Việc mở cửa giúp xã hội được “bình thường mới”, cuộc sống người dân trở nên thoải mái hơn, nhưng cũng đặt ra bài toán hóc búa cho chính quyền Thủ đô, khi số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng lên.

Làm sao để thích ứng nhưng vẫn an toàn, hiệu quả, là câu hỏi lớn đang chờ các cấp ủy chính quyền cùng nhân dân Hà Nội giải đáp.

Bài 1: Tâm lý miễn dịch cộng đồng và những nguy cơ hiện hữu

Trải qua gần 2 tháng giãn cách xã hội, kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong cộng đồng, Hà Nội đã từng bước nới lỏng một số hoạt động, từ việc cho hàng quán, công viên hoạt động trở lại, sau đó là thực hiện Nghị quyết số 128 cùng với cả nước.

Cũng từ đây, những ca mắc Covid-19 mới không ngừng tăng cao. Từ ngày 8-11, Hà Nội luôn ghi nhận số ca mắc ở mức ba con số, có những hôm lên tới gần 300 ca mắc.

Hàng loạt ổ dịch cộng đồng phức tạp

Theo thống kê của Sở Y tế TP Hà Nội, tính đến hôm nay (18-11), TP Hà Nội ghi nhận nhiều ổ dịch đang diễn biến phức tạp, trong đó 3 ổ dịch lớn nhất đều vượt 200 ca, gồm ổ dịch chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm) với 269 ca, ổ dịch thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, Mê Linh) 257 ca và ổ dịch Phú Đô với 233 ca.

Đáng chú ý, số ca mắc cộng đồng được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt cũng rất cao. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 6.739 ca, trong đó 2.428 ca ghi nhận ngoài cộng đồng và 4.311 ca là các trường hợp đã được cách ly.

leftcenterrightdel
Ổ dịch tại Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp. 

Dự báo, số ca F0 phát sinh trong những ngày tới sẽ tiếp tục tăng cao do các nguồn lây đã tồn tại trong cộng đồng và nhiều người dân trở về từ các địa phương có dịch mà chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Thời gian gần đây, hầu như ngày nào, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cũng phát đi thông báo khẩn tìm người. Thậm chí có ngày, thông báo khẩn từ 2 đến 3 lần.

Các địa điểm liên quan đến các ca mắc Covid-19 cũng rất đa dạng, từ quán ăn, quán cà phê, chợ cóc, siêu thị, hàng cắt tóc... Đặc biệt, nhiều ca mắc nằm ở khu vực trung tâm thành phố, khu phố cổ, hay trong các chung cư, nơi cư dân tập trung đông đúc, rất khó kiểm soát.

Việc liên tiếp ghi nhận các ca F0 Covid-19 trong cộng đồng cũng như sự phức tạp của các ổ dịch nằm rải rác khắp toàn thành phố (20/30 quận, huyện) đang đặt Hà Nội vào trạng thái tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng dịch nếu không có sự thích ứng kịp thời.

Không những thế, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với các biến chủng mới tại bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.

Tại Hà Nội, mặc dù việc tiêm vắc xin đang được tiến hành cấp tốc, nhưng vẫn có nhiều đối tượng chưa được vắc xin bao phủ như: Người có bệnh nền không đủ điều kiện tiêm, người cao tuổi, trẻ em...

Chưa kể, vì là trung tâm của cả nước, đầu mối giao thông quốc gia, nên hằng ngày, thành phố tiếp nhận hàng ngàn phương tiện và người dân từ khắp nơi đổ về; lượng khách nhập cảnh cũng không nhỏ...

leftcenterrightdel
Xét nghiệm Covid-19 cho người dân trên địa bàn thành phố. 

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận xét, thời gian qua, người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, cách ly tại nhà. Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát. Đây cũng là một trong những lý do khiến dịch bệnh trên địa bàn thành phố về cơ bản được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đang thay đổi hằng ngày và rất phức tạp. Nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, các ngành và người dân Thủ đô lúc này là phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống số ca F0 tăng cao.

