Đây là những hiện vật ghi dấu chiến công thầm lặng của Đại đội 62 trong nhiệm vụ khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Ga Gôi. Nguyên nhân của sự cố trên là: Chuyến tàu hỏa 381 khi dừng ở Ga Gôi nhận loại vật chất bảo đảm chuyển về các địa phương phía Nam và cho tiền tuyến thì bất ngờ bị trúng bom, đạn của máy bay Mỹ oanh tạc.
Theo thông tin từ bảo tàng, chiều 20-8-1966, bầu trời Vụ Bản, Nam Định vang lên tiếng còi báo động có máy bay địch đánh phá. Các lực lượng phòng không của ta đã vào vị trí chiến đấu còn người dân được kịp thời trú ẩn.
|
|
Bình tiêu độc xử lý ô nhiễm môi trường Ga Gôi trưng bày ở Bảo tàng Binh chủng Hóa Học |
Trên Ga Gôi lúc đó, đoàn tàu hỏa 381 vừa nhận các vật chất là lương thực, thực phẩm chưa kịp lăn bánh đang đỗ trên đường ray xe lửa. Khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày, bất ngờ một chiếc máy bay Mỹ bổ nhào bắn rocket và ném bom trúng đoàn tàu. Không chỉ tàn phá các toa tàu, bom, đạn của địch đã bắn trúng và làm cháy toa tàu chở thuốc trừ sâu.
Dưới sức nóng của ngọn lửa, từ các toa bị cháy, khói màu vàng, xanh của các loại hóa chất phun lên ngùn ngụt, bao phủ cả một vùng rộng lớn. Nguy hiểm hơn, do lúc đầu chưa biết, nên khi máy bay địch rút, các lực lượng và người dân lao đến Ga Gôi để chữa cháy. Khói độc đã làm hàng trăm người tham gia dập cháy cứu tàu và hàng hóa bị chết và nhiễm độc. Tình hình trên đã gây tác động rất lớn đến tư tưởng, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho những người đi dập cháy và nhân dân ở khu vực xung quanh Ga Gôi.
Trước tình hình đó, Đại đội 62 được lệnh khắc phục hậu quả vụ nhiễm độc Ga Gôi. Đội trinh sát hóa học đã ngay lập tức đến địa bàn để nghiên cứu tình hình. Qua tìm hiểu triệu chứng nhiễm độc của các nạn nhân, kết hợp dịch chữ trên các loại chai, lọ và thử phản ứng với các nhóm ống dò độc trong khi tiến hành trinh sát, đều thấy xuất hiện màu xám. Với các biện pháp chuyên môn, cán bộ phân đội hóa học kết luận: Vật chất bị cháy là thuốc trừ sâu Etylparation 50% và Metylparation 20%. Đây phải là loại chất độc có độc tính cao và lập kế hoạch chữa cháy và tẩy rửa nhiễm độc môi trường Ga Gôi.
2 giờ 20 phút ngày 21-8-1966, Đại đội 62 tổ chức lực lượng gồm: Trung đội trưởng tiêu độc Vũ Văn Xuyên, Trung đội trưởng trinh sát Nguyễn Văn Hưng, 3 chiến sĩ trinh sát, 6 chiến sĩ tiêu tẩy, trang bị 2 hộp trinh độc 5 lỗ, 2 xe tiêu tẩy 12Đ, 2 bình tiêu độc đeo lưng và các khí tài phòng hóa cá nhân, lên đường làm nhiệm vụ. 5 giờ ngày 21-8-1966, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 62 đã có mặt ở Ga Gôi tiến hành khắc phục hậu quả. Sau hơn 2 ngày đêm làm việc liên tục giữa đám lửa cháy và hơi độc, lực lượng hóa học đã dập tắt được đám cháy, tiêu độc triệt trể khu nhiễm, bảo đảm an toàn cho người và môi trường khu vực Ga Gôi (thu hồi được 1.700 lít thuốc trừ sâu còn lại và làm sạch môi trường khu vực với diện tích khoảng 400m2).
Một trong 2 chiếc bình tiêu độc đeo lưng tại Ga Gôi ngày 20-8-1966 được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Binh chủng Hóa học để ghi nhớ chiến công xử lý môi trường của Đại đội Hóa học 62… góp phần giáo dục truyền thống cho các du khách khi đến thăm quan bảo tàng.
Bài và ảnh: NGỌC GIANG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.