Hơn 5 tháng phòng, chống dịch (PCD) là thời gian vô cùng khó khăn, vất vả đối với lãnh đạo, quân và dân các địa phương vùng kinh tế trọng điểm này. Những ngày tháng gian nan ấy, phóng viên các cơ quan báo chí phía Nam, trong đó có Báo Quân đội nhân dân đã không quản ngại gian khổ, dấn thân vào các khu cách ly, phong tỏa, các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 (F0). Xin giới thiệu với bạn đọc những câu chuyện của các nhà báo-chiến sĩ giữa tâm dịch Covid-19 phía Nam.

Bài 1: Sẵn sàng cho nhiệm vụ 

Tháng 4 ở Nam Bộ hừng hực nắng. Tưởng như cái nóng hầm hập sẽ làm cho virus SARS-CoV-2 không có cửa để tồn tại. Nhưng ngược lại, những ca nhiễm đầu tiên từ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã khởi đầu cho một làn sóng dịch Covid-19 lớn chưa từng có ở miền Đông Nam Bộ. Cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có hàng trăm nghìn ca nhiễm, với bao đau thương, mất mát...

Sẵn sàng vào trận

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở Nam Bộ, lãnh đạo các địa phương cùng ngành tuyên giáo, thông tin-truyền thông ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã có nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn để thông báo tình hình, lấy ý kiến và bàn phương hướng tuyên truyền. Các buổi gặp luôn nóng hổi, cuồn cuộn những vấn đề theo diễn biến của dịch bệnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị các cơ quan báo chí hãy tuyên truyền khách quan, đậm nét, không thêu dệt về công tác PCD của địa phương, nhất là sự nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn thử thách của lãnh đạo, chính quyền, quân và dân thành phố trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Đồng chí Bí thư Thành ủy mong muốn các nhà báo sẽ là “những chiến sĩ dũng cảm” trên trận tuyến đánh “giặc Covid-19”.

Với Báo Quân đội nhân dân (QĐND), ngay từ đầu tháng 5-2021, Đảng ủy báo đã ra nghị quyết lãnh đạo với nội dung trọng tâm là: Khẩn trương chuẩn bị và thực hiện nhanh chóng các biện pháp PCD, nhất là ở các cơ quan đại diện, thường trực, thường trú khu vực phía Nam; bảo đảm an toàn, không để cán bộ, phóng viên, nhân viên bị nhiễm Covid-19; chuẩn bị các phương án và nội dung tuyên truyền công tác PCD trên các ấn phẩm của báo...

Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ được giao và nghị quyết của cấp trên, chi bộ Ban đại diện (BĐD) Báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh cũng kịp thời ra nghị quyết lãnh đạo chuyên đề với các nội dung cụ thể như: Chuyển cơ quan làm việc theo chế độ thời chiến; thực hiện ngay các biện pháp PCD tại trụ sở ở 161-163 Trần Quốc Thảo, quận 3 và cơ quan thường trú tại TP Đà Lạt; thành lập lực lượng tuyên truyền về PCD Covid-19 (gọi tắt là Tổ Covid-19); nắm lại tình hình tư tưởng và xây dựng quyết tâm cho cán bộ, phóng viên, nhân viên trong cơ quan...

leftcenterrightdel
Nhân viên kỹ thuật Học viện Quân Y (cơ sở phía Nam) lấy mẫu xét nghiê,j Covid-19 cho phóng viên, nhân viên Ban đại diện Báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh.

Tác nghiệp trong tâm dịch Covid-19 là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp và nguy hiểm. Vì thế, chẳng cơ quan báo chí nào dám mạo hiểm tung 100% lực lượng của mình ra để làm việc. Theo quy định PCD thì không phải chỗ nào phóng viên cũng được đến tác nghiệp. Nhiều khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện điều trị cho bệnh nhân Covid-19 còn có những quy định khắt khe hơn như: Phải có đồ bảo hộ, khẩu trang đúng tiêu chuẩn; được sự đồng ý của cơ quan chức năng và ngành y tế; phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa dịch...

Nhiều cơ quan báo chí tích cực đi tìm mua khẩu trang N95, kính chắn giọt bắn và đồ bảo hộ hợp chuẩn. Lãnh đạo chạy đôn chạy đáo tìm nơi tiêm vaccine cho phóng viên đi tuyên truyền PCD Covid-19. Nhưng trong lúc dịch dã, không phải muốn mua, muốn xin cái gì cũng được. Tất cả đều khan hiếm, các cơ quan báo chí phải tự xoay xở, chủ động để làm nhiệm vụ.

