Phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, các doanh nhân CCB đã đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đạt những kết quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh (SXKD); đóng góp vào công tác an sinh xã hội.

Vượt khó sản xuất, kinh doanh

Năm 1976, rời quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường với thương tật 62% nhưng thương binh Nguyễn Thế Đệ (sinh năm 1954), quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương đã vượt qua khó khăn, tiếp tục trở thành tấm gương sáng trong học tập, vươn lên làm giàu. Sau nhiều năm học tập, nghiên cứu và công tác tại cơ quan nhà nước, năm 2007, ông Đệ quyết định chinh phục mặt trận mới-phát triển kinh tế. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Thăng Long (Hà Nội)-đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở, văn phòng, khách sạn, dịch vụ công cộng.

Từ một công ty nhỏ, hoạt động với vốn điều lệ gần 10 tỷ đồng, hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Thăng Long đã trở thành chủ đầu tư nhiều dự án lớn như: Tổ hợp chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê Sun Square (Hà Nội); Khu du lịch sinh thái Hà Hải (Hải Dương); Khu y tế, giáo dục tập trung, huyện Đan Phượng (Hà Nội)... Trong nhiều năm nay, doanh thu của Công ty đạt hơn 300 tỷ đồng/năm, trở thành một trong những đơn vị nộp ngân sách lớn nhất trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Công ty đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 200 lao động và khoảng 300 lao động thời vụ, với mức thu nhập trung bình 12 triệu đồng/người... Dù ở tuổi 70 nhưng ông vẫn ấp ủ nhiều dự định với mong muốn làm giàu, giúp ích cho đồng đội, xã hội...

Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Anh hùng Lao động-doanh nhân Lê Văn Kiểm cho biết, trở về từ quân ngũ, hầu hết doanh nhân CCB Việt Nam đều khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, không ít người mang theo nhiều thương tật trong cơ thể. Thế nhưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn ngời sáng trong họ. Tài sản rất quý đối với họ là tính kỷ luật, ý chí và quyết tâm vượt khó. Họ đã vươn lên chiến thắng bệnh tật, phát triển kinh tế để không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho xã hội, tích cực tham gia hoạt động từ thiện, đóng góp vào sự phát triển, hội nhập của đất nước.

Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam được thành lập từ năm 2013, đến nay đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô tổ chức cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động. Từ chỗ quy mô nhỏ, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố có tổ chức hội, câu lạc bộ doanh nhân CCB. Tới nay, tổng số hội viên trong toàn Hiệp hội là 409 hội viên tổ chức (được thành lập ở các huyện/thị, xã/phường) và 13.764 hội viên cá nhân, trong đó có 2.856 doanh nghiệp, 1.176 hợp tác xã, 7.601 trang trại, gia trại nông-lâm-nghiệp...

leftcenterrightdel

Đại diện Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam ủng hộ kinh phí và vật tư tặng Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong đợt phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: THÙY LINH

Mặc dù chịu nhiều tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, sự biến động của kinh tế thế giới nhưng phần lớn doanh nghiệp do CCB làm chủ vẫn SXKD ổn định, phát triển bền vững, khẳng định vị trí trong nước và quốc tế. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn hàng nghìn lao động trở lên đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại kết hợp công tác quản lý tiên tiến tạo nên sức cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: Tập đoàn KN-Tổng công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành, Tập đoàn Thái Bình Dương, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hiền Lê, Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ B58...

Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2018-2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp CCB ước đạt hơn 1.007.251 tỷ đồng, nộp thuế cho Nhà nước hơn 41.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 779.693 lao động (trong đó có hơn 316.000 CCB và con em CCB, gia đình chính sách), thu nhập bình quân của người lao động đạt 10 triệu đồng/người/tháng.

Trọn nghĩa, vẹn tình

Một trong những đơn vị có nhiều thành tích trong SXKD và tham gia công tác từ thiện xã hội là Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, đơn vị có 215 hội viên; giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động; trong đó 80% người lao động là con em CCB, gia đình chính sách.

Theo ông Bùi Xuân Tờ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Quảng Ninh, đây là nơi để các CCB là doanh nhân cùng tư vấn, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong SXKD; động viên hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong hoạt động kinh tế; thực hiện liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ, mở rộng quy mô SXKD...

Chính vì vậy, trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp nhưng các doanh nghiệp do CCB làm chủ về cơ bản vẫn hoạt động ổn định... Đặc biệt, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tinh thần “tương thân tương ái”, Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Quảng Ninh đã tích cực vận động các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội”; ủng hộ các hoạt động từ thiện xã hội.

Thông tin từ Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam cũng cho thấy, các doanh nhân CCB Việt Nam không chỉ đẩy mạnh SXKD, làm giàu cho gia đình và xã hội mà còn nêu cao ý thức trách nhiệm với xã hội. Tính từ năm 2018 tới nay, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã ủng hộ gần 2.000 tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội.

Trong đó, ủng hộ hơn 834 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; 148 tỷ đồng xây dựng 3.285 nhà tình nghĩa; gần 30,5 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ; hơn 243 tỷ đồng quà tặng nhân dịp lễ, Tết cho thương binh, bệnh binh, các đối tượng chính sách...

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm cho biết, Hiệp hội sẽ tập trung, đoàn kết, thống nhất xây dựng Hiệp hội vững mạnh về mọi mặt; tăng cường giao lưu quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp trong Hiệp hội và giúp nhau cùng phát triển; tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội...

HOÀNG GIA - VŨ DUNG

*Mời  bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.