PSPP là chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đối phó với tình trạng giảm phát và khuyến khích tăng trưởng. PSPP được triển khai từ năm 2015 trị giá 2.200 tỷ euro (2.400 tỷ USD). Ngày 5-5 vừa qua, các thẩm phán Tòa án Hiến pháp Đức ra phán quyết rằng, PSPP của ECB không tương ứng với mục tiêu ổn định vật giá, đồng thời yêu cầu Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) từ bỏ chương trình này nếu trong vòng 3 tháng ECB không chứng minh được sự cần thiết của chương trình. Trong phán quyết, tòa án Đức cũng cho rằng Tòa án Công lý châu Âu (ECJ), cơ quan từng “bật đèn xanh” cho chương trình PSPP đã thiếu sót khi không phát hiện ra vấn đề trong chương trình của ECB. Phán quyết của tòa án Đức chỉ liên quan đến PSPP, không liên quan tới gói kích thích trị giá 750 tỷ euro (815 tỷ USD) có tên Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp vì đại dịch (PEPP) vừa được ECB thông qua tháng trước, nhằm thúc đẩy nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chịu tác động của dịch Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dọa sẽ mở một vụ kiện pháp lý chống lại Berlin. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, phán quyết của tòa án Đức đối với PSPP có nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng hành động của ECB, bởi Bundesbank là cổ đông lớn nhất và chiếm phần đáng kể khối lượng mua trái phiếu chính phủ của ECB. Đến cuối tháng 4 vừa qua, số trái phiếu mà Đức đã mua theo PSPP trị giá 533,9 tỷ euro.

Phản ứng trước phán quyết của tòa án Đức, EC và ECJ nhấn mạnh rằng, luật pháp của EU phải được ưu tiên hơn các quy định cấp quốc gia, đồng thời cho biết các phán quyết của ECJ mang tính ràng buộc đối với tất cả các tòa án của 27 quốc gia thành viên. Trong một tuyên bố ngày 10-5, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh, EC có thể sẽ mở một vụ kiện pháp lý chống lại Berlin. Theo bà Leyen, phán quyết mới đây của Tòa án Hiến pháp Đức đã đặt ra hai vấn đề về EU. Đó là hệ thống đồng tiền chung euro và hệ thống pháp lý của châu Âu. “EC đang nghiên cứu từng chi tiết phán quyết của tòa án Đức và sẽ xem xét các bước tiếp theo, có thể bao gồm các vụ kiện vi phạm”, Chủ tịch EC nhấn mạnh. Tờ Le Point của Pháp nhận định, bà Leyen muốn đề cập đến các vụ kiện pháp lý mà EC có thể đưa ra ECJ nếu đánh giá một nước thành viên vi phạm luật pháp của EU. “ECJ có thể yêu cầu một quốc gia thành viên phải sửa đổi các hành vi vi phạm hoặc đối mặt với những hình phạt nặng”, nguồn tin trên khẳng định.

Trước đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nêu rõ, ECB là một thể chế tài chính của châu Âu có thẩm quyền hoạt động tại Eurozone, có trách nhiệm giải trình mọi hoạt động trước Nghị viện châu Âu và thuộc quyền xét xử của ECJ. Do vậy, ECB sẽ làm mọi thứ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của ngân hàng là đảm bảo ổn định vật giá trong khu vực.

Trong bối cảnh 27 quốc gia thành viên EU đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, cuộc đối đầu giữa Đức và EC sẽ ảnh hưởng lớn đến EU và chính sách tiền tệ của khối. Một số thông tin cho biết, để giảm căng thẳng giữa Đức và EU, bà Christine Lagarde đang tìm kiếm “một giải pháp ngoại giao” giúp bảo về tính độc lập của ECB, đồng thời đáp ứng những yêu cầu của Tòa án Hiến pháp Đức.

BÌNH NGUYÊN