Với sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175, Thượng tá Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Viện Y học dự phòng Quân đội phía Nam; Đại tá Nguyễn Ngọc Toàn, Giám đốc Học viện Quân y-Phân hiệu phía Nam và lãnh đạo Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga phía Nam... toàn bộ cán bộ, phóng viên và nhân viên của BĐD đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, test nhanh và xét nghiệm RT-PCR mỗi tuần 2-3 lần. Không những vậy, anh em còn được các bệnh viện, trung tâm y tế quân đội tặng nhiều bộ đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn và kit test nhanh để đủ điều kiện "xung trận".

Tác chiến ở "vùng đỏ"

Để bước vào các “trận chiến”, việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền giữ vai trò rất quan trọng. Hầu hết các cơ quan báo chí đều có kế hoạch tác chiến cụ thể của mình. Có cơ quan chia lực lượng làm 2 bộ phận, nhưng cũng có nơi chia ra thành 3, 4 bộ phận. Nội dung tuyên truyền tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh, thành phố; hoạt động PCD ở các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị hành chính, các doanh nghiệp; công tác xét nghiệm, truy vết, cách ly, phong tỏa và cứu chữa F0 ở các bệnh viện dã chiến, các cơ sở y tế; bảo đảm an sinh xã hội và giữ gìn trật tự an ninh... Chú trọng tuyên truyền các lực lượng trên tuyến đầu PCD.

BĐD Báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh chia làm hai bộ phận, một bộ phận làm việc tại cơ quan và một bộ phận làm việc tại nhà. Những người làm việc ở cơ quan phải cách ly tuyệt đối với gia đình. Hai phóng viên Nguyễn Xuân Cường và Lê Hùng Khoa có con nhỏ, vợ phải nghỉ việc và phóng viên Hoàng Đình Thành nhà ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã xung phong ở lại cơ quan đầu tiên. 

Tác nghiệp trong tâm dịch Covid-19 không chỉ khó khăn, vất vả mà còn nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của nhà báo. Mặt khác, gia đình của cán bộ, phóng viên, nhân viên BĐD hầu hết nằm trong các “vùng đỏ đậm đặc” (vùng có nhiều ca nhiễm Covid-19 đang phải cách ly, phong tỏa), có nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 rất cao. Vấn đề lúc này là phải ổn định được tư tưởng, xây dựng quyết tâm để anh em cơ quan vững tin thực hiện tốt nhiệm vụ. Chỉ huy BĐD không chỉ quán triệt nhiệm vụ, động viên anh em trong các buổi họp mà còn trực tiếp gặp gỡ các phóng viên trong Tổ Covid-19 để trao đổi, tâm sự. Những khó khăn của hậu phương, gia đình cơ bản được tháo gỡ, các điều kiện làm việc, tác nghiệp trong môi trường dịch bệnh được bảo đảm hết mức theo khả năng của cơ quan. 

Trước những “trận đánh”, giải quyết tư tưởng trong cơ quan như vậy có thể tạm ổn, nhưng điều lo nhất của chỉ huy BĐD đó là khi dịch bệnh phức tạp hơn, trong cơ quan và gia đình cán bộ, phóng viên, nhân viên có người bị nhiễm Covid-19, liệu tư tưởng của anh em sẽ ra sao? Phóng viên có yên tâm công tác và đạt hiệu quả công việc cao hay không? Thật may mắn, điều lo lắng của Đại tá Lê Phi Hùng, Trưởng BĐD đã không xảy ra. 

Địa bàn các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... có rất nhiều “vùng đỏ đậm đặc”, vì thế, các nhà báo phải lựa chọn những nơi điển hình, thậm chí là những chỗ khó khăn, phức tạp nhất, nguy hiểm nhất để tác nghiệp. 

Từ tháng 7 đến tháng 9-2021, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh vắng lặng khác thường. Nhiều con đường trước đây thường xuyên bị ùn tắc giao thông, vậy mà lúc đó thênh thang, lặng lẽ. Điểm “nóng” Covid-19 ở Bình Tân khiến lãnh đạo thành phố rất trăn trở, cũng là điểm mà các nhà báo rất quan tâm tuyên truyền. Khi biết anh em Báo QĐND xuống quận Bình Tân, Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh dặn dò: “Các anh đi phải hết sức cẩn thận đấy. Bình Tân đã có một số cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm Covid-19 rồi”. 

