Niềm vui trở thành “vùng xanh”
Thị xã Bến Cát là địa phương thứ 6 của tỉnh Bình Dương được công nhận “vùng xanh” và trở lại trạng thái bình thường mới (trước đó là TP Thủ Dầu Một và các huyện: Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên). Trong đợt dịch lần thứ tư, Bến Cát cũng bị ảnh hưởng lớn khi có nhiều ca mắc Covid-19 (F0). Hiện thị xã Bến Cát có 7/8 xã, phường đạt tiêu chí là “vùng xanh”, 1 phường là “vùng vàng” (phường Mỹ Phước); có 41 khu phố, ấp “vùng xanh”, 2 khu phố “vùng cam” và 1 khu phố “vùng vàng”.
Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Bùi Duy Hiền, Bí thư Thị ủy Bến Cát nêu kinh nghiệm: “Sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, là những yếu tố quyết định để chúng tôi PCD hiệu quả”. Ở Bến Cát, chúng tôi ghi nhận được nhiều cách làm hay trong công tác PCD, như: Hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm; tổ chức hiệu quả các tổ Covid cộng đồng để kiểm soát người ra vào khu dân cư, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, giúp cơ quan y tế nắm và theo dõi các F0, F1, F2...; hình thành các “tuyến đường an toàn”; 100% người dân được lấy mẫu xét nghiệm và 100% người dân được tiêm vaccine mũi 1.
 |
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (ngoài cùng, bên trái) tặng quà Trạm Y tế lưu động trong doanh nghiệp số 1 tại lễ ra mắt.
|
Kể từ ngày TP Thủ Dầu Một tổ chức Lễ công bố “vùng xanh" vào ngày 10-9, ông Đặng Ngọc Thanh ở phường Hiệp Thành thấy cảnh quan thay đổi từng ngày. Đường phố giờ có nhiều người qua lại hơn, một số cửa hàng buôn bán, quán ăn được mở cửa trở lại, nhưng vẫn theo quy định PCD nghiêm ngặt... Ông Thanh nói: “Trong đợt dịch lần thứ tư, TP Thủ Dầu Một là một trong 4 địa phương thuộc "vùng đỏ" của tỉnh Bình Dương. Nhiều lúc tôi nghĩ, không biết bao giờ cuộc sống mới trở lại bình thường. Nhưng nay thì nó đang trở lại rồi”.
Đi trên con đường ngút ngàn cao su và bình yên của huyện Dầu Tiếng, chúng tôi đã hiểu vì sao nơi đây luôn bảo vệ được “vùng xanh” trong đại dịch Covid-19. Thời gian qua, Dầu Tiếng cũng phát hiện gần 300 ca F0 trên địa bàn và hơn 200 ca từ nơi khác tới, nhưng địa phương đã nhanh chóng khống chế tốt dịch bệnh. Từ đầu tháng 9 đến nay, Dầu Tiếng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và duy trì “vùng xanh” để trở về trạng thái bình thường mới bền vững. Hiện, huyện có 12/12 xã, thị trấn và 88/89 ấp, khu phố “vùng xanh”. Không những vậy, Dầu Tiếng còn là hậu phương vững chắc cho các địa phương khác trong tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng chia sẻ: “Kinh nghiệm dập dịch và bảo vệ "vùng xanh" của chúng tôi là truy vết, cách ly, ngăn chặn ngay từ khi phát hiện các ca nhiễm. Sau đó là quản lý chặt chẽ địa bàn, duy trì nghiêm các biện pháp PCD và khẩn trương tiêm vaccine cho người dân”. Hiện, huyện Dầu Tiếng còn tiếp nhận gần 9.000 F0, F1 từ TP Thuận An và hơn 3.000 F0, F1 ở các nơi khác đến cách ly, điều trị.
Xây dựng “doanh nghiệp khỏe” để hoạt động
Vừa qua, tỉnh Bình Dương đã xây dựng kế hoạch cho phép doanh nghiệp ở “vùng xanh” hoạt động trở lại theo mô hình "3 xanh" (nhà máy, nhà trọ và công nhân) tại 3 địa phương là: Thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng và huyện Bắc Tân Uyên. Chính quyền đề nghị chủ đầu tư, doanh nghiệp phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào doanh nghiệp. Nơi nào không bảo đảm an toàn thì không cho hoạt động. Tất cả thông tin liên quan đến người lao động phải được cập nhật rõ, thường xuyên.
Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp chỉ được hoạt động khi đã xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ công nhân, người lao động và đáp ứng các điều kiện PCD. Trước khi hoạt động, doanh nghiệp phải khử khuẩn toàn bộ khu vực sản xuất theo quy định, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho công nhân 2 lần (lần 1 là trước khi đi làm 3 ngày bằng xét nghiệm PCR gộp 10 mẫu , lần 2 là vào ngày làm việc bằng test kháng nguyên nhanh gộp từ 3 đến 5 mẫu). Trong quá trình sản xuất, tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng test kháng nguyên nhanh hoặc xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp, thực hiện 5 ngày/lần. Xét nghiệm hằng ngày đối với người tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm... di chuyển ra, vào doanh nghiệp.
Để tránh lây nhiễm chéo từ các khu nhà trọ, chỗ ở của công nhân vào trong doanh nghiệp và ngược lại, chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp vận động các chủ nhà trọ và người thuê trọ tổ chức thí điểm sắp xếp lại từng phòng trọ, khu nhà trọ. Theo đó, những công nhân cùng làm chung một doanh nghiệp được ở chung một phòng hoặc một dãy. Nếu đủ điều kiện thì bố trí cho tất cả các công nhân của cùng một nhà máy, một doanh nghiệp ở chung nhà trọ hoặc các khu nhà trọ liền kề.
Ngày 17-9, trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp (Trạm số 1) đầu tiên của tỉnh Bình Dương đã chính thức đi vào hoạt động tại thị xã Tân Uyên. Bác sĩ Đồng Thanh Kịch, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Phúc Tâm Phúc, Trưởng trạm số 1 nói rằng: “Trạm sẽ bảo đảm cho người lao động được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi nhanh nhất, chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 và chăm sóc điều trị khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở sản xuất, kinh doanh để hạn chế tác động của dịch bệnh. Đây cũng là biện pháp xây dựng các doanh nghiệp khỏe để phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế cho địa phương”.
Bình thường mới vẫn phải phòng, chống dịch nghiêm ngặt
Trở về trạng thái bình thường mới là niềm vui, niềm hạnh phúc của lãnh đạo và nhân dân các địa phương trong tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các thành phố, thị xã, huyện và các sở, ban, ngành trực thuộc cần chủ động chuẩn bị nhiều phương án đối phó với tình hình dịch bệnh và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Phương châm PCD là chỉ có thể ở mức cao hơn, sớm hơn tùy theo tình hình thực tế và xử lý kịp thời, chính xác các tình huống.
 |
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao bằng chứng nhận "vùng xanh" tặng huyện Bắc Tân Uyên. |
Tuy vậy, ngày 19-9, tại tổ 4 và tổ 15 (có các khu nhà trọ của công nhân), thuộc khu phố 1, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một xuất hiện ổ dịch Covid-19 mới, tức là chỉ sau 9 ngày thành phố này được công nhận là "vùng xanh". Trước đó, khi phát hiện 1 ca nghi nhiễm, lực lượng y tế đã tiến hành lấy mẫu cho gần 300 trường hợp để xét nghiệm và phát hiện có 76 người dương tính với SARS-CoV-2. Rõ ràng, khi mới nới lỏng giãn cách xã hội, một số công nhân và người dân đã không thực hiện tốt các quy định PCD, làm lây lan dịch bệnh.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các "vùng đỏ" tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các "vùng xanh" nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng phải làm từng bước, vững chắc và đồng bộ, duy trì nghiêm các biện pháp PCD; sản xuất, kinh doanh phải an toàn theo mô hình "3 xanh". Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương đã nói rằng: "Dù đã được công bố "vùng xanh" và dần trở về trạng thái bình thường mới, các địa phương vẫn phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, buông lỏng các quy định PCD".
Thời điểm này, các địa phương "vùng xanh" như Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo... đang thực hiện các giải pháp bảo vệ "vùng xanh" với những nội dung phù hợp. Đó là quản lý chặt chẽ các khu dân cư, hướng dẫn lưu thông trên địa bàn, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các hàng quán, chỗ nào đủ điều kiện mới cho hoạt động, vi phạm là xử lý ngay. Hy vọng với những nỗ lực cao độ, tỉnh Bình Dương sẽ nhanh chóng bước vào giai đoạn mới để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bài, ảnh: SONG LÊ - CƯỜNG XUÂN