Ông Nguyễn Minh Vân tên thật là Nguyễn Đình Quảng, quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tháng 9-1945, ông là Trưởng ban Tuyên truyền Giải phóng quân tại Đà Nẵng. Năm 1949, ông phụ trách Phòng Cán sự điệp báo, Cục Tình báo. Năm 1956, ông được tổ chức giao nhiệm vụ nắm mạng lưới tình báo ở miền Trung, sau đó chuyển vào miền Nam để nắm mạng lưới nội tuyến cao cấp. Tháng 11-1957, ông bị địch bắt. Bọn chúng giam cầm ông ở nhiều nơi và tra tấn dã man. Tháng 11-1961, chúng đầy ông tới nhà tù “chín hầm”, được coi là tử ngục của quân ngụy, vì đã vào là cầm chắc cái chết.

leftcenterrightdel

Chiếc áo bằng bao tải thô và tập thơ “Sống trong mồ” được trưng bày ở Bảo tàng Tổng cục II. 

Trong thời gian bị giam cầm, ông Nguyễn Minh Vân đã sử dụng chiếc bao tải mà địch quăng cho người tù, để làm chiếc áo mặc (vì quần áo đang mặc đã mục và rách). Cũng thời gian này, từ lòng căm thù đối với kẻ thù và nỗi xót thương, cảm phục những đồng chí đã anh dũng hy sinh, ông tự sáng tác, ghi nhớ, học thuộc lòng 3.000 câu thơ.

Khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính, Nguyễn Minh Vân và hai người tù còn sống sót ở nhà tù “chín hầm” được quân đảo chính chuyển về Nhà tù Lao Xá Ty công an Thừa Thiên. Chi bộ Nhà tù Lao Xá khi biết chuyện ông Minh Vân làm thơ dưới ngục "chín hầm", các đồng chí đã dùng mọi cách qua mắt địch để giúp ông chép lại những câu thơ mà ông đã ghi sâu trong trí nhớ. Ròng rã 3 ngày, ông đã chép lại 3.000 câu thơ và bản thảo nhanh chóng được chuyển ra vùng tự do để làm tài liệu tuyên truyền đấu tranh cách mạng.

Thời gian ở Nhà tù Lao Xá, vì không khai thác được gì ở người cán bộ tình báo kiên trung và không đủ hồ sơ luận tội, địch chuyển ông trở lại Sài Gòn. Sau đó, chúng buộc phải trả tự do cho ông Nguyễn Minh Vân vào ngày 23-5-1964. Rời khỏi nhà tù của địch, ông đã gửi lại chiếc áo cho người em ruột của mình ở Sài Gòn để tiếp tục tham gia cách mạng. Còn bản thảo tập thơ đã được Nhà xuất bản Văn học cho in tập I “Sống trong mồ", năm 1973, phục vụ đấu tranh chính trị ở miền Nam.

Nội dung tác phẩm "Sống trong mồ" phản ánh phẩm chất cao quý của người đảng viên, người chiến sĩ tình báo chiến đấu vì lý tưởng cộng sản; là bản chính khí ca thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Năm 2002, tập thơ đã được tái bản có bổ sung.

Bài và ảnh: NGỌC GIANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.