Nỗi lo cơm áo, gạo tiền; nỗi lo tương lai hậu thi đấu, sau khi giải nghệ đặt ra những câu hỏi day dứt. Sau khi Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đăng loạt 4 bài “Chế độ chính sách, đời sống vận động viên: Bùng nhùng tìm lối ra” từ ngày 8 đến 11-11, tòa soạn nhận được nhiều phản hồi tích cực. Một số địa phương, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã cầu thị tiếp thu, nhanh chóng xây dựng kế hoạch và cam kết tạo điều kiện tốt hơn cho VĐV. Một số lãnh đạo, huấn luyện viên (HLV) đã lắng nghe, chia sẻ và đưa ra những đề xuất, giải pháp để nâng cao chế độ cho VĐV. Báo QĐND giới thiệu một số ý kiến tâm huyết.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định: Chúng tôi đang cố gắng hết sức và từng bước gỡ khó
Ngay sau buổi làm việc với nhóm phóng viên Báo QĐND, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Nam Định đã họp toàn bộ các đơn vị thể thao trong tỉnh nhằm nghiên cứu, đề xuất, tháo gỡ khó khăn trong việc chi trả chế độ cho VĐV theo đúng quy định của Chính phủ. Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định đã báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh, làm việc với Sở Tài chính và cử Phó giám đốc sở phụ trách thể thao cùng bộ phận chuyên môn thường xuyên liên hệ, làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Nam Định.
 |
Ông Nguyễn Tiến Dũng. |
Qua trao đổi, phía BHXH tỉnh Nam Định cho biết, việc đóng BHXH cho VĐV cần thêm thời gian để nghiên cứu, xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên. BHXH tỉnh Nam Định đã hẹn lịch chính thức trả lời, đồng thời có văn bản hướng dẫn cho Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định về vấn đề này trong tháng 12-2021. Trong chiều 11-11, Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định nhận được thông tin rằng, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đã duyệt kế hoạch đóng BHXH cho VĐV tuyến 1 của tỉnh và đang chỉ đạo Sở Tài chính bố trí ngân sách; cố gắng hết sức gỡ khó và tin tưởng các VĐV tuyến 1 của Nam Định sẽ được hưởng chế độ BHXH trong năm 2022.
Ông Phạm Anh Tuấn, HLV trưởng đội tuyển đấu kiếm quốc gia: “Cởi trói” cơ chế để tạo bước đột phá phát triển thể thao
Đồng ý là nước mình còn nhiều khó khăn, chế độ chính sách của VĐV chưa thể so với các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chỉ cần giải được bài toán phân hóa cách đầu tư thì sẽ có bước phát triển phù hợp cho từng môn, từng giai đoạn. Ví dụ, xã hội hóa thể thao là chủ trương đúng, phù hợp yêu cầu tất yếu, khách quan của sự phát triển. Nhưng làm gì để xã hội hóa thể thao một cách hiệu quả? Nguyên nhân vẫn là hai chữ “cơ chế”. Thay vì nhà nước cấp ngân sách đều đều hằng năm thì hãy cho cơ chế để các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước chung tay phát triển thể thao. Hãy tạo cho họ một số quyền lợi theo kiểu đầu tư BT (Hợp đồng xây dựng-chuyển giao) hoặc BOT (Hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Dĩ nhiên, kế hoạch này phải được tính toán cẩn thận và cần có một chính sách chung của Chính phủ cho toàn quốc nhằm tránh biến tướng, cơ hội.
