Chốt thép Nhơn Hưng là một bức tường thành với các lô cốt, hệ thống giao thông hào... diện tích 4.400m2. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây là đồn bót của quân ngụy. Sau khi đánh đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi đất nước, nơi đây trở thành chốt chiến đấu giúp cho lực lượng du kích của ta kiên cường bám trụ chống lại quân Pol Pot xâm lược.
 |
Khu di tích Chốt thép Nhơn Hưng nhìn từ trên cao.
|
Kể cho chúng tôi nghe về giai đoạn tham gia những trận đánh, ông Phạm Văn Phường, nguyên Chỉ huy trưởng phường Nhơn Hưng (giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1980) cho biết: Với âm mưu quyết tâm chiếm vùng chiến lược Bảy Núi, quân Pol Pot đã mở hàng loạt cuộc khiêu khích, thường xuyên gây chiến bắn phá trên toàn tuyến biên giới Tây Nam; chúng bố trí một lực lượng lớn quân áp sát biên giới dọc theo bờ kênh Vĩnh Tế, sẵn sàng cơ động xâm lấn các xã biên giới, gây căng thẳng tình hình biên giới. Đầu năm 1977, chúng tập trung quân chủ lực, quân địa phương đánh phá ác liệt toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, gây cho ta thiệt hại về người và của.
Cuối năm 1977, các cuộc chiến tranh xâm phạm biên giới của quân Pol Pot ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn quy mô đã làm cho tính chất của xung đột biên giới càng thêm gay gắt, phức tạp và nghiêm trọng hơn. Pol Pot cho một lực lượng lớn tiểu đoàn bộ binh tràn qua biên giới ta, đồng loạt nổ súng tấn công 14 xã biên giới, sau đó đánh chiếm một số huyện địa bàn tuyến biên giới; đi đến đâu chúng cũng giết người, cướp của, đốt phá nhà cửa vườn tược, cơ sở hạ tầng của ta. Từ giữa tháng 4-1978, chúng chiếm được hầu hết các xã biên giới huyện Bảy Núi, trừ xã Nhơn Hưng không chiếm được.
 |
Bia di tích Chốt thép Nhơn Hưng, ghi dấu chiến công trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
|
“Tại khu vực Chốt thép Nhơn Hưng, giai đoạn chiến tranh ác liệt, đơn vị chỉ vỏn vẹn có 8 chiến sĩ, có lúc 4 trong 5 xã biên giới bị địch chiếm, chỉ còn lại duy nhất Nhơn Hưng rất cô lập. Địch đông hơn ta gấp bội, lại bắn phá ác liệt, lực lượng nơi đây phải liên tục đánh trả hằng giờ, hằng ngày. Vào mùa nước lũ hoặc mưa ngập hầu hết các công sự, hệ thống các lô cốt, giao thông hào... không còn chỗ trú đóng, sinh hoạt thiếu thốn đủ bề, gây cho lực lượng vùng biên giới đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mặt khác, lực lượng du kích xã Nhơn Hưng không kịp được huấn luyện một ngày nào, nhưng trước sự bao vây của kẻ thù xâm lược, tiếp nối truyền thống đấu tranh của cha ông, du kích xã đã không ngại gian khổ hy sinh bám trụ Chốt thép chiến đấu, đẩy địch về bên kia biên giới, giữ lại mảnh đất quê hương mình”, ông Phạm Văn Phường cho biết.
Còn theo chia sẻ của ông Lê Văn Hai, du kích xã Nhơn Hưng (giai đoạn từ 1975 đến 1979), một trong những yếu tố góp phần giữ vững Chốt thép Nhơn Hưng làm cho quân địch không thể đánh bật đó chính là nhờ các chốt “vệ tinh” yểm trợ. Xung quanh các chốt “vệ tinh”, ta vừa phòng ngự vừa chiến đấu, có lúc ta rút dần về chốt chốt bên phía bờ Nam kênh Vĩnh Tế. Việc di chuyển từ chốt này sang chốt kia rất khó khăn và nguy hiểm vì phải đi giữa “làn tên mũi đạn”. Các chiến sĩ ta với tinh thần quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc, kiên cường bám trụ địa bàn.
“Bên cạnh việc có có các chốt yểm trợ, yếu tố địa lý, tự nhiên cũng góp phần không nhỏ. Chuyện là, bên bờ Bắc kênh Vĩnh Tế có một gò đất rất cao, địch khó có thể bắn qua tiêu diệt Chốt thép và chiến sĩ ta muốn pháo kích qua biên giới cũng phải leo lên nắp hầm mới quan sát được. Gần Chốt thép có một cây còng to, được xem như là một vọng gác của ta. Từ trên cao, có thể quan sát được phía địch và phát huy được lối bắn tỉa, qua đó góp phần tiêu diệt nhiều tên địch”, ông Lê Văn Hai nhớ lại.
 |
Di tích lịch sử Chốt thép Nhơn Hưng ngày nay. |
Năm 1979, kết thúc chiến tranh, Nhơn Hưng là xã duy nhất không bị địch chiếm, với tinh thần đoàn kết chiến đấu ngoan cường, dân quân du kích xã đã đánh 72 trận, diệt được 146 tên, thu 56 súng các loại; đặc biệt đã bám trụ “Chốt thép thành đồng” giữ vững địa bàn.
Với những chiến công và thành tích đó, ngày 20-12-1979, dân quân du kích xã Nhơn Hưng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Riêng đồng chí Huỳnh Vũ Hùng (nguyên Xã đội trưởng Nhơn Hưng) và Ban Công an nhân dân xã Nhơn Hưng trong dịp này cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân...
Nhằm ghi nhận những chiến công to lớn của quân dân du kích xã Nhơn Hưng anh hùng, ngày 26-11-2014, UBND tỉnh An Giang đã xếp hạng Chốt thép Nhơn Hưng là di tích lịch sử cấp tỉnh; góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan và giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Bài, ảnh: QUANG ĐỨC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.