Bài báo sau đó được dịch sang tiếng Việt bởi nhiều dịch giả trong và ngoài nước. Nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, bản dịch của dịch giả Phạm Viêm Phương được Nhà xuất bản Trẻ tổng hợp trong cuốn “Những phóng sự về chiến tranh Việt Nam”, xuất bản năm 2015 sát với nguyên gốc hơn cả. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trân trọng giới thiệu một phần nội dung bài báo này.
...Lúc đó mới 10 giờ 30 sáng, nhưng trên bàn ông ta có một chai bia rỗng và một cái ly không. Thật khác hẳn lần tôi gặp ông ta hồi tháng 3-1968. Lúc đó, Loan là giám đốc tổng nha cảnh sát. Ông ta chỉ huy 70.000 người gồm cảnh sát, đặc vụ, những tiểu đoàn bán quân sự của lực lượng cảnh sát dã chiến và đội quân gián điệp cùng điểm chỉ viên. Quyền lực của ông ta là quyền lực của sự sống và cái chết. Theo lệnh ông ta 10.000 người đã bị giam trong những chuồng cọp ở Côn Đảo và những nơi khác; bị tra tấn trong những trung tâm thẩm vấn kinh khiếp của các tỉnh; bị ám sát, bị xử tử hoặc đơn giản là không còn được nghe nhắc tới nữa.
Nhưng cho dù như thế, hai trong số ba sự kiện dẫn đến việc ông ta mất quyền lực đã xảy ra. Tháng 2-1968, trong trận Tết Mậu Thân, Loan gặp vận xui khi bị chụp hình đang bắn vào đầu một tù nhân Việt cộng bị trói và bất lực bằng khẩu súng lục của ông ta. Tháng 5 năm đó, khi Sài Gòn bị tấn công lần thứ hai, ông ta đã trở thành, trong chừng mực tôi có thể nói, vị tướng Nam Việt Nam duy nhất bị thương trong trận đánh dưới đất. Chân phải của ông ta nát nhừ bởi những viên đạn tiểu liên khi ông ta dẫn đầu một cuộc tấn công vào một đơn vị du kích. Thiệu nhân cơ hội này thế chỗ Loan bằng một trong những người của ông ta.
Loan được gửi sang Úc để chữa trị, nhưng bức ảnh và những bộ phim truyền hình về vụ bắn tù binh đã khiến ông ta mang tai tiếng. Ông ta có vẻ là mẫu người tiêu biểu của tất cả cái xấu xa và hèn nhát trong cuộc chiến nói chung và của lực lượng Nam Việt Nam nói riêng, và sự phản đối của công chúng đã buộc ông ta phải ra đi. Ông ta được đưa đến bệnh viện Walter Reed Army ở Washington. Cái chân được cứu, nhưng nó không hơn một cây sậy. Một thời gian lâu sau khi ông hồi phục, trong khi Thiệu đã củng cố xong quyền lực của mình, Loan và gia đình ông ta sống trong cảnh lưu vong thực sự, trong một ngôi nhà ở Virginia, bị CIA giám sát chặt chẽ. Khi cuối cùng ông ta được cho phép trở lại Sài Gòn, thì chỉ để nhận một nhiệm vụ hữu danh vô thực và một văn phòng trống không.
Tôi gặp Loan lần đầu vào mùa hè năm 1967. Dịp đó là buổi lễ tốt nghiệp của một lớp những tân binh cảnh sát tại trung tâm chỉ huy của Loan. Tôi được một viên cố vấn an ninh công cộng Mỹ mời tham dự. Loan ngồi không xa tôi dưới một mái che được làm từ cái dù tiếp tế hàng hóa màu trắng và cam. Ông ta không hề tạo một ấn tượng tốt. Trán ông ta trợt và cằm lẹm, đầu hói, mắt lồi, hàm răng xấu xí, ông ta gầy nhom và vai xuôi.