 |
Huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn. |
Ở một số quốc gia phát triển, mỗi học sinh được khuyến khích lựa chọn tập luyện một môn thể thao thay vì học giáo dục thể chất chung chung. Việc có nhiều học sinh chơi thể thao đồng nghĩa với nhu cầu thành lập các câu lạc bộ (CLB) ngày càng lớn. Và CLB là nơi nâng cao thu nhập cho VĐV, kêu gọi tài trợ từ chính những đơn vị bán trang thiết bị thể dục, thể thao (TDTT) và các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, một số môn võ đang làm tốt việc này, thu nhập của VĐV ở mức khá. Tất nhiên, việc đẩy mạnh thể thao học đường cần có cơ chế đặc thù bởi đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn. Ngoài ra, chúng ta cần phải đẩy mạnh hợp tác và kết nối được với hệ thống đào tạo quốc tế để lấy học bổng cho VĐV. Nếu được học tập, tập luyện và thi đấu ở nước ngoài thì cơ hội tăng thu nhập, thậm chí làm giàu từ thể thao là rất khả thi với VĐV.
Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao: Cần chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa thể thao
Lãnh đạo Tổng cục TDTT cảm ơn Báo QĐND đã tìm hiểu rất kỹ để viết loạt bài trên. Những thông tin của quý báo giúp chúng tôi biết thêm được thực trạng đời sống, tâm tư của HLV, VĐV.
 |
Ông Trần Đức Phấn. |
Để có chế độ chính sách tốt cho VĐV theo mong muốn của ngành thể thao thì đến giờ phút này chúng ta vẫn chưa làm được. Ngay việc thực hiện đúng một số nghị định, quyết định của Chính phủ về chế độ chính sách VĐV thì nhiều địa phương hiện nay vẫn còn lúng túng, chậm trễ. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ phản ánh tới bộ phận chuyên trách của các địa phương trên góc độ quản lý. Trên thực tế, rất khó để Tổng cục TDTT tác động, vì vấn đề về ngân sách chi cho thể thao mỗi địa phương mỗi khác. Đối với thể thao thành tích cao, muốn nâng cao thu nhập cho VĐV thì chúng ta cần phải giải quyết hai việc. Thứ nhất, thể thao dứt khoát phải chuyên nghiệp hóa. Từ đó, VĐV có thể tự nuôi sống bản thân, thậm chí là làm giàu mà không cần phải trông chờ vào ngân sách nhà nước. Thứ hai, cần phải xã hội hóa thể thao nhằm kêu gọi những nguồn lực tài trợ. Xã hội hóa thể thao hiện nay mới chỉ dừng ở lý thuyết, thực tiễn vận hành vẫn còn nhiều hạn chế. Các hiệp hội, liên đoàn thể thao được thành lập nhiều nhưng không có nguồn lực nào để hỗ trợ cho VĐV.
Việc giải quyết vấn đề đầu ra cho VĐV vẫn là bài toán nan giải. Những năm qua, Tổng cục TDTT đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp, công ty tại các địa phương sẵn sàng nhận VĐV sau khi giải nghệ vào làm việc. Tuy nhiên, khi tiến hành đăng ký thì không mấy VĐV mặn mà. Tâm lý của VĐV là muốn gắn bó với thể thao, muốn được làm công tác huấn luyện sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu. Nhưng ngặt nỗi không phải VĐV xuất sắc nào cũng có thể trở thành HLV. Về điều này, tôi cho rằng, VĐV cần phải nhìn nhận lại và cần sớm có định hướng về tương lai nghề nghiệp của mình. Các HLV cần phải nắm bắt tư tưởng, tâm lý, định hướng cho VĐV từ sớm thay vì chuyện nhiều em hiện nay vẫn mông lung khi được hỏi về tương lai.
