-4-1977, tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary liên tiếp mở các cuộc tấn công quy mô lớn sang lãnh thổ Việt Nam, đồng loạt nổ súng tấn công 14 xã biên giới của tỉnh An Giang; trong số 14 xã biên giới đó có nhiều xã thuộc huyện Tịnh Biên (nay là thị xã Tịnh Biên) nằm trên kênh Vĩnh Tế là An Phú, An Nông, Nhơn Hưng… Trong những năm 1960-1965, phong trào cách mạng ở Nhơn Hưng lên mạnh mẽ nên nơi đây là cơ sở của cách mạng khá an toàn. Cùng với địa thế rậm rạp, hoang sơ nhưng lại gần trung tâm huyện cho nên Huyện ủy Tịnh Biên đã đặt căn cứ ở đây trong một thời gian để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Vì thế, quân địch ra sức càn quét và bắn phá dữ dội vào các cứ điểm của cách mạng ở Nhơn Hưng.
 |
Đoạn kênh Vĩnh Tế qua huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh: PHAN ÁNH |
 |
Người dân sản xuất lúa dọc hai bên kênh Vĩnh Tế. Ảnh: PHAN ÁNH |
Theo Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Huỳnh Trí, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn xã Nhơn Hưng, chúng đóng đồn Cây Mít là nơi có địa thế quân sự đặc biệt với hệ thống giao thông hào kiên cố và các lô cốt vững vàng để khống chế vùng căn cứ này. Cũng nhờ đó mà khi quân Pol Pot-Ieng Sary đánh lấn, xã Nhơn Hưng đã có sẵn hệ thống công sự vững chãi để cầm cự. Để giữ vững trận địa, dân quân và du kích đã đào thêm nhiều công sự, chiến hào và bố trí nhiều chốt phục kích dọc theo tuyến biên giới thuộc địa bàn xã... nhờ đó Nhơn Hưng đã cầm cự được với địch, giữ vững được cứ địa và là xã biên giới duy nhất của tỉnh An Giang không bị Pol Pot-Ieng Sary chiếm giữ.
“Đến đầu năm 1979, quân ta đồng loạt phản công đẩy lùi Pol Pot-Ieng Sary ra khỏi bờ cõi, đem lại sự bình yên cho dòng kênh Vĩnh Tế. Với sự chiến đấu anh dũng của quân dân du kích cùng với bộ đội địa phương và quân chủ lực Quân khu 9, chỉ riêng “chốt thép Nhơn Hưng” ở bờ Nam kênh Vĩnh Tế đã chiến đấu và chiến thắng 72 trận lớn nhỏ, diệt 146 tên địch, thu 56 súng các loại, giữ vững vững địa bàn”, Đại tá Huỳnh Trí cho biết.
 |
Lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế. Ảnh: HỮU ĐẶNG |
Ngày nay, khi cuộc chiến đã lùi xa thì dòng kênh Vĩnh Tế vẫn ngày ngày xuôi chảy, chẳng những nối liền Châu Đốc với Hà Tiên, góp phần giữ vững bờ cõi mà còn góp phần đưa dòng nước lũ hung dữ thoát ra biển Tây thông qua kênh T5, đánh thức tiềm năng vùng Tứ giác Long Xuyên; đồng thời là tuyến vận tải đường thủy huyết mạch của vùng biên giới Tây Nam của nước ta đi các nơi cũng như giúp cho hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam thuận tiện.
Kênh Vĩnh Tế chẳng những ngày càng trở nên quan trọng trong chức năng bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc mà còn có ý nghĩa nhân sinh, đóng góp vào sự phát triển của vùng đất phương Nam.
QUANG ĐỨC - THANH SƠN (lược ghi tại Hội thảo khoa học Quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”.
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.