Dân cần là y tế xã, phường có mặt

Hơn 4 tháng qua, Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thuận An luôn tất bật với công việc phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Hằng ngày, chị Phương cắt cử cán bộ đến trạm y tế của các phường theo dõi, chỉ đạo việc khai báo y tế, theo dõi sức khỏe cho người dân, đồng thời nắm chắc số F0, F1, những người cần hỗ trợ y tế, hay cần đưa đi điều trị, cấp cứu... ở từng khu phố bằng điện thoại, mạng xã hội và thông qua cán bộ khu phố, tổ dân phố. Lực lượng y tế thực hiện nghiêm chủ trương dù có “khóa chặt, đông cứng” khu dân cư, cũng không được “khóa chặt, đông cứng” hoạt động y tế, người dân cần là có mặt ngay. TP Thuận An đã thành lập 15 trạm y tế lưu động (YTLĐ) tại 4 phường “vùng đỏ đậm đặc" là: Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa và Bình Chuẩn, cùng 6 trạm ở các phường, xã còn lại.

Phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại Khu điều trị Thới Hòa (thị xã Bến Cát)a 

Hiện, các trạm YTLĐ ở Bình Dương phải phát hiện, sơ cấp cứu và chuyển kịp thời các trường hợp nhiễm Covid-19 có diễn biến nặng đến các cơ sở y tế, xét nghiệm cho người nghi ngờ nhiễm Covid-19 và thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Ngoài ra, trạm YTLĐ cũng có chức năng khám và điều trị các bệnh thông thường, các bệnh mạn tính cho người dân trên địa bàn do không thể chuyển lên tuyến trên. Chủ trương đưa y tế xuống tận xã, phường để điều trị sớm bệnh nhân Covid-19, quản lý sớm người bệnh là hết sức đúng đắn. Chúng tôi đã được nghe người dân đánh giá rất cao hoạt động của Tổ Quân y cơ động số 8 (Học viện Quân y) tại trạm YTLĐ phường An Phú, TP Thuận An. Ngoài tư vấn qua điện thoại cho bệnh nhân thông thường, với các F0 có biểu hiện triệu chứng thì anh chị em đã trực tiếp đến thăm khám, kịp thời phát hiện tình trạng diễn biến nặng để có chỉ định cấp cứu hay chuyển lên tuyến trên. Các bác sĩ quân y còn thường xuyên thăm hỏi, quan tâm và động viên đối với F0 qua nhiều kênh thông tin để họ không hoang mang, yên tâm điều trị.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương trong tỉnh Bình Dương, chúng tôi vẫn thấy hiện tượng người dân phàn nàn về hệ thống thông tin có lúc chưa thông suốt, bệnh nhân cần tư vấn, cấp cứu gọi lực lượng y tế khó khăn. Ở một số nơi, lực lượng y tế không có oxy để cấp cứu cho bệnh nhân, phương tiện để đưa bệnh nhân Covid-19 nặng tới các cơ sở điều trị cũng thiếu thốn, chậm trễ...

Coi bệnh nhân như người nhà

Tính đến nay, tỉnh Bình Dương có 26 khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19, với hơn 21.000 giường. Đến 17 giờ ngày 22-9, tỉnh đang điều trị 42.530 F0, trong đó 37.049 bệnh nhân đang được điều trị tập trung, 5.481 F0 điều trị tại nhà. Mặc dù đã có nhiều cố gắng xây dựng các cơ sở điều trị cho người bị nhiễm Covid-19, song do số ca nhiễm vẫn ở mức cao nên gây áp lực lớn cho địa phương. Vì vậy, phát huy vai trò y tế tại các khu cách ly sẽ giúp cho công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh và chăm sóc cho các F0, F1 được tốt hơn.

Các bác sĩ Học viện Quân y đến chăm sóc F0 tại phường An Phú, TP Thuận An. 

Hằng ngày, đúng 5h sáng, đội ngũ y, bác sĩ ở khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 thị xã Tân Uyên phải thức giấc để vệ sinh cá nhân, ăn sáng, khẩn trương mặc áo quần bảo hộ, đeo khẩu trang, mặt nạ, tấm chắn... cẩn thận để bắt tay vào việc. Y sĩ Lê Thị Mai Liên chia sẻ: "Những người vào khu cách ly thường có tâm lý hoang mang khi chờ kết quả xét nghiệm, có người không muốn ăn uống gì. Ngoài công tác chuyên môn, chúng tôi còn phải động viên, an ủi, giải thích để họ lấy lại tinh thần cùng vượt qua khó khăn”. Không chỉ có vậy, các nhân viên y tế còn phải đem đồ ăn, đo mạch, nhiệt độ, huyết áp, phát thuốc... cho các bệnh nhân rồi tổng hợp báo lại cho lãnh đạo. Nhiều bệnh nhân không có người thân đi theo, nên các y, bác sĩ, tình nguyện viên nơi đây sẽ thực hiện chăm sóc toàn diện.