Các sĩ quan cấp cao, cả người Việt lẫn người Mỹ, luôn luôn mặc quần áo dã chiến hồ bột chỉnh tề và giày trận bóng loáng, cho dù họ đang ở văn phòng làm việc, và tạo cho khuôn mặt họ vẻ nghiêm nghị để che giấu những cái đầu rỗng to tướng bên dưới chiếc mũ của họ. Loan, trái lại, mang xăng đan lỏng lẻo, mặc áo sơ mi trắng ngắn tay, quần tây xám rộng thùng thình của cảnh sát bình thường. Khuôn mặt của ông ta sống động với vẻ láu cá. Suốt buổi lễ dài này ông ta uống cô nhắc với sô-đa và nói đùa với những thuộc cấp, thỉnh thoảng cười quá lớn đến độ chân ông ta đánh nhịp xuống đất như một phản xạ của cơn co thắt bắp thịt.
 |
Quân Mỹ, ngụy rút chạy khỏi Khe Sanh năm 1968. Ảnh tư liệu
|
Sau nhiều tuần cố gắng, tôi đã sắp xếp được một cuộc hẹn với Loan vào đầu tháng 12-1967. Với những bức tường bê tông dày trên ba tấc, những tháp canh, những cuộn dây thép gai, và những dấu hiệu đầu lâu cảnh báo mìn địa lôi, vẻ ngoài doanh trại của Loan tỏ ra đáng sợ hơn phần bên trong nhiều. Văn phòng của ông ta nằm trên tầng hai của một ngôi nhà quét vôi vàng đầy bóng cây mà có lẽ từng là tư dinh của viên chỉ huy khi nó còn là nơi đóng quân của một trung đoàn kỵ binh Pháp.
Khi tôi bước vào văn phòng, qua cánh cửa đôi bọc nệm, Loan đang đọc những hồ sơ. Trong mười lăm phút ông ta không nhìn lên. Sau cùng khi ông ta ra dấu cho tôi ngồi xuống chiếc ghế trước bàn làm việc, và gọi nước uống, tôi yêu cầu ông ta kể cho tôi nghe về thời thơ ấu. Ông ta nói sinh ở Huế-cố đô thời phong kiến năm 1930, trong một gia đình có mười một người con. Năm 1951, trong khi Loan đang học ngành dược tại Đại học Huế, người Pháp đã bị thuyết phục một cách muộn màng sau 5 năm chiến tranh rằng chiến thắng hoặc thậm chí việc tránh khỏi thất bại sau cùng sẽ là điều bất khả nếu không thành lập một quân đội quốc gia cho Việt Nam.
Việc cưỡng bức quân dịch được áp dụng, và lần đầu tiên một con số người Việt Nam nhiều hơn mức chiếu lệ được huấn luyện thành sĩ quan. Vào lúc này Loan, mà những tình cảm của ông ta được định hướng bởi địa vị của gia đình, đã tình nguyện theo học sĩ quan. Những người khác thuộc thế hệ ông ta có một quyết định khác, trốn vào rừng gia nhập Việt minh. Loan bảo tôi rằng, ông ta từng tham gia du kích trong một thời gian ngắn hồi còn là học sinh nhưng đã từ bỏ khi biết họ là Cộng sản. Đó là một câu chuyện mà tôi vẫn hoài nghi.
Loan tốt nghiệp hàng đầu trong lớp sĩ quan trong đó có Kỳ, và đã phục vụ một thời gian ngắn ở Đồng bằng sông Cửu Long, rồi sau đó được gửi đến Morocco thuộc Pháp để học lái máy bay. Ông ta cũng đã học trong một thời gian ngắn tại Học viện quân sự St.Cyr, một trường của Pháp giống Học viện West Point của Mỹ. Vào thời điểm ông ta trở về quê nhà, năm 1955, rừng già đang bao phủ dấu tích của Điện Biên Phủ, người Pháp đã ký hiệp định Geneva, và chính quyền mới của Nam Việt Nam, đứng đầu là Ngô Đình Diệm, đang được Mỹ dựng lên. Vì Loan lên lon chậm - ông ta chỉ được thăng chức thiếu tá sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ - ông ta ít bay và làm việc ở ban tham mưu nhiều hơn. Ông ta được gửi đến Mỹ để huấn luyện thêm và dần dần nổi lên như một chuyên gia an ninh và tình báo.