Nhóm phóng viên Nguyễn Xuân Cường, Hoàng Đình Thành, Lê Hùng Khoa và lái xe Trương Quang Ngọc vừa tới nơi, Thượng tá Nguyễn Hoàng Phương, Chính trị viên Ban CHQS quận thông báo ngay: “Chúng tôi đã huy động tối đa quân số thực hiện nhiệm vụ PCD. Bây giờ tôi cũng phải đi kiểm tra bộ đội”.

Càng về trưa, nắng nóng càng nhức nhối. Tại các chốt kiểm soát, chiến sĩ ta mặt và lưng áo đầm đìa mồ hôi. Chiến sĩ dân quân phường Bình Hưng Hòa trong bộ đồ bảo hộ kín mít, vừa vác thùng hàng vừa xách đồ tiếp tế mang đến tận các nhà dân. Ở chỗ khác, một tổ khử khuẩn của Ban CHQS quận len lỏi từng hẻm nhỏ vừa phun hóa chất vừa nhắc nhở người dân thực hiện quy định an toàn PCD. Trong một thời gian ngắn, phường An Lạc đã có gần 2.000 ca nhiễm. Anh em phóng viên cứ miệt mài bấm máy, ghi chép, phỏng vấn quên cả bữa trưa.

Bước chân của các nhà báo-chiến sĩ len lỏi đến nhiều con hẻm, nhiều khu nhà trọ ở TP Thủ Đức, các quận, huyện: 1, 3, 4, 5, 7, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi... để ghi lại những hình ảnh nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho nhân dân, chiến sĩ quân đội mang lương thực đến nhà dân, đưa F0 đi cấp cứu và cả hình ảnh bộ đội lo hậu sự cho người dân tử vong do Covid-19. Cũng vì thế, nhiều vệt bài, bài viết, phóng sự ảnh, phóng sự media về PCD Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh đã được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND.

Vùng ''đất Thủ" Bình Dương vốn dĩ rất sôi động ở miền Đông Nam Bộ nhưng khi những ổ dịch lớn bùng phát ở các thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên, Bến Cát thì sự náo nhiệt không còn nữa. Hầu hết các cơ quan báo chí, truyền thông có tiếng như: VTV, VOH, Nhân Dân, Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động... đều có các tổ tuyên truyền tại chỗ, cắm phóng viên ở những điểm nóng. Do lực lượng rất mỏng nên Báo QĐND phải cơ động phóng viên từ TP Hồ Chí Minh lên. 

Khi đi tác nghiệp, anh em rất xót xa khi thấy các khu công nghiệp, khu dân cư đìu hiu trong cảnh dịch bệnh. Các y sĩ, bác sĩ, học viên Học viện Quân y phải ăn ở tại các khu chợ, nhà trẻ, nhà văn hóa, hằng ngày hối hả đi khám bệnh, điều trị cho các F0 và cả những người mắc các bệnh thông thường. 

Đi cùng các y sĩ, bác sĩ quân y thăm khám, điều trị F0 tại nhà, chúng tôi càng khâm phục ý chí của họ. Đó là những lần ôm bình oxy và trang thiết bị y tế khác đi cấp cứu F0 trở nặng, hay những bệnh nhân bị đau tim, tăng huyết áp. Có những bệnh nhân ở trên tầng cao, không có thang máy, các y sĩ, bác sĩ phải vác bình oxy đi cầu thang bộ tới nhà dân. Giai đoạn cao điểm, các bác sĩ quân y ở trạm y tế lưu động phải thăm khám hàng chục lượt F0 mỗi ngày, hay chạy đi cấp cứu như con thoi, nhất là vào ban đêm, trời mưa gió. 

Tháp tùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Thượng tướng Võ Minh Lương đến TP Thuận An, phóng viên Báo QĐND gặp Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi. Thời gian gấp gáp, câu chuyện vội vàng nên đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hẹn Trưởng ban Lê Phi Hùng điện thoại để trao đổi thêm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các biện pháp PCD của tỉnh Bình Dương. 

 (còn nữa) 

Nhóm PV Báo Quân đội nhân dân phía Nam