VĐV Đỗ Quốc Luật, Đội tuyển điền kinh quốc gia, đương kim vô địch SEA Games 2019: Thể thao phải là một nghề kiếm sống
Tâm lý xã hội vẫn chưa coi trọng thể thao, chưa xem thể thao là một nghề kiếm sống. Thể thao cũng như tất cả các ngành nghề trong xã hội. Nếu mức thu nhập không giúp cho VĐV đáp ứng được mức chi tiêu tối thiểu trong cuộc sống thì tự khắc mức độ quyết tâm, cống hiến cho thể thao của họ sẽ giảm đi. Sau 13 năm gắn bó với thể thao, tôi cho rằng, nhà nước cần có chế độ ưu đãi đặc biệt đối với VĐV đạt thành tích cao. Cụ thể, VĐV sẽ được hưởng chế độ tương xứng với từng năm cống hiến, thứ hạng đạt được, thành tích thi đấu quốc tế... Đối với những VĐV xuất sắc của thể thao cấp tỉnh, thành phố, ngành, thì các cơ quan chủ quản cần có chế độ ưu đãi trong việc giải quyết việc làm cho họ sau khi giải nghệ. Nếu làm được điều này, VĐV thế hệ sau sẽ nhìn vào để yên tâm cống hiến lâu dài cho thể thao nước nhà.
 |
Tuyển thủ quân đội Đỗ Quốc Luật. |
VĐV thường rất muốn sau khi giải nghệ công tác ở lĩnh vực liên quan đến thể thao. Nếu sau khi giải nghệ mà làm một công việc khác thì gần như VĐV sẽ phải học tập lại từ đầu. Khi ấy, tâm lý bỡ ngỡ, chán nản, thậm chí mất niềm tin là điều không tránh khỏi. Theo tôi, mỗi VĐV khi còn trẻ xác định theo thể thao thì phải yêu thích, đam mê. Khi có thành tích cũng như thứ hạng thì nên hướng vào chuyên sâu để lo mọi mặt về lâu dài. Điều quan trọng, mức thu nhập của VĐV hiện nay vẫn thua xa so với các lĩnh vực khác trong xã hội. Đây là một sự bất công bởi tuổi nghề của VĐV thấp, quá trình tập luyện thi đấu chịu nhiều thiệt thòi khi phải thường xuyên xa gia đình, gặp chấn thương, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng... Muốn VĐV gắn bó, nỗ lực hết mình vì thể thao thì trước hết họ phải đủ sống với mức thu nhập hiện tại.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Nghệ An: Xã hội phải có trách nhiệm chăm lo cho vận động viên
Chúng ta hay nói nhiều về chính sách đãi ngộ, giữ chân nhân tài trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ thông tin... mà hiếm khi nói đến việc chăm lo chu đáo cho nhân tài thể thao. VĐV thể thao có thành tích thi đấu quốc tế phải được xem là nhân tài ở lĩnh vực của họ, cần được hưởng những ưu đãi riêng. Lâu nay, xã hội vẫn xem thể thao là giải trí, có thì vui mà không có cũng chẳng “cháy nhà chết người”. Chúng ta muốn có thành tích thi đấu quốc tế, muốn thể thao nước nhà sánh ngang với năm châu nhưng lại không có nhiều người quan tâm đến việc VĐV sinh hoạt, vất vả tập luyện, tay trắng khi giải nghệ thì sẽ mưu sinh ra sao. Hay nói cách khác, nói đến thể thao là nhiều người chỉ nói đến thành tích mà quên đi quá trình khổ luyện của VĐV.
 |
Ông Nguyễn Hoàng Trung. |
Họ phải xa nhà từ bé, sớm xa vòng tay của bố mẹ, người thân và chỉ được tận hưởng vài bữa cơm gia đình trong một năm. Vậy mà mức thu nhập hiện nay của nhiều VĐV chưa thể giúp họ trang trải cuộc sống. Tôi cho rằng, chúng ta cần nhìn vào thực tế. Xã hội hóa vẫn là một cái gì đó xa xôi, thậm chí là không thể với nhiều địa phương. Muốn tăng chế độ cho VĐV thì trước mắt chúng ta vẫn cần chế độ chính sách đặc thù của nhà nước. Không phải nhà hảo tâm nào cũng hiểu, cũng đủ tâm và đủ tầm để đầu tư cho thể thao. Qua loạt bài “Chế độ chính sách, đời sống vận động viên: Bùng nhùng tìm lối ra” đăng trên Báo QĐND, chúng ta cần phải nhìn nhận lại hình ảnh, công sức, vị thế của VĐV. Muốn VĐV yên tâm cống hiến cho thể thao thì toàn xã hội phải có trách nhiệm chăm lo cho cuộc sống và tương lai của họ. Không thể để VĐV tài năng của thể thao có mức đãi ngộ thua xa so với lực lượng lao động phổ thông đến từ những ngành nghề khác.
