Bên cạnh công tác chuyên môn, việc phòng, chống dịch cũng cần tính tới ý kiến và đóng góp của người dân và chuyên gia. Những ý kiến đóng góp sẽ góp phần giúp chính quyền, lực lượng chức năng tính toán và điều chỉnh công tác phòng, chống dịch đi đúng hướng trong tình hình mới và đạt được mục tiêu kép đã đề ra.

Linh hoạt để phù hợp với mọi kịch bản diễn biến của dịch

Nói về công tác phòng, chống dịch thời gian tới của TP Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố sẽ tiếp tục điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như các biện pháp cách ly, để bảo đảm vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.

leftcenterrightdel
Sau khi mở cửa trở lại, nhiều ổ dịch mới bắt đầu xuất hiện, TP Hà Nội cần các biện pháp linh hoạt để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong điều kiện bình thường mới. 

Các quận, huyện, thị xã cần chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, nâng cao năng lực điều tra dịch tễ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn, không để bị động. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị; nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, như: Nhân lực, thuốc, tập huấn công tác hồi sức cấp cứu phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Đề cập đến các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, thành phố tiếp tục bám sát theo chỉ đạo chung của Chính phủ để triển khai chủ động, quyết liệt. Tương ứng với từng khu vực, thành phố sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch. Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây, mà xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, phương châm của thành phố là F1 ở quận, huyện, thị xã nào, thì cách ly trên địa bàn của quận, huyện, thị xã đó, căn cứ vào tình huống cụ thể cho phép tổ chức cách ly thí điểm tại nhà. Thành phố cũng đang thiết lập các trạm y tế lưu động để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô lớn. Thời gian tới, các trạm y tế này sẽ là “cánh tay nối dài” của các bệnh viện để hỗ trợ cho việc điều trị F0 không triệu chứng.

Chiến lược chống dịch của Hà Nội cần điều chỉnh linh hoạt

Nhiều chuyên gia y tế nhận định, việc TP Hà Nội mở cửa trở lại trong bối cảnh nhiều tỉnh thành lân cận đang hình thành ổ dịch, cũng như làn sóng người di chuyển từ các khu vực “vùng đỏ” trở về tạo nguy cơ bùng phát dịch rất lớn cho Thủ đô.

Về vấn đề này, PGS,TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn cho rằng, công tác xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên diện rộng rất cần thiết. Tuy nhiên, cần nhắc lại việc phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên có vai trò quyết định tới việc sớm khống chế ổ dịch.

leftcenterrightdel
Thành phố Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt trong phòng, chống dịch, trong đó có việc cho phép người dân được lựa chọn phương án cách ly tại khách sạn, thay vì cách ly tập trung. 

Theo đó, việc dỡ bỏ phong tỏa, trở lại trạng thái bình thường mới một cách an toàn rất cần thiết. TP Hà Nội nên tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin càng sớm càng tốt, đặc biệt lưu tâm đến đối tượng người già, người mắc bệnh nền. Cùng với đó, thành phố cần chủ động chương trình giám sát dịch, xét nghiệm những khu vực, đối tượng có nguy cơ cao để tầm soát, phát hiện sớm, xét nghiệm sớm những người có biểu hiện ho sốt. Điều quan trọng nữa là Thủ đô cần chủ động kiểm soát dịch từ bên ngoài xâm nhập vào. Đó chính là người dân từ các địa phương khác vào Hà Nội, đặc biệt là từ các địa phương có dịch.

"Đối với các ổ dịch cần phong tỏa ở mức độ gọn, hẹp không nhất thiết phải phong tỏa cả xã hay cả khu phố. Thường các ổ dịch lây nhiễm những người trong hộ gia đình, tiếp xúc gần, không lan rộng ra. Việc phong tỏa cần hẹp nhất có thể để không ảnh hưởng đến đời sống cũng như phát triển kinh tế, sinh hoạt của người dân", PGS,TS Nguyễn Việt Hùng nêu ý kiến.

Theo PGS,TS Nguyễn Việt Hùng, để sẵn sàng cho tình huống xấu nhất đó là dịch bùng phát cần nâng cao hơn năng lực y tế cơ sở trong việc cách ly người bệnh, hướng dẫn theo dõi người bệnh. Về phía ngành y tế khi đó cũng cần thay đổi việc cách ly tập trung và điều trị F0 không triệu chứng tại bệnh viện.

Việc này cần triển khai sớm để người dân nâng cao hiểu biết về dịch, bệnh viện tập trung lo cứu chữa trường hợp nặng. Đây là việc làm cần thiết để giảm tỷ lệ biến chứng nặng và tử vong. Về dài hạn, nếu đưa F1 đi cách ly tập trung không đúng mục tiêu thích ứng an toàn với Covid-19, không phát huy được vai trò của người dân và gia đình trong việc phòng bệnh, chăm sóc người bệnh. Chính vì thế, việc cho phép cách ly F1 tại nhà là cần thiết.

Về định hướng phòng, chống dịch của TP Hà Nội, PGS,TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất việc phong tỏa, giãn cách nên được tiến hành theo từng ổ dịch cụ thể, không giãn cách theo địa giới hành chính. Khi đã nới lỏng giãn cách và khôi phục hoạt động xã hội thường nhật, việc áp dụng phương pháp ngoài chặt, trong lỏng không còn phát huy hiệu quả như trước.

leftcenterrightdel
Việc áp dụng linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch cũng nên tính tới việc đảm bảo nhu cầu dân sinh và cân nhắc ý kiến đóng góp của chuyên gia, người dân. 

