Hằng ngày, số bệnh nhân xuất viện đều cao hơn số bệnh nhân nhập viện. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh và ngành y tế của địa phương đã phối hợp tốt với các chuyên gia y tế đầu ngành, lực lượng y, bác sĩ của Trung ương, các tỉnh, thành phố đến hỗ trợ, giúp đỡ, thực hiện tốt mô hình điều trị cho những bệnh nhân nặng tại các bệnh viện.

Thực hiện tốt mô hình điều trị “tháp 3 tầng”

Những ngày đầu tháng 8-2021, việc thiếu trang thiết bị và thiếu lực lượng y tế là thách thức lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương. Một số bệnh viện dã chiến thiếu máy thở, máy oxy dòng cao, máy chụp X-quang di động và các trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế... Điều này ít nhiều gây lo lắng trong việc cấp cứu, điều trị và giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân Covid-19 (F0). Tuy nhiên, tỉnh đã nhanh chóng nâng cao hiệu quả cấp cứu, điều trị cho các F0, thực hiện tốt hệ thống điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng" của Bộ Y tế.

Tầng 1 là điều trị các F0 không có triệu chứng (chiếm khoảng 80%) tại các khu cách ly. Tầng 2 dành cho các F0 có triệu chứng nhẹ, được điều trị tại các trung tâm y tế tuyến huyện. Tầng 3 là F0 có triệu chứng nặng, được chuyển tuyến tỉnh điều trị. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, hệ thống điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng” của tỉnh Bình Dương đang đi đúng hướng. Các bệnh viện dã chiến tại địa phương luôn được quan tâm mở rộng và làm mới, nhân lực cho điều trị F0 ở các bệnh viện thuộc tầng 2 được bổ sung thêm, đồng thời, Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương đã được đưa vào sử dụng từ ngày 12-8. 

  Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên các y, bác sĩ Trung tâm hồi sức Covid-19 Bình Dương.

Ngoài các bệnh viện dã chiến đã triển khai, việc tỉnh Bình Dương đưa vào hoạt động khu điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên, với quy mô 550 giường bệnh đã kịp thời tăng cường năng lực thu dung, điều trị cho F0 tầng 1, tầng 2 và giảm tải cho các cơ sở y tế khác. Hiện nay, huyện Bắc Tân Uyên có 8 khu vực thu dung, điều trị cho gần 1.400 F0, trong đó có cả bệnh nhân của thị xã Tân Uyên. Bác sĩ Nguyễn Văn Thệ, Giám đốc Trung tâm Y tế, Giám đốc Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 huyện Bắc Tân Uyên cho biết: “Do thực hiện tốt quy trình điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nên số lượng bệnh nhân xuất viện của chúng tôi rất cao (hơn 90% số nhập viện), số bệnh nhân nặng phải chuyển lên tuyến trên rất thấp. Hàng nghìn F0 được chữa khỏi bệnh đã trở về với gia đình”.

Khu điều trị Thới Hòa, thị xã Bến Cát có quy mô lớn nhất Bình Dương, do Tổng công ty Becamex IDC hỗ trợ xây dựng. Tại đây, có thể thu dung, điều trị cho 27.000 bệnh nhân, hiện đang thu dung, điều trị cho hơn 13.000 F0 thuộc tầng 1 và tầng 2. Bệnh nhân thu dung về nhiều, nhưng khu điều trị chỉ có hơn 300 y, bác sĩ và kỹ thuật viên. Dù vậy, khu Thới Hòa vẫn cố gắng hết sức để chăm sóc và chữa trị cho các bệnh nhân, tỷ lệ khỏi bệnh ở đây cũng chiếm hơn 85%.

