Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi các nước thành viên EU hãy dũng cảm cải cách để vượt qua khủng hoảng.

Phát biểu trong cuộc tiếp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 9-7 tại Berlin, bà Angela Merkel nhấn mạnh, hỗ trợ không liên kết với cải cách và định hướng tương lai sẽ là “vô tác dụng”. Các nước chỉ có thể đạt thịnh vượng với một nền kinh tế bền vững, hướng tới tương lai và có tính cạnh tranh.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (bên phải) và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong cuộc gặp ngày 9-7 tại Berlin. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Thủ tướng Mark Rutte đánh giá đại dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và điều quan trọng lúc này là châu Âu cần cùng nhau giải quyết hậu quả. Ông khẳng định, Đức và Hà Lan chỉ có thể tiến lên phía trước nếu cả EU vận hành tốt. Liên quan tới quỹ phục hồi của châu Âu, Thủ tướng Mark Rutte ghi nhận tầm quan trọng của việc lập một quỹ như vậy, song cho rằng hành động cần phải đi kèm những cải cách để tất cả các quốc gia thành viên EU cùng mạnh về kinh tế để có thể tự chống chọi với những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai. Ông cũng nêu rõ châu Âu cần tiết kiệm về trung hạn, không nên tăng mức đóng góp ròng do vấn đề Brexit hay Covid-19.

Theo kế hoạch, tại Hội nghị thượng đỉnh EU tới đây, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về ngân sách của khối, trong đó có quỹ phục hồi gây tranh cãi trị giá 750 tỷ euro, gồm 500 tỷ euro dưới dạng viện trợ và 250 tỷ euro là cho vay để giúp các nước thành viên phục hồi kinh tế. Hiện các nỗ lực ngoại giao đang được Đức và Pháp thúc đẩy mạnh mẽ nhằm thuyết phục nhóm các nước phản đối là Hà Lan, Đan Mạch, Áo và Thuỵ Điển chấp nhận gói 750 tỷ euro này. Cho đến nay, 4 nước trên vẫn phản đối phương thức phân bổ số tiền 750 tỷ euro vì cho rằng nhiều nước Nam Âu như Italy hay Tây Ban Nha nhận được quá nhiều tiền mà không có nghĩa vụ trả nợ. Theo tính toán ban đầu, Italy có thể nhận được hơn 80 tỷ euro, tiếp đến là Tây Ban Nha khoảng 70 tỷ euro, sau đó là các nước như Pháp, Đức, Ba Lan. Ngoài ra, Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển cho rằng, EU nên thực hiện biện pháp giải cứu bằng cách cho vay với những điều kiện nghiêm ngặt đi kèm thay vì hình thức trợ cấp. Trong khi đó, một số quốc gia khác cho rằng kế hoạch cứu trợ phân phối tiền không thỏa đáng, theo đó quá ưu tiên các nước khu vực Đông Âu chưa bao giờ ở tuyến đầu của dịch bệnh.

Trước những tranh cãi về quỹ phục hồi, tại phiên họp ở Nghị viện châu Âu (EP) ngày 8-7 vừa qua, Thủ tướng Angela Merkel cũng đã kêu gọi các nước châu Âu cải cách và thỏa hiệp nhằm sớm đạt được gói phục hồi kinh tế để hỗ trợ các nước thành viên vượt qua đại dịch. Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, Thủ tướng Đức cùng các nhà lãnh đạo EU nêu rõ "việc nhanh chóng đạt được một thỏa thuận về gói khôi phục đầy tham vọng của châu Âu là ưu tiên cao nhất của EU trong những tuần tới". Theo đó, nhấn mạnh "điều cốt yếu là những người đứng đầu nhà nước và chính phủ phải đạt được một thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới".

Ngoài chủ đề về gói hồi phục 750 tỷ euro, Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến còn thảo luận nhiều vấn đề lớn khác, trong đó nổi bật là việc hoàn tất đàm phán hậu Brexit với Anh. Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo, dù hai bên nỗ lực để đạt được thỏa thuận vào mùa thu năm nay nhưng châu Âu cần phải chuẩn bị phương án khác, bao gồm cả việc không có thỏa thuận.

BÌNH NGUYÊN