Phó chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội PGS,TS Nguyễn Việt Hùng đánh giá, thời gian tới, Thủ đô sẽ còn xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng, kể cả gỡ bỏ giãn cách thì đâu đó vẫn có thể ghi nhận ổ dịch mới. Chính vì vậy, khi nới lỏng giãn cách chúng ta vẫn phải kiểm soát. Đặc biệt đưa công nghệ khoa học vào việc quản lý, giám sát lịch trình, tình trạng sức khỏe của người dân để giảm bớt thủ tục rườm rà. Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ nghiêm quy định không tụ tập đông người, người dân đi lại, giao tiếp vẫn giữ khoảng cách an toàn.

"Việc xuất hiện ca nhiễm có thể do chưa loại bỏ hết những ca dương tính không triệu chứng trong cộng đồng. Thứ hai, việc giao thoa đi lại nhất là những người từ vùng dịch về Hà Nội… Việc xuất hiện những ổ dịch trong thời gian dỡ bỏ giãn cách không có gì lạ", Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, PGS,TS Nguyễn Viết Nhung nhận định.

PGS,TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo, việc TP Hà Nội mở cửa để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội phải đối diện với việc xuất hiện nhiều ca bệnh là điều đã được dự báo. Người dân không được dựa vào việc đã tiêm vắc xin mà chủ quan trong sinh hoạt. Mỗi người cần có ý thức thực hiện “tiêm vắc xin + 5K” để bảo đảm chung sống an toàn với dịch.

Tổ chức cách ly tại nhà là cần thiết?

Trong khi nhiều địa phương trên cả nước đã áp dụng rất tốt mô hình cách ly tại nhà rất hiệu quả như tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Thủ đô nhanh chóng triển khai phương án tổ chức cách ly F1 và F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà đối với các gia đình đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất và an toàn dịch tễ.

Khi biết mình là F1, anh N.X.H, ở Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội rất lo lắng khi chuẩn bị phải đi cách ly tập trung. “Tôi không ngại khi phải đi cách ly tập trung vì đây là quy định rồi, nhưng tôi chỉ lo nguy cơ lây nhiễm chéo khi một phòng có đông người, dùng chung nhà vệ sinh, ý thức chấp hành Quy định 5K không phải ai cũng tuân thủ chặt chẽ. Tôi có hỏi y tế phường cho mình cách ly tại nhà, nhưng không được vì Hà Nội chưa có chủ trương”, anh N.X.H cho biết.

leftcenterrightdel
Nhiều người dân mong muốn TP Hà Nội có nhiều phương án cách ly đối tượng F0 và F1 phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm dân cư của Thủ đô. 

Qua tìm hiểu hướng dẫn cách ly y tế ở nhà của Bộ Y tế, nhà riêng của anh H đáp ứng yêu cầu cách ly y tế, khi có phòng riêng, có cửa sổ, nhà vệ sinh khép kín, có người thân phục vụ. Tuy nhiên, việc tổ chức cách ly tại Hà Nội vẫn đang được tổ chức thí điểm và cần phải sớm mở rộng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo ý kiến một số chuyên gia y tế, TP Hà Nội cho phép trường hợp F1 có đủ điều kiện cách ly tại nhà để chống lây nhiễm chéo ở nơi cách ly tập trung khi quá tải là hợp lý và cần thiết. Thậm chí, thành phố cũng nên tính tới cả phương án cho các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được phép cách ly tại nhà, tương tự như nhiều mô hình đã được áp dụng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thời gian qua.

PGS,TS Trần Đắc Phu đánh giá, Hà Nội cần lên phương án cách ly tại nhà khi đủ điều kiện về phòng ốc và các điều kiện khác theo quy định của Bộ Y tế, nhằm tạo điều kiện cho người dân về tinh thần và vật chất.

"Hiện tại, dịch vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều F0 thì sẽ có nhiều F1, thành phố cũng phải tính đến phương án cách ly tại nhà mới có thể thích ứng được với điều kiện hiện nay, đồng thời còn tránh lây chéo trong khu cách ly", PGS,TS Trần Đắc Phu chia sẻ.

leftcenterrightdel
Kết quả phòng, chống dịch chỉ có thể được giữ vững khi có sự chung tay của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và sự ủng hộ của nhân dân. 

Theo lời PGS,TS Trần Đắc Phu, nếu không có đủ điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cách ly tại nhà, không gian chật chội, dễ có nguy cơ lây lan cho gia đình, cộng đồng vẫn cần cách ly tập trung. Chúng ta phải hết sức hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng và đảm bảo kiểm soát được phòng, chống dịch, không để lây lan dịch bệnh.

Tại cuộc họp mới đây với TP Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cùng với kế hoạch đã chuẩn bị, thành phố cũng phải tập dượt phương án khác, lường trước kịch bản xấu để có sự chuẩn bị. Ví dụ, công tác thu dung, cách ly, điều trị của Hà Nội vẫn thực hiện tốt nhưng cần chuẩn bị và thực hiện thí điểm phương án cách ly F1, điều trị F0 tại nhà.

Diễn biến của dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp. Để ngăn chăn dịch bệnh cần sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, chuyên gia và người dân. Chỉ có sức mạnh tổng hợp như vậy, Thủ đô sẽ vững vàng trước đại dịch để cùng cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐÔ%3ḅI NHÂN DÂN ĐIÊ%3ḅN TỬ