Cùng với các khu điều trị F0 ở tầng 1, tầng 2 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng và Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng cũng “chia lửa” tiếp nhận bệnh nhân từ các huyện bạn sang điều trị. Cả hai trung tâm này đều có số bệnh nhân chuyển lên tầng 3 là ít nhất, góp phần giảm áp lực cho hệ thống điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch của tỉnh Bình Dương. Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng) có quy mô 500 giường đã và đang hoạt động tích cực. Bên cạnh lực lượng y tế địa phương, khu điều trị được tăng cường thêm đội ngũ y, bác sĩ từ Học viện Quân y. Trung úy Lê Huỳnh Đức, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) tăng cường cho khu điều trị, nói: “Hiện, chúng tôi đang điều trị hơn 100 người mắc Covid-19, chủ yếu ở các địa phương khác trong tỉnh chuyển về. Huyện Dầu Tiếng đã kiểm soát được dịch, nhưng với tinh thần “chia lửa” cùng các địa phương bạn nên nhiệm vụ tại khu điều trị này vẫn đang tiếp tục”. 

Nâng cao năng lực điều trị tại bệnh viện hồi sức cấp cứu  

Trong vòng 6 ngày khẩn cấp thiết lập, nâng cấp một phần Bệnh viện Quốc tế Becamex, Tổng công ty Becamex IDC đã đầu tư hoàn thành Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương, gọi tắt là Trung tâm hồi sức (TTHS), với quy mô hơn 437 giường. Hiện, TTHS đang điều trị cho hàng trăm bệnh nhân nặng và nguy kịch. Đây là sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương và sự hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị y tế từ phía Trung ương, cũng như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

 Cấp cứu bệnh nhân ở Trung tâm hồi sức Covid-19 Bình Dương.

Từ khi có TTHS Covid-19, nhiều F0 nặng và nguy kịch đã được cứu chữa kịp thời. Việc triển khai nhanh TTHS Covid-19 ở tỉnh Bình Dương là nhờ trưng dụng sẵn hệ thống cơ sở vật chất với nhiều máy móc tối tân của Bệnh viện Quốc tế Becamex. Đội ngũ y, bác sĩ ở đây cũng đã được chuẩn bị sẵn, Trường Đại học Y Hà Nội chỉ tập trung nâng cấp thêm các phòng chức năng để tăng số giường ICU, gắn thêm các đầu oxy, khí nén; trang bị thêm máy thở, máy lọc máu.... các giường bệnh đều được quản lý, theo dõi chặt chẽ bằng hệ thống camera giám sát. Lực lượng y, bác sĩ tổ chức trực sát sao, theo dõi diễn biến sức khỏe của bệnh nhân 24/24 giờ trong ngày. Chính vì vậy, nơi đây đã cứu chữa cho rất nhiều người thoát khỏi bàn tay của tử thần. Hiện tại, TTHS Covid-19 này đã triển khai tốt kỹ thuật ECMO để điều trị cho những F0 nguy kịch. Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng: “Các F0 nặng, nguy kịch đưa về đây luôn được các y, bác sĩ giỏi về nghiệp vụ, có nhiều kinh nghiệm cứu chữa hết mình. Với các loại trang thiết bị y tế hiện đại, TTHS Covid-19 Bình Dương đã chữa trị thành công cho nhiều bệnh nhân tiên lượng nguy cơ tử vong cao”.

Thực tế, đã có nhiều F0 nặng được TTHS điều trị qua cơn nguy kịch, khỏi Covid-19 hoặc chuyển xuống tuyến dưới điều trị. Kết quả này không chỉ góp phần giảm tỷ lệ tử vong các F0 ở mức thấp, mà còn tạo niềm tin to lớn cho lãnh đạo địa phương và nhân dân. Nó cũng góp phần đúc kết kinh nghiệm để chia sẻ, trao đổi với các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, để việc xử lý và điều trị các F0 nặng và nguy kịch hiệu quả, các địa phương, cũng như các bệnh viện dã chiến điều trị ở tầng 1, tầng 2 cần chủ động hơn, nhất là chẩn đoán nguy cơ chuyển nặng, tránh bị động. Việc theo dõi F0 tại nhà cũng phải chặt chẽ, vì nhiều ca tử vong ở Bình Dương là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Có như vậy, địa phương mới đạt được mục tiêu phòng, chống dịch và nhanh trở về trạng thái bình thường mới trên diện rộng.

Bài, ảnh: SONG LÊ - CƯỜNG XUÂN