“Làng Rừng” là một hình thức nổi dậy đặc biệt, vừa đấu tranh bảo toàn lực lượng để năm 1959 - 1960, Cà Mau cùng với nhân dân các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long làm nên phong trào Đồng Khởi thắng lợi.
“Làng Rừng” ra đời trong bối cảnh sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu đưa quân đóng lại các đồn bót khắp nơi. Chúng dựng lên bộ máy chính quyền cai trị từ tỉnh đến xã, ấp để kìm kẹp và ngày càng ra sức đàn áp khủng bố phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân, làm cho hàng nghìn người bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, chúng thẳng tay đàn áp, bắn giết những người mà chúng cho là Việt cộng, những gia đình có người thân đi tập kết… Trong tình hình gay go quyết liệt, buộc đảng bộ và nhân dân Cà Mau phải tự tìm cho mình con đường, đó là vào rừng lập căn cứ chống địch.
 |
Nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau trước kia được xây dựng các "Làng Rừng" để lập căn cứ chống địch. |
Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Tỉnh ủy Cà Mau chủ trương “Phải xây dựng căn cứ địa ở rừng U Minh để tạo chỗ đứng chân cho các cơ quan lãnh đạo và bộ đội tập trung; đồng thời để có nơi giữ gìn cán bộ, đảng viên bị lộ, bị địch truy lùng khủng bố, lẩn tránh”. Xứ ủy Nam Bộ đã đồng ý cho vùng Nam U Minh đến rừng đước Ngọc Hiển được nổi dậy chống giặc. Tỉnh ủy Cà Mau chỉ định đồng chí Trần Văn Yến (Năm Kinh), Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển được phân công phụ trách “Làng Rừng”.
Có sự lãnh đạo của Đảng, các “Làng Rừng” được xây dựng và ngày càng mở rộng từ 200 đến 300 người, sau đó có những nơi lên đến hàng nghìn người như “Làng Rừng” Mười Tế ở 2 xã Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời ngày nay). Chỉ trong một thời gian đã có 15 “Làng Rừng” được xây dựng với khoảng 20.000 dân. Họ làm nhà, dựng trại chen chúc nhau làm ăn ở dưới tán rừng. Tuy không ai đặt tên “Làng Rừng” bao giờ và cũng không ai nhớ là nó được lan truyền từ đâu, chỉ biết tên “Làng Rừng” được phát ra từ cách gọi của nhân dân, hàm chỉ cụm dân cư có cùng chí hướng chống giặc, quy tụ thành làng, thành xóm ở nhiều nơi trong tỉnh.
 |
Dấu tích của "Làng Rừng" năm xưa không còn, song âm vang hào hùng của "Làng Rừng" vẫn còn lắng đọng trong lòng người Cà Mau. |
 |
Một góc khu rừng huyện Trần Văn Thời, Cà Mau ngày nay.
|
Các “Làng Rừng” được bố trí, tổ chức chặt chẽ, liên hoàn, theo từng ấp, có chi bộ lãnh đạo; được bố trí canh phòng cẩn mật với hầm chông, đạp lôi, lựu đạn… cách vài trăm mét có trạm gác, liên lạc. Trong “Làng Rừng”, có trạm y tế, trường học cho trẻ em và những lớp bình dân học vụ cho người lớn với tinh thần “người biết chữ dạy người chưa biết chữ, người biết nhiều dạy người biết ít”. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức ở nhiều nơi; nhân dân đoàn kết, đùm bọc tương trợ lẫn nhau, cuộc sống yên vui như một xã hội được thu nhỏ… Chính vì vậy, “Làng Rừng” còn được nhân dân gọi là “Làng xã hội chủ nghĩa”.
Với quyết tâm tiêu diệt “Làng Rừng”, địch đã nhiều lần đốt rừng, tiến hành ngăn chặn sự tiếp tế từ bên ngoài vào nhằm cô lập quần chúng nhân dân, tổ chức nhiều cuộc hành quân lớn, càn quét, bao vây nhiều ngày vào căn cứ kháng chiến. Các chi bộ đã lãnh đạo nhân dân kiên cường bám trụ để bảo toàn lực lượng. “Làng Rừng” tồn tại như là một thách thức đối với chính sách “tát nước, bắt cá” của địch, nếu chúng lập ra các “Khu dinh điền”, “Khu trù mật” để gom dân, tách dân ra khỏi Đảng thì nhân dân sáng tạo ra “Làng Rừng”, thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Từ “Làng Rừng” ta có điều kiện giáo dục chính trị, rèn luyện quân sự, chuẩn bị vật chất trở về hoạt động vũ trang tuyên truyền, diệt ác trừ gian, phá thề kìm kẹp, giành và giữ quyền làm chủ, xây dựng phát triển lực lượng, đưa phong trào nổi dậy tiến công, tiến lên đồng khởi giành thắng lợi.
Năm 1959, Hội nghị lần thứ 15, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) như một luồng gió mới, thúc đẩy quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Đáp ứng nguyện vọng của toàn thể quần chúng, Tỉnh ủy Cà Mau đã ra lời “Hiệu triệu” nhằm phát động phong trào nhân dân nổi dậy trừ gian, diệt ác; đồng thời chủ trương mở đợt tiến công địch. Hàng vạn quần chúng với trang bị thô sơ và một số súng trường, rầm rộ kéo ra bao vây các đồn bót địch; tổ chức biểu tình tuần hành đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù, lực lượng vũ trang hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy phá tan chính quyền cơ sở…
Trong phong trào Đồng Khởi, lực lượng khởi nghĩa ở Cà Mau càng đánh càng mạnh và liên tục giành thắng lợi. Vùng giải phóng không ngừng được củng cố và mở rộng. Cuối năm 1960, lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ hầu hết nông thôn, tiến sát thị xã, thị trấn; kết hợp đấu tranh chính trị và tiến công quân sự, binh vận, diệt 62 đồn bót, thu 3.000 súng các loại, giải phóng 55/56 xã, 500/550 ấp.
Phong trào Đồng Khởi 1959 - 1960, tỉnh Cà Mau đã góp phần tạo nên trang sử vẻ vang, hào hùng cho truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân vùng đất Tây Nam Bộ, trong đó có vai trò đóng góp to lớn của “Làng Rừng”. Tuy thời gian tồn tại rất ngắn, nhưng “Làng Rừng” được xem là một sáng tạo độc đáo và có ý nghĩa to lớn đối với công cuộc giải phóng của quân và dân tỉnh Cà Mau.
Ngày nay, dấu tích của “Làng Rừng” năm xưa đã không còn như trước, các nhân chứng lịch sử người còn, người mất, song âm vang hào hùng của “Làng Rừng” vẫn còn lắng đọng trong lòng người Cà Mau anh hùng, những giá trị lịch sử vẫn còn nguyên giá trị và để lại nhiều bài học quý báu cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bài, ảnh: CHÂU SA
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.