Theo hãng tin Sputnik, thông báo chung được đưa ra sau cuộc gặp tại Thượng Hải giữa ông Kerry và Đặc phái viên Trung Quốc về BĐKH Xie Zhenhua nhấn mạnh hai nước cam kết hợp tác trong cả khuôn khổ song phương và đa phương nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng về BĐKH do hiểu rõ sự nghiêm trọng của vấn đề này. Thông báo chung nêu rõ: "Mỹ và Trung Quốc cam kết hợp tác với nhau và với các quốc gia khác nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng BĐKH, vấn đề đòi hỏi cần phải được giải quyết với sự nghiêm túc và cấp bách. Điều này đồng nghĩa với việc hai bên phải lần lượt tăng cường hành động và hợp tác trong các tiến trình đa phương, trong đó có Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH và Hiệp định Paris về BĐKH. 

Đặc phái viên của Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry vừa có chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh: New York Times. 

AFP cho biết, Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời chiếm gần một nửa lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Chính vì vậy, chuyến thăm Trung Quốc của đặc phái viên Kerry, đặc biệt là cam kết được nêu ra nhân chuyến thăm này, đang mang đến hy vọng về khả năng hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh trong việc ứng phó với BĐKH, bất chấp căng thẳng song phương.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, các cuộc thảo luận song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị đình trệ. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden coi đối phó với BĐKH là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình. Đáng chú ý, ông Joe Biden đã đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm thông qua việc đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về BĐKH. Hiện nay, BĐKH cũng là nội dung hợp tác mới được Mỹ và Trung Quốc cam kết theo đuổi nhằm mục tiêu đẩy lùi thách thức mang tính toàn cầu này.

Được biết trong tuần này, ông Joe Biden sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến với sự tham gia của hàng chục nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận về BĐKH. Đây được coi là cơ hội lớn để lãnh đạo các nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội thảo luận về tính cấp bách của vấn đề và yêu cầu đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn để tháo gỡ. Tiếp sau đó, các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc sẽ hướng tới Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu, dự kiến diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland vào tháng 11 năm nay. Tại hội nghị quan trọng này, Bắc Kinh và Washington tiếp tục thảo luận các hành động cụ thể để giảm thiểu khí thải, từ đó duy trì giới hạn nhiệt độ phù hợp với Hiệp định Paris về BĐKH.

Chuyên gia phân tích Lauri Myllyvirta tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch của Mỹ cho rằng tại thời điểm này, việc các quốc gia hiểu được mong muốn của nhau và nhất trí về các cam kết để thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu cũng đã là một bước khởi đầu quan trọng. Và mọi giải pháp toàn cầu về BĐKH chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu có sự tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc. Bởi hai quốc gia này hiện đang chiếm gần một nửa tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.

ANH VŨ