Theo dấu chân bộ đội

TP Biên Hòa là “vùng đỏ đậm đặc” thuộc tỉnh Đồng Nai. Để chi viện cho địa phương chống dịch, Trường Sĩ quan Lục quân 2 đã cử hàng trăm cán bộ, học viên đến thành phố này. Theo chân các chiến sĩ vào thành phố công nghiệp, Đại tá, nhà báo Hoàng Đình Thành đã đến nhiều khu dân cư và khu cách ly y tế tập trung đặt tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai. Mới gặp phóng viên, Trung tá Phan Ngọc Bách Sắc, Phó tham mưu trưởng Ban CHQS TP Biên Hòa, phụ trách lực lượng quân sự làm nhiệm vụ tại khu cách ly, dặn dò: “Ở đây hơn 80% là F0, còn lại là F1 nguy cơ cao. Anh phải hết sức cẩn thận kẻo lây nhiễm đấy”.

Đã xác định tư tưởng và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, Hoàng Đình Thành thực hiện các biện pháp an toàn rồi vào gặp gỡ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Những câu chuyện về công việc chăm sóc, hỗ trợ F0, tiếp nhận người vào cách ly, hỗ trợ F0 chuyển viện lúc nửa đêm, nhường suất ăn cho người cách ly khi nhỡ bữa... cứ ngồn ngộn thông tin.

Câu chuyện về Trung tá Phan Ngọc Bách Sắc tự bỏ tiền lương của mình để mua quà, đồ chơi tặng hơn 100 trẻ em trong khu cách ly dịp Tết Trung thu; nhiều lần dùng tiền cá nhân mua đồ ăn, đường, sữa, trái cây và vật dụng sinh hoạt hỗ trợ các F0, trở thành những tư liệu sống động cho những bài viết của phóng viên Hoàng Đình Thành về tình quân dân trong đại dịch ở Đồng Nai.

leftcenterrightdel
 Bác sĩ chăm sóc cho F0 tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. 

Những lần tác nghiệp sau này, nhóm phóng viên do Đại tá Lê Phi Hùng chỉ huy, gồm: Nguyễn Xuân Cường, Lê Hùng Khoa tiếp tục theo sát bước chân của các chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai, cùng lực lượng y tế đến các ổ dịch lớn tại Nhà dòng Đa Minh Phú Cường, dự án Aqua City, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 và các xã, phường như: Hố Nai, Hóa An, Trảng Dài, Tân Biên, Phước Tân... Đại tá Vũ Văn Điền, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai nói rằng: “Phóng viên Báo QĐND đúng chất phóng viên chiến trường, lúc nào cũng dũng cảm, xông xáo vào những nơi gian khó và nguy hiểm nhất”. 

Đầu tháng 7, TP Hồ Chí Minh phải cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Một số bệnh viện dã chiến phải khẩn cấp nâng công suất tiếp nhận bệnh nhân, Bộ Quốc phòng cũng thành lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến khác.

Để phản ánh sinh động cuộc chiến giành lại sự sống cho các F0, nhiều cơ quan báo chí đã liên hệ với các bệnh viện và các cơ quan chức năng cho phép phóng viên vào tác nghiệp. Nhóm phóng viên Báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng đến Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi. 

Tại đây, bệnh nhân người thì nằm, người ngồi thở dốc, người phải thở oxy, người thở qua mặt nạ... cùng những tiếng ho khan liên tục, kéo dài, làm cho không khí rất nặng nề và ngột ngạt. Phía bên phải có một bệnh nhân khó thở, nên bác sĩ Lưu Triểu Đạt lập tức chạy lại kiểm tra các chỉ số sinh tồn, hỗ trợ bệnh nhân nằm nghiêng, vỗ lưng và hướng dẫn bệnh nhân thở. Có cơ hội, Đình Thành và Xuân Cường hết máy ảnh lại máy quay tác nghiệp. Lúc này, những lo ngại lây nhiễm và băn khoăn ban đầu đều tan biến, các phóng viên làm việc say mê hơn bao giờ hết.

Cuộc chiến giành sự sống ở nơi sinh tử

Tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến điều trị cho F0 thể nhẹ và trung bình đã khó, tác nghiệp tại những bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19 lại càng khó khăn gấp bội phần, bởi vì đó là nơi nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm gấp cả trăm lần so với những “vùng đỏ đậm đặc”. Thời gian từ tháng 7 đến hết tháng 9-2021, đã có nhiều tác phẩm báo chí phản ánh những giờ phút sinh tử của các F0 và những nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ y, bác sĩ trong việc giành lại sự sống cho bệnh nhân. 

Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, thuộc Bệnh viện Quân y 175, là nơi điều trị các F0 thể vừa và nặng. Do có mối quan hệ gắn bó từ lâu, nên lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 đã tạo điều kiện cho phóng viên Báo QĐND đến tác nghiệp. Thiếu tá Lê Hùng Khoa đã được chỉ huy BĐD cử đến nơi nguy hiểm này. Chứng kiến các y, bác sĩ, điều dưỡng viên làm việc trong môi trường đầy rủi ro, nguy hiểm, nhưng vẫn nỗ lực hết mình vì người bệnh, phóng viên Lê Hùng Khoa vô cùng cảm động. Anh tâm sự: “Chỉ những người thầy thuốc có ý chí kiên cường, trình độ chuyên môn cao và nghị lực phi thường của bệnh nhân, mới giành lại được sự sống”. 