Để giảm tải cho các nhân viên y tế trong các khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19, tỉnh Bình Dương đã khuyến khích những F0 khỏi bệnh tham gia PCD. Dự kiến có khoảng 1.200 trường hợp F0 khỏi bệnh ở Bình Dương tình nguyện tham gia các công việc: Chăm sóc, hỗ trợ các F0 đang điều trị; vận chuyển đồ ăn, hàng hóa trong các khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện điều trị Covid-19; giúp các nhân viên y tế trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, đăng ký sổ sách... Ngành y tế tỉnh Bình Dương đã đề xuất chế độ phụ cấp chống dịch cho đối tượng này ở mức 200.000 đồng/người/ngày khi phục vụ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, điều trị bệnh nhân Covid-19 và mức 150.000 đồng/người/ngày đối với người phục vụ tại các cơ sở cách ly y tế tập trung, đồng thời hỗ trợ tiền ăn theo mức quy định 80.000 đồng/người/ngày. Mặt khác, họ còn được hỗ trợ từ nguồn vận động tự nguyện đóng góp PCD của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh mức 100.000 đồng/người/ngày.

Vấn đề mà người dân quan tâm bây giờ là các khu cách ly cần được tổ chức chặt chẽ hơn, trước hết là tăng cường thêm nhân viên y tế và đội ngũ phục vụ. Để giảm tải cho nhân viên y tế, địa phương cần bố trí thêm các khu tập trung mới ở những nơi không là điểm “nóng” như: Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng hay Dầu Tiếng để giảm tải cho các “vùng đỏ đậm đặc”. Các khu cách ly cần có số nhân viên y tế tối thiểu và được trang bị cơ sở vật chất, thuốc men, thiết bị y tế cần thiết.

Chăm sóc và điều trị tốt cho F0 tại nhà


Trên thực tế, tỉnh Bình Dương mong muốn đưa hết các F0 ra khỏi cộng đồng để cách ly điều trị, nhất là các khu nhà trọ vì không đủ điều kiện. Nhưng do tình trạng quá tải ở một số cơ sở điều trị, nên giải pháp trước mắt là tạm điều trị cho các F0 không có triệu chứng, không có bệnh nền hoặc triệu chứng nhẹ ở nhà, nhưng phải chống nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ chuyển nặng.

Với quan điểm tập trung khóa chặt ổ dịch trong “vùng đỏ”, thì việc theo dõi, chăm sóc và điều trị F0 tại nơi cư chú là rất quan trọng. Tại TP Thuận An, các trạm y tế phường, trạm YTLĐ luôn cử lực lượng đăng ký, theo dõi các F0, F1 chưa có điều kiện đưa đi điều trị, cách ly tập trung. Trung úy, bác sĩ Vũ Thị Trúc Quỳnh, Tổ trưởng Tổ Quân y cơ động số 8 của Học viện Quân y đang làm việc ở Trạm y tế phường An Phú cho biết: “Các khu phố chúng tôi phụ trách có khá nhiều F0, F1. Anh chị em phải nhờ dân quân phối hợp với các khu phố, tổ dân phố để liên lạc, theo dõi sát sức khỏe và đến nhà các F0 cấp phát thuốc, cấp cứu khi cần thiết”.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương còn triển khai mô hình “Túi thuốc an sinh” ở bệnh viện, cơ sở điều trị dã chiến và các trạm y tế ở các địa phương, trạm YTLĐ. Mỗi túi thuốc gửi đến từng F0 đều kèm theo hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn cách ly, điều trị và trên bìa túi thuốc có số điện thoại của y, bác sĩ, lực lượng phản ứng nhanh để F0 liên hệ. Qua đó, góp phần hiệu quả trong việc giảm trường hợp F0 tử vong trong cộng đồng, là một giải pháp để giảm áp lực cho ngành y tế, giảm tối đa thiệt hại của dịch Covid-19 gây ra cho sức khỏe các bệnh nhân.

(còn nữa)


Bài, ảnh: SONG LÊ-CƯỜNG XUÂN