Là Thủ đô, là đầu mối giao thương lớn của khu vực nên Hà Nội luôn xác định phải gương mẫu đi đầu, có trách nhiệm cao hơn, thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống dịch Covid-19 để bảo vệ “trái tim” của cả nước một cách khỏe mạnh nhất.

Đến nay, Thành phố Hà Nội đã và đang tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, triển khai nhiều biện pháp chủ động, quyết liệt, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn trong phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn về sức khỏe cho người dân, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của “đầu tàu” đất nước. 

Nhiều cách làm khác trước

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Thành phố Hà Nội đã có nhiều phương án phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả với mục tiêu cao nhất là giữ vững an toàn cho Thủ đô, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.

Mới đây, sau khi phát hiện 1 ca dương tính với Covid-19, 4 căn hộ tại tầng 1 khu tập thể C20 đường Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã bị phong tỏa.

Tuy nhiên, các tầng khác và những hộ dân còn lại tại tầng 1 trong khu tập thể này vẫn được hoạt động, sinh hoạt bình thường. Khu chợ cách đó hơn chục mét với nhiều hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ vẫn không hề bị ảnh hưởng….

Đây chính là một ví dụ chứng minh sự hiệu quả đến từ việc khoanh vùng, cách ly theo quy mô nhỏ nhất, chuyển trạng thái từ “không Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh đang được triển khai đồng bộ tại Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo về công tác phòng, chống Covid-19 trong phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn theo tình hình thực tế.

Mặt khác, Hà Nội vẫn duy trì phương tiện công cộng, xe taxi. Các siêu thị, cửa hàng, quán cafe, cửa hàng ăn, công viên, hoạt động thể thao trong nhà… được hoạt động trở lại.

Ngày 8-11 vừa qua, tại huyện “vùng xanh” Ba Vì, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng đã cho phép đón gần 4.000 học sinh trở lại trường, bắt đầu đối với khối lớp 9. Đây là những học sinh đầu tiên của Hà Nội đi học trở lại sau hơn 6 tháng phải tạm dừng đến trường vì Covid-19.

Đây cũng sẽ là tiền đề để Hà Nội đánh giá mức độ an toàn khi cho học sinh trở lại trường học, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai tại các địa bàn khác trong thời gian tới.

Đưa các F1 đi cách ly tập trung (Ảnh chụp trước ngày 16-11-2021).

Một cách làm mới cũng vừa được Thủ đô triển khai. Đó là từ ngày 16-11, Hà Nội chấp thuận cách ly F1 tại các khách sạn; từ ngày 17-11, thí điểm cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế.

Đây là bước tiến mạnh mẽ thể hiện thần “thích ứng an toàn” trong phòng, chống dịch của thành phố. Phương án mới này không chỉ giúp giảm tải gánh nặng cho ngành y tế mà còn kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân. Và thực tế, đến nay, nhiều địa phương tại Hà Nội đã thí điểm cách ly F1 tại nhà như 10/10 phường tại quận Nam Từ Liêm, một số phường tại quận Hoàn Kiếm, Hà Đông…

Tuy nhiên, hiện dư luận vẫn còn trái chiều trong việc Hà Nội áp dụng các biện pháp cách ly y tế, trong đó có ý kiến cho rằng: “Hà Nội đang thận trọng quá mức; Hà Nội không nên “sợ hãi” hay không nên cách ly tập trung F1”…

Liên quan những vấn đề trên, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khẳng định quan điểm của Thành phố là phòng, chống dịch bệnh hết sức linh hoạt nhưng phải bảo đảm tính khoa học, chuyên môn về y tế để tất cả F0 được điều trị tốt. Đồng thời, quản lý chặt F1, không để lây nhiễm dịch cho cộng đồng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

“Tuy vậy, việc cách ly phải bảo đảm thuận tiện, không gây phiền hà, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người dân, tránh quá tải các điểm cách ly tập trung. Ngành Y tế Hà Nội sẽ nỗ lực các biện pháp để cách ly F1 tại nhà, hạn chế cách ly tập trung, vì đây sẽ là nơi dễ lây nhiễm chéo”, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hà Nội nêu rõ.

"Quan điểm của Thành phố là phòng, chống dịch bệnh hết sức linh hoạt nhưng phải bảo đảm tính khoa học, chuyên môn về y tế để tất cả F0 được điều trị tốt. Đồng thời, quản lý chặt F1, không để lây nhiễm dịch cho cộng đồng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân."

 - Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà - 

Hà Nội có nhiều đặc thù nên công tác phòng, chống dịch khó khăn hơn

Ngày 16-11 vừa qua, khi trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đang thay đổi hằng ngày và rất phức tạp.

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh khó lường tại Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị, địa phương chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” và nâng cao năng lực y tế từ thành phố xuống đến cơ sở.

“Công tác triển khai phải chú trọng những tiêu chí hàng đầu là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Quá trình thực hiện phải bảo đảm thống nhất, bài bản, khoa học, hiệu quả”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Lãnh đạo thành phố cũng xác định nguy cơ bùng phát dịch trở lại là khá cao nên nhấn mạnh quan điểm không mở ồ ạt mà mở dần từng bước, vừa mở vừa đánh giá thận trọng, kết hợp tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, xác định phòng dịch hơn chống dịch.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Hà Nội có đặc thù khác với các địa phương khi nguy cơ cao, đa nguồn lây nên công tác chống dịch cũng phải linh hoạt. Ảnh: Quốc Văn

Nói thêm về công tác phòng, chống dịch của thành phố, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về kinh tế – xã hội vào ngày 21-10 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nói rõ quan điểm, Hà Nội có nhiều đặc thù nên công tác phòng, chống dịch khó khăn hơn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dẫn ví dụ tại điểm dịch ngõ 330 Thanh Xuân Trung. Khi đó, thành phố đã đưa toàn bộ người dân tại đây đi cách ly tập trung nên đã khống chế được tình hình dịch bệnh tại đây.