Tất cả những mối nguy cơ từ bên ngoài lẫn trong thành phố, đang khiến Hà Nội phải chuẩn bị lên dây cót cho một trận chiến mới với Covid-19.

Đầy mối nguy từ tâm lý “miễn dịch cộng đồng”

Trong khi số ca mắc không ngừng tăng cao, nhiều ổ dịch liên tục xuất hiện F0 với lịch trình di chuyển vô cùng phức tạp thì dường như, một bộ phận người dân Hà Nội vẫn đang nuôi tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh, cho rằng dịch bệnh ở đâu đó ngoài kia, chứ chưa thể “vận vào mình”.

Còn nhớ cách đây không lâu, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chính thức vận hành, Hà Nội được chứng kiến cả dòng người ùn ùn, nô nức đi thử tàu điện.

leftcenterrightdel
Tàu điện Cát Linh-Hà Đông chật ních người, không đảm bảo quy định phòng, chống dịch. 

Không giữ đúng khoảng cách, nhiều người không đeo khẩu trang, hoặc đeo cho có. Cảnh chen lấn, đông nghẹt trên mỗi tuyến tàu điện khiến nhiều người không khỏi ngao ngán. Chỉ cần một trong số những người đang đứng trên các toa tàu kia là F0 thì nguy cơ phân tán dịch bệnh gần như không thể kiểm soát được.

Không những thế, trong chuyến tham quan dịch vụ tàu điện mới lạ này, nhiều gia đình còn không ngại cho trẻ em (đối tượng chưa được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19) tham gia cùng, mà không quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe cho các em.

Chị Cao Thanh Hiếu (quận Hà Đông, TP Hà Nội) chia sẻ: Có thể hiểu được tâm lý háo hức đi thử tàu điện của người dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong thời điểm hiện tại, người dân nên tự bảo vệ bản thân mình khỏi nguy cơ dịch bệnh, không nên đến nhưng nơi đông người. Chính quyền cũng cần có biện pháp để đảm bảo khoảng cách, tránh tình trạng tạo mầm bệnh trong cộng đồng.

Tâm lý cho rằng, thành phố đã gần đạt đến mức miễn dịch cộng đồng khiến nhiều người bắt đầu “thả phanh” sau những tháng ngày bị kìm kẹp bởi dịch bệnh. Nhưng điều đó cũng đã và đang đặt thành phố vào nguy cơ dịch bệnh bùng phát, gây thiệt hại lớn về người và của.

Chia sẻ với báo chí, PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đưa mối lo lắng với tình hình dịch bệnh hiện nay khi các ca bệnh cao, nếu người dân không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch thì thời gian tới các ca mắc sẽ tiếp tục tăng, cấp độ dịch của Hà Nội cũng sẽ tăng theo.

Nếu những dự đoán của các chuyên gia y tế thành hiện thực, Hà Nội sẽ không còn nhiều những vùng xanh mà thay vào đó sẽ là vùng vàng, vùng đỏ.

Quy định phòng, chống dịch đã có- Sao vẫn vi phạm?

Khi thành phố mở cửa trở lại, các hoạt động dịch vụ được nới lỏng, hàng quán ăn uống tại chỗ bắt đầu những chuỗi ngày phục vụ hết công suất. Cũng từ đây, việc vi phạm quy định phòng, chống dịch xảy ra tại nhiều nơi.

Có mặt tại một quán ăn trên đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, phóng viên không khỏi choáng ngợp khi chỉ mới 7 giờ tối, quán ăn đã đông nghẹt người, không còn một góc trống.

leftcenterrightdel
Mã QR Code được triển khai từ lâu nhưng nhiều người dân vẫn thờ ơ với việc quét mã.  

Không có giãn cách theo quy định, không tấm chắn, người ngồi san sát nhau, nhân viên phục vụ đôi lúc còn quên cả việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Quán ăn cũng không có mã QR Code để khách thực hiện việc khai báo theo yêu cầu.

