Nguồn cội và tình yêu hàn gắn vết thương quá khứ
50 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vẫn còn đó những ký ức về một thời giang sơn chia cắt, với bao hy sinh, đau thương, ly tán.
Ngay trong thời khắc lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh, tinh thần hòa hợp dân tộc đã được thể hiện sâu sắc trong từng hành động của Quân Giải phóng. Trong ngày tháng Tư lịch sử đó, Đại tá Từ Đễ, nguyên Phi đội phó Phi đội 4, Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không-Không quân từng trực tiếp tham gia trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất những ngày cuối tháng 4-1975, đã kể lại một kỷ niệm đặc biệt. Theo lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, ông và đồng đội có nhiệm vụ tiêu diệt các lực lượng phòng không còn lại, nhưng tuyệt đối không được ném bom vào đường băng, nhằm bảo đảm cho máy bay chở người Mỹ rút khỏi miền Nam được cất cánh an toàn.
“Thấy máy bay không bắn, vì biết trên chiếc máy bay đó cũng có những người dân mình. Họ ra đi, tôi không rõ vì sao, nhưng đó là đồng bào, đó là người Việt”, ông nhớ lại.
 |
Kiều bào về thăm quê hương tham gia trải nghiệm băng rừng và khám phá địa đạo ở Củ Chi ngày xuân đầu năm 2025. Ảnh: NGÔ TÙNG |
Hành động thầm lặng ấy nơi chiến trường rực lửa đã nói lên một điều, hòa hợp dân tộc không chờ đến khi chiến tranh kết thúc mới bắt đầu. Nó đã nảy mầm ngay trong từng quyết định nhân đạo của người lính Bộ đội Cụ Hồ trong ngày toàn thắng và những năm dài khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển đất nước. Quân đội ta với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục là lực lượng tiên phong trong việc thực hiện các hoạt động hòa hợp dân tộc, luôn thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc và lòng khoan dung cao cả.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã rời khỏi đất nước Việt Nam. Nếu có, đó chỉ là bước chân của một con người buộc phải ra đi. Trong suốt những năm dài xa xứ, tôi đã viết hơn 300 ca khúc hướng về quê hương. Xa quê 30 năm nhưng tâm hồn tôi chưa từng rời khỏi đất Mẹ”, đó là lời chia sẻ đầy xúc động của cố nhạc sĩ Nguyễn Duy trong đêm nhạc “Ngày trở về” được tổ chức tại quê nhà, đã minh chứng cho tình yêu quê hương sâu nặng, luôn cháy bỏng trong trái tim mỗi người con đất Việt, dù ở bất cứ nơi đâu.
Trở về để hiến kế, cống hiến
Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã xác định hòa hợp dân tộc là một chiến lược quan trọng trong công cuộc đại đoàn kết toàn dân. Nghị quyết 36-NQ/TW (năm 2004) đã khẳng định, người Việt Nam ở nước ngoài là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam. Chính sách này không chỉ giúp kiều bào đóng góp vào sự phát triển đất nước, mà còn khẳng định cam kết của Đảng, Nhà nước đối với hòa hợp dân tộc.
Cùng với đó là nhiều chính sách mới được ban hành để tạo điều kiện cho kiều bào về thăm quê hương, tham gia sâu rộng vào nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, nghiên cứu khoa học, phát huy cầu nối giữa Việt Nam ra thế giới. Từ năm 2010, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai nhiều hoạt động dành cho kiều bào, như hội nghị gặp gỡ, trại hè, đoàn đại biểu thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), chương trình nghệ thuật dịp lễ, Tết...
Với bà Trần Tuệ Tri, người Việt sống ở Singapore, người đồng sáng lập và cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose, trở về không chỉ là chuyến hồi hương cá nhân, mà còn là hành trình kết nối những thế hệ kiều bào trẻ với cội nguồn dân tộc. “Mỗi dịp Tết đến, tôi lại cảm nhận sâu sắc hơn mối dây gắn kết thiêng liêng giữa kiều bào với Tổ quốc. Những thành tựu to lớn của đất nước sau gần nửa thế kỷ thống nhất chính là minh chứng cho sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Ngày nay, kiều bào đã hướng về quê hương không chỉ là nguồn cội, mà còn mong muốn góp sức, hiến kế xây dựng quê hương”, bà nói.
Trên bến Bạch Đằng giữa Thành phố mang tên Bác, những ngày này, nổi bật dòng chữ “Đại thắng mùa Xuân 1975-thắng lợi của truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước” trên pano khổ lớn, lấp lánh soi bóng xuống dòng sông Sài Gòn cuộn chảy về đêm. Dòng sông ấy mải miết 50 năm cùng hành trình hòa bình, thống nhất đất nước, chứng kiến bao đổi thay của thành phố ngày càng hiện đại, năng động, văn minh, nghĩa tình.
Trong lớp lớp người hòa vào các hoạt động chào mừng, tưng bừng rực rỡ cờ hoa của ngày hội non sông thống nhất, có nhiều kiều bào trở về từ nhiều quốc gia trên thế giới. Họ hòa chung vào những khuôn mặt hân hoan, rạng ngời, chung niềm vui hòa bình thống nhất, toát lên lẽ sống yêu hòa bình, đoàn kết, hòa hợp sau bao biến động thăng trầm của lịch sử.
Bài, ảnh: KIỀU OANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.