“Đó là những quyết định rất quan trọng của thành phố. Hà Nội có đặc thù khác với các địa phương khi nguy cơ cao, đa nguồn lây nên công tác chống dịch cũng phải linh hoạt. Việc triển khai các biện pháp thận trọng, linh hoạt và khoa học vì Hà Nội là Thủ đô, bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, bảo vệ an ninh, an toàn cho người dân”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

"Hà Nội có đặc thù khác với các địa phương khi nguy cơ cao, đa nguồn lây nên công tác chống dịch cũng phải linh hoạt. Việc triển khai các biện pháp thận trọng, linh hoạt và khoa học vì Hà Nội là Thủ đô, bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, bảo vệ an ninh, an toàn cho người dân."

- Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - 

Chú trọng chăm sóc người dân ngay tại cơ sở

Ngày 16-11 vừa qua, trước diễn biến mới của dịch bệnh, số ca F0 gia tăng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

Với quan điểm xuyên suốt là nhằm giữ vững thành quả đạt được để bảo vệ an toàn cho Thủ đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn triển khai nhiều biện pháp trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Thành phố chủ động xây dựng phương án thu dung, điều trị người bị nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn Thành phố với các kịch bản cao theo mô hình tháp 3 tầng.

Đồng thời, thí điểm thu dung, điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.

 

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo Thành phố kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.  

Một điểm nhấn quan trọng khác là thành phố điều chỉnh công tác thu dung, điều trị các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội…

Nói rõ thêm về công tác điều trị F0 tại thành phố khi số ca mắc đang gia tăng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh quan điểm, Hà Nội thực hiện việc điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở, bảo đảm người dân được cung cấp dịch vụ y tế từ sớm, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Hà Nội sẽ thành lập các trạm y tế lưu động; trạm y tế tại xã, phường, thị trấn điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng.

"Hiện nay, thành phố đã triển khai tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho hơn 90% dân số từ 18 tuổi trở lên. Những đối tượng này nếu mắc bệnh cũng sẽ nhẹ hơn, nên thành phố phân ra 3 tầng chữa bệnh", bà Trần Thị Nhị Hà nói.

Trong đó, những người triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được điều trị tại tầng 1 là tuyến cơ sở. Bệnh nhân nặng hơn được điều trị tại các tầng 2, 3 là từ tuyến huyện, tuyến thành phố, thậm chí là ở các bệnh viện Trung ương và bệnh viên tư nhân.

“Rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ công tác phòng, chống dịch thời gian qua tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, Thành phố xác định y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cột trong phòng, chống dịch giai đoạn mới, chăm sóc người dân ngay tại cơ sở.

Các trạm y tế, đội y tế lưu động tại các khu cách ly, phong toả vẫn đang duy trì hoạt động để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; sẵn sàng phương án điều trị, thu dung ngay tại trạm y tế”, bà Trần Thị Nhị Hà thông tin.

Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà:  Thành phố xác định y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cột trong phòng, chống dịch giai đoạn mới, chăm sóc người dân ngay tại cơ sở. Ảnh: Quốc Văn

 

“Rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ công tác phòng, chống dịch thời gian qua tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, Thành phố xác định y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cột trong phòng, chống dịch giai đoạn mới, chăm sóc người dân ngay tại cơ sở."

- Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà - 

Cách làm linh hoạt, phù hợp, cần thiết

PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định cách làm của Thành phố Hà Nội trong thời gian qua là phù hợp, cần thiết, bởi vừa đáp ứng việc phục hồi sản xuất, nhưng cũng phải kiềm chế phần nào nguy cơ bùng phát dịch.

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội vào ngày 21-10 vừa qua, qua ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, nhiều đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận, đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố Hà Nội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, mặc dù ban đầu trong đợt dịch thứ 4, Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 rất cao, nhưng thành phố đã kịp thời khống chế, không để mất kiểm soát và vẫn bảo đảm an toàn.

“Kết quả này, theo tôi, xuất phát từ những chỉ đạo cụ thể, rất kịp thời của lãnh đạo Thành phố”, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường khẳng định.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 21-10-2021. Ảnh: Quốc Văn

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hà Nội cũng cho rằng, trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp vừa qua, giữ được Hà Nội an toàn là kết quả đặc biệt đáng ghi nhận.

Người dân cũng đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của Thành phố. Bà Lê Thị An (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Nguyễn Vân Khánh (Thanh Trì, Hà Nội) đều bày tỏ, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, việc thành phố nâng cao cấp độ phòng, chống dịch, có nhiều điều chỉnh theo phương án linh hoạt, phù hợp thực tiễn từng địa phương là hoàn toàn đúng đắn. Mọi kịch bản, phương án phòng, chống dịch đều được lãnh đạo Thành phố tính toán, xây dựng với các tình huống dịch diễn biến xấu hơn, phức tạp hơn để từ đó chủ động trong dự phòng, ứng phó.

“Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố có dấu hiệu tăng nhanh, tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, đồng tình với phương án phòng, chống dịch của thành phố hiện nay”, bà Lê Thị An nói.

Với những diễn biến của tình hình dịch bệnh, có lẽ “cuộc chiến” chống Covid-19 sẽ còn tiếp tục kéo dài. Tuy vậy, Hà Nội không thể giãn cách hay phong tỏa mãi mà sẽ dần trở lại nhịp sống bình thường mới. Điều này cần sự vào cuộc “tổng lực” của các cấp, các ngành, các lực lượng và mỗi người dân Thủ đô, để Hà Nội luôn mạnh khỏe trước nhiều khó khăn, thách thức.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