Ông Phạm Quang Minh, chuyên viên Bộ phận Quản lý thu (BHXH quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội): Cần có chế độ đặc thù cho VĐV
Trong quá trình giải quyết chế độ BHXH cho VĐV, tôi thấy rằng, VĐV là đối tượng rất đặc thù. Họ có mức thu nhập không ổn định, thường xuyên tập trung lên đội tuyển, thi đấu trong nước và quốc tế nên việc tính toán tiền đóng BHXH là bài toán rắc rối. Ví dụ, mức thu nhập của VĐV tuyến 1 cấp tỉnh là 180.000 đồng/người/ngày, thì khi lên tập trung đội tuyển quốc gia họ được hưởng 270.000 đồng/người/ngày. Trong một năm (khi chưa có dịch Covid-19), một VĐV sẽ lên đội tuyển quốc gia, trở lại đội tuyển tuyến tỉnh, thành phố, ngành rất nhiều lần.
Khi ấy, chúng tôi phải thường xuyên phối hợp với các đơn vị thể thao để nắm tình hình luyện tập, thi đấu của VĐV, kịp thời tính toán đóng BHXH để VĐV không bị thiệt thòi. Việc đóng BHXH cho VĐV vẫn còn mới, nên vừa làm việc chúng tôi vừa xin ý kiến chỉ đạo, văn bản hướng dẫn của cấp trên. Theo tôi, BHXH Việt Nam cần có cơ chế đặc thù cho VĐV. Bởi tôi biết, nhiều em mới chỉ 14, 15 tuổi nhưng đang là lực lượng thi đấu chính ở các môn thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, bơi... Nếu áp dụng như các lực lượng khác trong xã hội theo quy định về độ tuổi tham gia BHXH thì những VĐV nhỏ tuổi sẽ rất thiệt thòi.
Bà Phạm Thị Anh, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội (mẹ đẻ VĐV Ngô Quốc Tuấn, Đội tuyển bi sắt Hà Nội): Bố mẹ nào cũng mong con đầy đủ, hạnh phúc
Mỗi lần gặp Tuấn, tôi luôn hỏi rằng: “Con có hài lòng với thu nhập hiện tại, có vui vẻ với đời sống VĐV?”. Con tôi luôn thẳng thắn: “Đời VĐV có thể thu nhập thấp nhưng con luôn yêu mến thể thao. Con được đi nhiều nơi, biết thêm nhiều kiến thức và đặc biệt là gắn bó với những đồng đội, người thầy nghĩa tình”. Hiện tại con trai tôi chưa lập gia đình, mức thu nhập từ thể thao chỉ đủ giúp cháu chi tiêu cá nhân.
Tôi lo rằng, với mức thu nhập hiện tại thì khi lập gia đình, chắc chắn con tôi sẽ phải chịu áp lực về kinh tế. Đấy là chưa kể, những VĐV có hoàn cảnh khó khăn, các cháu phải trông vào tiền thưởng mới mong có tiền gửi về phụ giúp gia đình. Bố mẹ nào cũng thương con, mong con sống vui, hạnh phúc nhưng không thể đồng hành với con đến suốt cuộc đời. Nhiều lúc thấy con tập luyện vất vả, xa nhà khi thi đấu, tôi cũng chỉ mong con được hưởng những chế độ xứng đáng với những gì cháu và đồng đội đã bỏ ra. Tôi cũng mong Tuấn được tạo điều kiện đi học đại học, gắn bó lâu dài với thể thao và có mức thu nhập ổn định so với mặt bằng chung của xã hội.
ĐÌNH HÙNG - HỮU TRƯỞNG (thực hiện)