Chỗ dựa tin cậy của lực lượng y tế

Trong các BVDC điều trị bệnh nhân Covid-19, những người được nhắc tới nhiều nhất luôn là đội ngũ y sĩ, bác sĩ. Tuy nhiên, còn một lực lượng khác cũng thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với F0, cũng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, đó là những chiến sĩ dân quân.

Trên địa bàn Quân khu 7 đã tổ chức 247 BVDC, bệnh viện chuyển đổi công năng điều trị Covid-19 và hơn 1.000 điểm cách ly y tế. Để vận hành số lượng BVDC, khu cách ly khổng lồ này, LLVT Quân khu 7 đã huy động hàng nghìn dân quân thực hiện các nhiệm vụ: Canh gác, bảo đảm an ninh trật tự, vận chuyển hàng hóa, vệ sinh, khử khuẩn, hỗ trợ bệnh nhân... 

Các chiến sĩ dân quân thực hiện nhiệm vụ xây dựng Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D. 

Đưa vào sử dụng từ ngày 15-7-2021, BVDC số 3 của Đồng Nai đặt tại Ký túc xá Đại học Mở TP Hồ Chí Minh cơ sở 2 (TP Biên Hòa) có 500 giường bệnh. Tại đây, có 19 chiến sĩ dân quân thực hiện các nhiệm vụ: Bảo vệ an ninh trật tự; phun khử khuẩn; vận chuyển rác thải; vận chuyển nhu yếu phẩm, y tế; công tác vệ sinh. Hằng ngày, từ 7 giờ, lực lượng dân quân bắt đầu làm việc và kết thúc lúc 23 giờ. Với những dân quân thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác, thì công việc là 24/24 giờ. Công việc của những chiến sĩ dân quân đơn giản nhưng vô cùng vất vả, nặng nhọc. Họ đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ trong bộ đồ bảo hộ kín mít khiến những vất vả nhân lên gấp bội. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Lương, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), Phó giám đốc BVDC số 3 cho biết: “Dân quân là lực lượng không thể thiếu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Nhờ có họ, lực lượng y tế chúng tôi rất yên tâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn”.

Tại BVDC số 1 cơ sở 2 của TP Hồ Chí Minh, chiến sĩ dân quân thường trực Nguyễn Lê Tuấn, phường 8, quận 6, đã có những tháng ngày tuổi trẻ thật đẹp khi được cống hiến cho cộng đồng. Trong lúc làm vệ sinh khu điều trị bệnh nhân Covid-19, Tuấn vô tình bị thương ở chân. Dù được xử lý kịp thời nhưng vết thương ngày càng nặng, có nguy cơ bị hoại tử, thế nhưng anh vẫn mong muốn trở lại phục vụ khi hồi phục chấn thương. Tuấn tâm sự: "Trong những ngày thực hiện nhiệm vụ, tôi càng nhận ra cuộc sống có nhiều điều ý nghĩa. Tuổi trẻ là cống hiến, tự nguyện góp một phần sức nhỏ bé vào công cuộc ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân".

Nữ dân quân và tấm lòng của người bệnh

Tại BVDC thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 số 12 của TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Thanh Trúc là nữ dân quân duy nhất. Thế nhưng, chị chưa từng ngần ngại vất vả, hiểm nguy, luôn xung phong tham gia phục vụ công tác hậu cần. Hằng ngày, Trúc dậy rất sớm để cùng đồng đội hỗ trợ đội ngũ quân y thực hiện sàng lọc, thăm khám bệnh nhân; phân phát các bữa ăn tới người bệnh; giúp di chuyển tư trang của người mới nhập viện. Công việc của chị chỉ kết thúc khi bệnh nhân yên giấc. Thanh Trúc chia sẻ rằng, khi biết chị xung phong đi tuyến đầu chống dịch, bà ngoại rất lo lắng. Tuy nhiên, mẹ lại động viên chị tham gia. “Chúng tôi đã xác định, khi mọi người hết bệnh thì mới hoàn thành nhiệm vụ", Trúc khẳng định.

