Họ không nghĩ đến quyền lợi của bản thân mà chỉ quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống yên bình cho những thôn ấp, xóm làng...

Vượt lên gian khổ, hy sinh

Trường hợp chiến sĩ dân quân Nguyễn Thành Đạt như đã đề cập ở bài trước mới chỉ phản ánh một phần rất nhỏ về sự hy sinh, cống hiến, nỗ lực rất lớn của LLDQ trên tuyến đầu chống dịch. Theo báo cáo nhanh của Phòng Dân quân tự vệ, Bộ Tham mưu Quân khu 7, tại các tỉnh thuộc địa bàn quân khu, trong đợt dịch thứ tư có hơn 1.300 dân quân bị nhiễm Covid-19 khi làm nhiệm vụ. Riêng tại TP Hồ Chí Minh có hơn 1.000 đồng chí, trong đó một chiến sĩ hy sinh. Đến nay, có hơn 800 chiến sĩ dân quân khỏi bệnh. Lực lượng này tiếp tục xung phong ở lại tham gia các nhiệm vụ PCD Covid-19.

Kết nạp Đảng cho chiến sĩ dân quân tại Chốt kiểm soát biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây (Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An). 

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này, không ít chiến sĩ dân quân trên địa bàn Quân khu 7 tham gia công tác PCD có vợ, con ở nhà bị nhiễm SARS-CoV-2, thậm chí có người thân mất mà không thể về chịu tang. Họ đã nén nỗi đau, sát cánh cùng đồng đội bám địa bàn chống dịch. Một trong số rất nhiều những trường hợp đó là chiến sĩ Trần Tấn Đạt, dân quân thị trấn Hậu Nghĩa (Đức Hòa, Long An) tham gia chống dịch từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát. Sau một thời gian thực hiện nhiệm vụ, do thường xuyên xuống địa bàn khu dân cư, tiếp xúc với nhiều người, anh bị nhiễm Covid-19. Sau khi khỏi bệnh, anh tiếp tục xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Ngày nhận hung tin vợ nhiễm Covid-19 rồi qua đời, anh vẫn đang ở tuyến đầu và không thể về nhà, nén nỗi đau thương hoàn thành nhiệm vụ...

Thượng tá Huỳnh Việt Lê Kha, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Long An, chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: LLDQ của tỉnh hầu như có mặt ở tất cả mặt trận. Trong số đó, nhiều trường hợp chiến sĩ dân quân có những hoàn cảnh đặc biệt. Có chiến sĩ dân quân cả gia đình đều bị nhiễm Covid-19 khi bản thân đang tham gia nhiệm vụ chống dịch trên tuyến đầu; nhiều đồng chí, người thân qua đời mà không thể về chịu tang... Thế nhưng tất cả chiến sĩ đều chấp nhận những hy sinh riêng tư, nỗ lực cống hiến cho công cuộc chống dịch.

Chỉ riêng tỉnh Long An trong đợt dịch thứ tư đã có hơn 62.800 lượt dân quân có mặt trên mặt trận chống dịch. Trong số đó, có cả các chiến sĩ dân quân tăng cường ở các khu cách ly, bệnh viện dã chiến (BVDC); tham gia cắm chốt trong nội địa hay trạm kiểm soát dịch nơi biên giới. Dân quân cũng là lực lượng chính được điều động thực hiện chiến dịch “2 mũi giáp công” (sàng lọc nhanh và cách ly tại chỗ).

Theo Thiếu tướng Trần Văn Sơn, Phó cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu), những chiến sĩ dân quân đang đối diện với nhiều gian khổ, hy sinh trong từng phút, từng giờ trên tuyến đầu chống dịch. Đây là lực lượng lớn, trực tiếp tham gia thiết lập các chốt kiểm soát PCD; phục vụ tại các BVDC, khu cách ly. Trong các hoạt động an sinh xã hội, vận chuyển hàng hóa, giám sát, kiểm soát phòng dịch trên địa bàn, LLDQ đều phát huy hiệu quả tích cực...

Những động lực tiếp sức dân quân

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Đại tá Trần Văn Mạnh, Trưởng phòng Dân quân tự vệ, Bộ Tham mưu Quân khu 7, cho biết: "Hiệu quả của việc huy động LLDQ tham gia chống dịch Covid-19 là rất rõ. Nếu như không có LLDQ trực tiếp hỗ trợ trong các tình huống tại địa bàn thì quá trình chống dịch còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để động viên, huy động và phát huy hiệu quả cao nhất, cần có sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương với các cơ quan quân sự để dành sự quan tâm đặc biệt đối lực lượng quan trọng này".

Lực lượng dân quân vận chuyển gạo do Cục Dân quân tự vệ phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm One One hỗ trợ nhân dân tỉnh Bình Dương chống dịch Covid-19. 

Trong quá trình tham gia chống dịch, nhiều chiến sĩ dân quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vinh dự được kết nạp Đảng ngay trên tuyến đầu. Chỉ riêng ở huyện Đức Huệ (Long An), trong đợt dịch thứ tư này đã có 4 dân quân được kết nạp Đảng ở các điểm chốt, các khu cách ly, phong tỏa. Trò chuyện với chúng tôi, bày tỏ niềm vui và xúc động được kết nạp Đảng ngay tại chốt kiểm soát PCD, chiến sĩ Khang Quỳnh Duy, dân quân xã Bình Hòa Bắc (huyện Đức Huệ), cho biết: “Chúng tôi chỉ có một suy nghĩ là cống hiến hết sức lực của mình để đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Điều đó đã được ghi nhận và tôi vô cùng vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây sẽ là động lực để tôi và đồng đội cố gắng phấn đấu nhiều hơn, góp sức mình đẩy lùi dịch Covid-19”.

Thực tế cho thấy, nhiều chiến sĩ dân quân đã phát huy tốt vai trò của mình, tiên phong trên mặt trận chống dịch, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận. Tính đến cuối tháng 9-2021, trên địa bàn Quân khu 7 đã có gần 1.000 chiến sĩ dân quân được khen thưởng ở các cấp, trong đó 5 cá nhân vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 32 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì có thành tích xuất sắc trong công tác PCD Covid-19.

Thiếu tướng Trần Văn Sơn, Phó cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu) cho biết: Trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, LLDQ luôn phát huy vai trò xung kích, trực tiếp tại cơ sở. Các chiến sĩ dân quân luôn vượt lên gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ được giao dù trong thiên tai, bão lũ hay dịch bệnh. 
 Tính đến cuối tháng 9-2021, Quân khu 7 đã huy động hơn 528.900 lượt dân quân tham gia chống dịch Covid-19. Các nhiệm vụ chủ yếu gồm: Tham gia tuần tra, kiểm soát PCD; giúp dân thu hoạch, vận chuyển nông sản, lương thực, thực phẩm; hỗ trợ phục vụ các khu cách ly, phong tỏa, BVDC; tham gia lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tiêm vaccine tại địa bàn dân cư; làm nhiệm vụ lo hậu sự, chuyển tro cốt người tử vong do Covid-19 bàn giao cho thân nhân...

Bài và ảnh: HUY ĐĂNG - SONG DUY