Cuộc tấn công Tết Mậu Thân bắt đầu ở phía bắc và miền Trung vào sáng sớm ngày 30-1-1968. Sài Gòn và vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị tấn công 24 giờ sau đó. Với sự vắng mặt của Thiệu, lúc đó ông ta đang đi nghỉ ở biệt thự riêng tại Mỹ Tho, thành phố quê hương của vợ ông ta. Kỳ và Loan nắm quyền chỉ huy phòng vệ thủ đô. Buổi chiều ngày 1-2 có một cuộc đụng độ nhỏ ở vùng lân cận chùa Ấn Quang, cơ quan chỉ huy của phe “chiến đấu” trong giáo hội Phật giáo.
Trong lúc trận đánh đang tiếp diễn, một tù binh được mang đến chỗ Loan, lúc đó đang đứng với những phụ tá có lẽ cách đó nửa dãy phố. Không nói một lời, Loan quăng điếu thuốc và móc khẩu súng lục ra. Ông ta lấy tư thế của một xạ thủ, cánh tay phải giơ thẳng và, ở khoảng cách có lẽ 1m, bắn vào thái dương của người tù này.
 |
Tấm ảnh phơi bày tội ác của tướng ngụy Nguyễn Ngọc Loan khiến dư luận thế giới phẫn nộ, tháng 2-1968. Ảnh: Eddie Adams
|
Trong cơn thịnh nộ, Loan đã xem thường sự kiện là Eddie Adams, một nhà nhiếp ảnh của hãng Associated Press, và một nhóm phóng viên quay phim của hãng NBC đang ghi hình ông ta. Ông ta nhìn họ sau khi bắn và có vẻ chắc chắn sẽ ra lệnh tịch thu phim của họ, nhưng không biết tại sao ông ta không làm điều đó. Trong vòng vài giờ, những bức hình của Adams được truyền đi khắp thế giới. Đêm hôm sau đoạn phim được chiếu trên chương trình tin tức truyền hình Huntley-Brinkley.
Theo tôi đó là bước ngoặt, giây phút khi mà công chúng Mỹ xoay qua chống lại chiến tranh. Cuộc tấn công Tết Mậu Thân đã phá hủy niềm tin vào sự đánh giá của những người đang chỉ đạo cuộc chiến. Hành động giết người của Loan đã đánh dấu sự phá sản về đạo đức. Cùng lúc đó dậy lên sự ngưỡng mộ miễn cưỡng đối với sự can đảm của một kẻ thù đã chiến đấu rất lâu mà không có đến một chiếc máy bay, trực thăng, xe tăng hay đại bác chống lại một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới cùng những đội quân đánh thuê được tuyển từ khắp châu Á.
Người tù đã được xác định, hầu như chính xác, là chỉ huy một đơn vị đặc công Việt cộng. Người ta nói anh ta có một khẩu súng lục trong người khi bị bắt giữ và đã dùng nó để bắn chết một tay cảnh sát. Không giống như những tiểu đoàn chủ lực lớn tràn vào Sài Gòn, mặc quân phục ka ki, và những đặc công đã xâm nhập Đại sứ quán Mỹ, những người đeo băng tay đỏ, người tù này không có nhân dạng giống vậy. Sự kết liễu cho anh ta có lẽ là nhẹ nhõm hơn, vì anh ta đã thoát được sự tra tấn kinh hoàng mà hầu như chắc chắn sẽ là phần mở đầu cho cái chết trong cảnh lao tù. Vụ giết người này gây sốc cho cả nước Mỹ...
*Tựa đề do Báo Quân đội nhân dân điện tử đặt.