Thăm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (Hà Nội), chúng tôi dừng lại khá lâu trước cây đàn mandolin được gò từ ống pháo sáng của giặc Mỹ. Lòng bồi hồi xúc động, các CCB nhớ về mùa mưa năm 1973, Sư đoàn 968 Quân tình nguyện tổ chức hội diễn văn nghệ. Tiểu đoàn Pháo cao xạ 84 chúng tôi với đàn mandolin, guitar tự tạo cùng vở kịch ngắn “Trước giờ ngừng bắn” (tiết mục tự biên tự diễn của Chi đoàn Đại đội 32, Tiểu đoàn 84) đã đoạt giải xuất sắc. Nội dung vở kịch là câu chuyện có thật về chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của đơn vị tôi.
Trước đó, vào ngày 26-10-1972, ở Nam Lào, địch đổ quân chiếm lại thị xã Salavan (thuộc tỉnh Salavan). Trước tình hình trên, theo lệnh cấp trên, Sư đoàn 968 hành quân về tổ chức chiến dịch giải phóng thị xã Salavan. Đây là thị xã nhỏ nằm bên bờ sông Sedone, có sân bay và chỉ cách đường chiến lược Tây Trường Sơn không đến 10km. Chiến dịch diễn ra ác liệt suốt 4 tháng, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Đến giữa tháng 2-1973, ta đã giải phóng hoàn toàn thị xã và khu vực sân bay. Tuy nhiên, địch vẫn dùng không quân đánh phá quanh khu vực thị xã.
Chiều tối 21-2-1973, toàn đơn vị nhận lệnh sẵn sàng đánh địch phản kích lấn chiếm thị xã. Sáng 22-2, Khẩu đội 1, Đại đội 32, Tiểu đoàn 84 được lệnh dùng súng 12,7mm cơ động đánh phục kích máy bay bay thấp. Khoảng 11 giờ 45 phút ngày 22-2, một tốp 3 chiếc F4H bất ngờ bổ nhào đánh vào hậu phương đại đội. Bằng hai loạt đạn 12,7mm, hai xạ thủ (Bùi Vinh Hồ và Trần Việt Dũng, cùng ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) của Khẩu đội 1 đã bắn rơi một chiếc F4H. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 8 bị Đại đội 32 bắn rơi và là chiếc thứ 21 bị Tiểu đoàn bắn rơi trong thời gian từ ngày 16-11-1972 đến 22-2-1973. Với chiến công này, Đại đội 32 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
    |
 |
Đoàn cựu chiến binh Quân tình nguyện Sư đoàn 968 thăm thác Khone Phapheng, tỉnh Champasak, Lào. |
Hiệp định Viêng Chăn được ký kết vào 12 giờ ngày 21-2-1973 và có hiệu lực thi hành từ 12 giờ ngày 22-2-1973. Vậy là, trước giờ ngừng bắn chỉ khoảng 15 phút, đơn vị tôi đã bắn rơi chiếc máy bay của không quân địch.
Mặc dù đã trở về với cuộc sống đời thường, thực hiện nguyện vọng được thăm lại chiến trường xưa, sau gần 50 năm Hiệp định ngừng bắn được ký kết trên đất nước triệu voi, tôi theo đoàn CCB Quân tình nguyện Sư đoàn 968 thăm lại chiến trường Nam Lào và tham quan một số di tích, danh thắng ở Lào.
Xuất phát từ Cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), đoàn chúng tôi đến tỉnh Attapeu (Lào). Tại thị xã Attapeu (tỉnh Attapeu), đoàn ghé thăm đài tưởng niệm liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam và được nghe hướng dẫn viên kể về những kỷ niệm gắn bó keo sơn giữa bộ đội hai nước. Từ đây, chúng tôi qua huyện Thateng (tỉnh Sekong) đến Paksong, một huyện anh hùng của tỉnh Champasak. Đây cũng là địa bàn mà đơn vị chúng tôi đã đóng quân trong thời gian từ giữa năm 1973 đến cuối năm 1974. Từ Paksong, chúng tôi đi thăm huyện Lao Ngam (tỉnh Salavan) vùng căn cứ cách mạng nổi tiếng ở Nam Lào và cũng là hậu cứ của Tiểu đoàn 84 trong suốt những năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào (1971-1976)...
Đoàn chúng tôi đã hành trình qua 4 tỉnh Nam Lào là Attapeu, Sekong, Salavan và Champasak, được trực tiếp gặp gỡ những người bạn chung chiến hào năm xưa, cùng nhau ôn lại những ký ức hào hùng. Đối với chúng tôi, những người từng có may mắn cùng các bạn Lào đón ngày hòa bình đầu tiên thì đây thực sự là một chuyến đi đầy ý nghĩa và đã để lại cho mỗi thành viên trong đoàn nhiều ấn tượng về mối tình sâu nặng, đậm đà, thủy chung Việt-Lào.
Bài và ảnh: LÊ AN KHÁNH