Đoàn tàu đi từ Hàn Quốc được người dân tỉnh Pa-du, phía bắc Xơ-un, nhiệt liệt đón chào. Ảnh: Roi-tơ

Hai đoàn tàu của CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc ngày 17-5, lần đầu tiên kể từ năm 1951, đã chạy xuyên qua đường biên giới giữa hai nước-hai miền trên bán đảo Triều Tiên, qua khu phi quân sự. Sự kiện này được đánh giá là cột mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển tích cực trong tiến trình hòa giải hai bán đảo Triều Tiên và làm sống dậy giấc mơ thống nhất của người dân hai nước.

Tại Hàn Quốc, đoàn tàu chở 100 hành khách đã khởi hành từ ga Mun-xan vào lúc 11 giờ 30 phút, giờ địa phương đến khu công nghiệp Khai Thành (Triều Tiên), nơi các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, với chặng đường dài 27,3km. Trong khi ở biên giới phía Đông, một đoàn tàu khác chở 50 hành khách xuất phát từ ga Cưm Cang ở CHDCND Triều Tiên đến ga Chê-chin của Hàn Quốc cách nhau 25,5km. Hai con tàu này sau đó quay lại điểm xuất phát ngay trong ngày.

Phát biểu trước khi lên tàu tại nhà ga Mun-xan, vị hành khách đặc biệt trên chuyến tàu, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Li Chê Châng nói: “Đây không chỉ là đợt chạy thử mà còn mang ý nghĩa kết nối lại dòng huyết thống của nhân dân ta, trái tim của bán đảo Triều Tiên đã đập trở lại”. Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc Rô Mu Hiên đánh giá việc khôi phục hoạt động của tuyến đường sắt liên Triều đánh dấu sự mở đầu cho nền hòa bình và hợp tác kinh tế giữa hai miền.

Ông Quân Hô Ung, Cố vấn cấp cao của Chính phủ Triều Tiên, kêu gọi hai miền không nên đi chệch hướng khỏi tiến trình thống nhất đất nước. Tuy nhiên, ông Quân Hô Ung cũng nhắc lại tuyên bố của Bình Nhưỡng, theo đó, các cường quốc bên ngoài là trở ngại chính cho việc hòa giải giữa hai miền Triều Tiên.

Số phận con đường sắt gắn với lịch sử bán đảo Triều Tiên cận đại. Ngay sau khi chiến tranh Triều Tiên xảy ra, tuyến đường này bị gián đoạn và sau đó bị hoang phế. Trong nỗ lực hòa giải, thống nhất, người ta đang tìm cách hàn gắn tuyến đường này. Việc chạy thử này lẽ ra đã được thực hiện từ tháng 5-2006, song đã bị hoãn lại vì nhiều lý do khác nhau.

Tuyến đường này khi đưa vào sử dụng có thể vận chuyển hành khách và hàng hóa Hàn Quốc sang Trung Quốc và Nga, sau đó nối với hệ thống đường sắt xuyên Xi-bê-ri. Là nước có nền kinh tế dựa trên xuất khẩu, Hàn Quốc có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí vận tải nếu tuyến liên vận này thông suốt.

LINH OANH (tổng hợp)