Làm việc quên ăn, quên ngủ

Đại dịch Covid-19 đã khiến bao người phải xa rời tổ ấm của mình để đi làm nhiệm vụ. Đó là những nhân viên y tế, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức nhà nước và hàng trăm nghìn tình nguyện viên. Các nhà báo tác nghiệp trong tâm dịch cũng vậy. Bao ngày tháng xa nhà lúc dịch bệnh, là khoảng thời gian nặng trĩu, khắc khoải nhất mà những người cầm bút phải vượt qua.  Những ngày hè năm 2021, miền Đông Nam Bộ không chỉ khó chịu bởi thời tiết nắng mưa thất thường, mà còn căng thẳng cao độ vì đại dịch Covid-19. Diễn biến dịch bệnh ở các địa phương thay đổi từng giờ, từng ngày. Cũng vì thế mà các nhà báo phải bám, nắm và tác nghiệp không nghỉ ngơi. 

leftcenterrightdel
Phóng viên Báo QĐND tác nghiệp tại "điểm nóng" Covid-19 phường An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh 

Những ngày cao điểm, anh chị em phóng viên của các báo vừa ăn bánh mì, vừa ôm máy tính viết bài dưới gốc cây, trạm xe buýt, vệ cỏ ven đường, hay một vỉa hè, một góc nhà nào đó. Nhiều khi còn phải thức trắng đêm, đội mưa nắng bám theo các tổ lấy mẫu xét nghiệm, các xe chở F0 đi cấp cứu, hay theo chân bộ đội mang lương thực, thực phẩm đến nhà dân... Phóng viên QĐND cũng vậy.

Trong túi khoác của chúng tôi, lúc nào cũng có vài bộ quần áo, trang bị cá nhân và một chút lương khô, mì tôm. Nhà báo quân đội đã quen với tác phong: Có lệnh là đi, có sự kiện là đến, chỗ nào có lực lượng PCD là xuất hiện. Nhiều khi đang ngồi chăm chú viết bài tại cơ quan, nghe được thông tin chỗ này tổ chức tiêm vaccine, chỗ kia đang truy tìm F0, chỗ khác người dân đang nhận tiền hỗ trợ... là lên đường ngay.

Những ngày tác nghiệp trong tâm dịch Covid-19, chuyện quên ăn, quên ngủ để viết tin, bài, dựng media là rất thường tình đối với các nhà báo. Rất nhiều lần anh em ăn cơm trưa lúc 2, 3 giờ chiều, ăn xong cơm tối xong là 11, 12 giờ đêm. Có hôm mệt quá anh em cũng bỏ bữa. Thương anh em, nhiều hôm Ban quản lý tòa nhà 161-163 Trần Quốc Thảo (Văn phòng Tổng cục Chính trị) còn nấu thêm cơm...

6 tháng qua, trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hơn 150 phóng viên, nhân viên của các cơ quan báo chí đã bị nhiễm Covid-19 trong quá trình tác nghiệp, công tác. BĐD Báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh cũng có hai đồng chí bị nhiễm bệnh trong khi làm nhiệm vụ. Đây là điều không mong muốn, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ làm báo của cơ quan, vì hai đồng chí này đều là những tay viết tích cực, đa năng.

Cả gia đình Đại tá Phan Tùng Sơn, vợ và hai con gái của nhân viên hành chính Hà Văn Trượng đã trở thành F0. Cơ quan, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã gọi điện thăm hỏi, động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đồng chí bị nhiễm bệnh và người thân được điều trị tại các bệnh viện trong thành phố. Anh em cũng tự động viên nhau không được dao động, không được chùn bước trước khó khăn, thử thách. Do đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng dịch, được các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 7A (Quân khu 7) tận tình điều trị, nên hai đồng chí Phan Tùng Sơn và Hoàng Đình Thành đã khỏi bệnh nhanh chóng. 

Những ngày này, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã trở về trạng thái bình thường mới, nhưng những ca nhiễm Covid-19 mới vẫn xảy ra. Các địa phương vừa PCD, vừa phải tổ chức khôi phục sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế. Các nhà báo chúng tôi phải tiếp tục trụ vững trên trận tuyến của mình. Tuy không còn gian nan, khó khăn, nguy hiểm như mấy tháng trước đây, nhưng với các phóng viên vẫn sẽ là những tháng ngày bám nắm sự kiện, bám nắm vấn đề để tuyên truyền kịp thời, góp phần cùng miền Nam thắng dịch và phục hồi thành công kinh tế-xã hội. Đó chính là niềm vinh dự, tự hào của những người làm báo. Nó sẽ là động lực để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Nhóm PV Báo Quân đội nhân dân phía Nam