Sự tận tâm cống hiến của Thanh Trúc khiến nhiều bệnh nhân điều trị tại BVDC thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 số 12 xúc động. Bà Lê Ngọc Hoa cho biết: “Chúng tôi không thấy được mặt chị Trúc, chỉ phân biệt qua tên viết trên bộ đồ bảo hộ. Thế nhưng, qua ánh mắt, tôi luôn cảm nhận được sự gần gũi. Chị Trúc và tất cả các y sĩ, bác sĩ đều rất quan tâm đến bệnh nhân. Chắc chắn tôi sẽ nhớ mãi về họ”.

Tại điểm cách ly Trường Tiểu học Phú Lợi 2, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chiến sĩ dân quân Nguyễn Huỳnh Thái Trân cho biết: “Nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là phục vụ cơm nước, vận chuyển những đồ dùng thiết yếu cho công dân. Ai cũng tự giác chấp hành các quy định và hài lòng với chất lượng phục vụ. Nhiều người sau khi hoàn thành thời hạn cách ly đã để lại những nhận xét, lời cảm ơn rất xúc động. Chúng tôi quyết tâm sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần đẩy lùi dịch Covid-19”.

Sự hết lòng phục vụ công dân cách ly của Nguyễn Huỳnh Thái Trân và đồng đội nhận được nhiều tình cảm thương mến. Công dân Nguyễn Thị Tố Linh, chuẩn bị hoàn thành thời hạn cách ly, cho biết: “Ban đầu vào đây, em cũng hơi lo lắng. Nhưng dần dần, nhận được sự chăm sóc tận tình của các anh bộ đội, dân quân, em ổn định được tâm lý. Bây giờ, thấy ở trong đây cũng giống như ở ngoài thôi. Đồ ăn rất ngon, mỗi ngày hai buổi sáng-chiều đều có người tới đo nhiệt độ và hỏi thăm tình hình sức khỏe. Mọi người trong khu cách ly đều yên tâm, thực hiện đầy đủ các quy định để bảo đảm công tác PCD”.

Các chiến sĩ dân quân vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 3 của Đồng Nai. 

Tỉnh Long An cũng là một điểm nóng về dịch Covid-19 ở khu vực phía Nam. Theo Thượng tá Huỳnh Việt Lê Kha, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Long An, LLVT tỉnh nói chung, dân quân tỉnh nói riêng đều phải căng mình PCD. Tại 46 khu cách ly và BVDC, dân quân luôn là một trong những lực lượng nòng cốt. Ai cũng phát huy truyền thống quê hương, tự hào khi được tham gia thực hiện nhiệm vụ PCD. Đặc biệt, lực lượng dân quân, với đặc thù là người địa phương, rất hữu dụng khi phục vụ bệnh nhân Covid-19 và công dân cách ly là người dân tộc Khmer. Dù hiểu tiếng phổ thông, nhưng với bà con người Khmer, việc tuyên truyền, hướng dẫn PCD bằng tiếng của họ hiệu quả hơn rất nhiều. Vì thế, mỗi chiến sĩ dân quân người Khmer hoặc biết tiếng Khmer, bên cạnh nhiệm vụ phục vụ, còn là những tuyên truyền viên thân thiết với bà con dân tộc Khmer tại các BVDC, khu cách ly.

Dù ngày ngày mồ hôi đẫm áo, dù phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch nguy hiểm nhưng các chiến sĩ dân quân tự vệ tại những BVDC, trung tâm cách ly vẫn đang tiếp tục cùng lực lượng y tế vượt lên khó khăn, cống hiến hết mình cho cuộc chiến chống lại đại dịch.

Báo cáo tôn vinh điển hình tiêu biểu PCD Covid-19 trong LLVT Quân khu 7 đã ghi nhận, lực lượng dân quân không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trên tuyến đầu chống dịch ngay từ những ngày đầu. Đứng trước hiểm nguy đe dọa trực tiếp đến tính mạng, cán bộ, chiến sĩ dân quân vẫn kiên cường bám chốt, địa bàn, kiên quyết khắc phục khó khăn, không ngại gian khổ, hy sinh... Lực lượng dân quân đã đóng góp xứng đáng vào việc khoanh vùng, dập dịch, ổn định đời sống nhân dân. 

Bài và ảnh: HUY ĐĂNG - SONG DUY

(còn nữa)