Cả người ăn lẫn chủ quán dường như đã quên mất, hằng ngày, trên cả nước vẫn có hàng nghìn ca mắc Covid-19 mới và ngay tại Hà Nội, số ca mắc cũng đang “nảy số”  liên tục, thế giới cũng ghi nhận ngày càng nhiều những ca mắc Covid-19 có thể tử vong dù tiêm đủ hai mũi vắc xin.

Mặc dù thành phố đã chỉ đạo sát sao việc thực hiện quét mã QR Code nhằm truy vấn dữ liệu liên quan khi có các ca nghi nhiễm, nhiều hàng quán, công ty cũng đã dán mã QR Code để khách đến làm việc thuận tiện khai báo nhưng một bộ phận hàng quán lẫn người dân vẫn coi QR Code là thứ gì đó rất xa lạ.

Tại một hiệu sách trên đường Hàm Nghi, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, mặc cho nhà sách đã dán cả mã QR Code, lẫn chuẩn bị sẵn bàn giấy để khách vào có thể thuận tiện khai báo thông tin nhưng nhiều khách hàng vẫn bỏ qua bước quan trọng này. Thậm chí, khi được nhân viên nhắc nhở khai báo, nhiều khách hàng còn tỏ rõ thái độ khó chịu, khai báo cho có hoặc khai báo không trung thực.

Mặc dù đã nới lỏng nhiều quy định phòng, chống dịch nhưng hiện nay, Hà Nội chưa cho phép một số loại hình dịch vụ được kinh doanh trở lại, trong đó có quán karaoke do tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Thế nhưng, trên địa bàn huyện Ba Vì thời gian vừa qua đã xuất hiện một số quán karaoke hoạt động chui, lén lút.

"Bước đầu xác định chủ cơ sở đã hoạt động "chui" trong vài ngày gần đây. Họ hoạt động theo kiểu "du kích", đón khách hát một vài tiếng rồi nghỉ chứ không tiếp đón khách cả ngày", đại diện lãnh đạo xã Đồng Thái, huyện Ba Vì trả lời báo chí liên quan đến việc xuất hiện ca mắc Covid-19 từ việc hoạt động chui, vi phạm quy định phòng, chống dịch này.

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng thành phố xử phạt quán ăn không chấp hành quy định phòng, chống dịch. 

Nhìn nhận rõ những bất cập trong phòng, chống dịch Covid-19 thời gian này, trong cuộc thị sát, kiểm tra điểm nóng Covid-19 trên địa bàn quận Ba Đình, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thẳng thắn phê bình: Tình hình dịch bệnh trên cả nước và Hà Nội từ sau khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đang diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng mạnh. Trong khi đó, có tình trạng chủ quan trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; xuất hiện nhiều biểu hiện không an toàn. Nhiều hàng quán tập trung đông người trong phòng kín, vách ngăn thưa, không bảo đảm “5K”...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đưa cảnh báo, tâm lý chủ quan ngày càng phổ biến. Trong đó, nhiều người dân chưa thực hiện nghiêm “5K”; nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh chưa chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch khi không yêu cầu khách quét mã QR, khai báo y tế; thậm chí có cơ sở hoạt động trái phép...

Theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, Hà Nội cùng với cả nước đang từng bước thực hiện việc thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh. Việc xuất hiện những ca mắc mới trong “bình thường mới” là điều không thể tránh khỏi, đã nằm trong dự liệu của Thủ đô.

Tuy nhiên, không thể vì do là điều không thể tránh khỏi mà để dịch lây lan sâu rộng vào trong cộng đồng. Muốn an toàn với dịch bệnh, cấp ủy chính quyền và nhân dân Thủ đô cần có những giải pháp căn cơ, làm sao vừa linh hoạt vừa hiệu quả. Có như thế, Hà Nội mới từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