Chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân tiếp tục là chủ đề tranh luận sôi nổi trong đêm tranh luận thứ hai giữa hai ứng cử viên hàng đầu là cựu Phó tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris. Ông Joe Biden chỉ trích kế hoạch bảo hiểm y tế đắt đỏ và mơ hồ của bà Kamala Harris, hay còn gọi là "Medicare for all” (chăm sóc sức khỏe cho tất cả), đồng thời cảnh báo những nguy cơ về tăng thuế và xóa bỏ bảo hiểm tư nhân. Ông Joe Biden khẳng định, với kế hoạch này, dự kiến tiêu tốn khoảng 3.000 tỷ USD, bà Harris sẽ không thể đánh bại Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.

Cựu Phó tổng thống Joe Biden (bên trái) và Thượng nghị sĩ Kamala Harris trong cuộc tranh luận rạng sáng 1-8, giờ Hà Nội. Ảnh: rtbf.be.

Trong khi đó, bà Kamala Harris cho rằng, kế hoạch của ông Joe Biden sẽ bỏ qua khoảng 10 triệu người dân Mỹ, đồng thời nhấn mạnh các công ty dược phẩm và các công ty bảo hiểm đã kiếm lời 72 tỷ USD từ các gia đình Mỹ vào năm ngoái. Kế hoạch của bà bao gồm thời gian thực hiện 10 năm và cam kết sẽ không tăng thuế đối với những người có thu nhập dưới 100.000 USD/năm. So với kế hoạch chăm sóc sức khỏe của bà Kamala Harris, kế hoạch của ông Joe Biden dung hòa hơn, theo đó người dân có thể lựa chọn chương trình chăm sóc sức khỏe do chính phủ điều hành, hay còn gọi là ObamaCare, được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và vẫn duy trì bảo hiểm tư nhân.

Trước đó, tâm điểm trong đêm tranh luận đầu tiên diễn ra vào ngày 31-7, giờ Hà Nội, hướng vào hai ứng cử viên khác của Đảng Dân chủ là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders. Cả hai ứng cử viên này hiện đang bám sát nhau sau vị trí dẫn đầu của cựu Phó tổng thống Joe Biden trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây. Cả bà Warren và ông Sanders đều đưa ra hứa hẹn về chương trình “chăm sóc sức khỏe cho tất cả” và cam kết sẽ đưa ra các hành động mạnh mẽ nhằm vào các lợi ích của các doanh nghiệp lớn, từ Phố Wall cho tới các công ty dược phẩm lớn.

Ngoài ra, tại buổi tranh luận, các ứng cử viên Đảng Dân chủ còn đề cập tới nhiều vấn đề khác, như: Biến đổi khí hậu, nhập cư, nạn phân biệt chủng tộc, ngân sách dành cho nạo phá thai và chính sách thương mại.

Cuộc tranh luận lần này được coi là cơ hội cuối cùng để các ứng cử viên Đảng Dân chủ “ghi điểm” với cử tri cả nước và đáp ứng các điều kiện cao hơn do Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ (DNC) đặt ra để có thể tham dự cuộc tranh luận tiếp theo vào tháng 9 và 10 tới. Theo quy định, các ứng cử viên cần nhận được tỷ lệ ủng hộ tối thiểu 2% trong ít nhất 4 cuộc thăm dò dư luận và nhận được tài trợ từ 130.000 nhà tài trợ, bao gồm 400 nhà tài trợ mỗi tiểu bang ở 20 bang. Tại cuộc tranh luận lần này, với mỗi câu hỏi, các ứng cử viên có 60 giây để trả lời, 30 giây phản biện và tranh luận. Nếu ứng cử viên nào đó được nêu tên trong câu trả lời của ứng cử viên khác, họ cũng có 30 giây để phản bác. Theo kết quả thăm dò sau hai vòng tranh luận, ông Joe Biden vẫn giữ vị trí đứng đầu trong cuộc đua, nhưng cách biệt với các ứng cử viên bám đuổi phía sau đã bị thu hẹp đáng kể.

BÌNH NGUYÊN