Chăm sóc sức khỏe và chữa trị chấn thương; bảo đảm học tập văn hóa, chính trị; ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm; hưởng lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp... Trong quá trình khảo sát, tìm hiểu tại một số đơn vị thể thao cấp tỉnh, thành phố, ngành, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân không khỏi trăn trở, day dứt khi chế độ vận động viên nhận được khác xa với quy định.

Vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao có những chế độ đặc thù mà khi áp dụng có nhiều điều không nằm trong Luật BHXH, Luật Lao động... Quá trình giải quyết chế độ cho VĐV vì thế gặp nhiều khó khăn, bởi không thể “bê nguyên luật” mà thực hiện.

Loay hoay và lúng túng

Một buổi sáng trời mưa, chúng tôi đến Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Nam Định, nơi đang đào tạo và huấn luyện cho 50 VĐV của các môn wushu, vật, boxing, bơi, lặn... Trong những năm qua, tỉnh Nam Định đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu thể thao. Rõ nhất là Cung Thể thao tỉnh Nam Định được xây dựng với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, bao gồm nhà thi đấu đa năng và bể bơi có mái che đủ tiêu chuẩn tổ chức thi đấu quốc tế, chính thức được đưa vào sử dụng từ năm 2014.

Một bữa cơm trưa của các vận động viên thể thao tỉnh Bắc Kạn.Ảnh: MINH HOA 

 

Mặc dù có cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu hiện đại nhưng VĐV Nam Định vẫn đang phải sinh hoạt tạm bợ trên tầng hai của nhà thi đấu đa năng. Hành lang của nhà thi đấu được tận dụng thành góc học tập của VĐV. Bước vào căn phòng rộng chừng 10m2 có biển đề trước cửa “phòng kho”, kê giường, tủ quần áo và một bàn học, trần thấp, chúng tôi ngỡ ngàng khi được biết đây là nơi sinh hoạt của 4 VĐV. Theo ghi nhận của chúng tôi, có khoảng chục căn phòng kiểu này dành cho các VĐV. Mặc dù trung tâm đã bố trí quạt hơi nước nhưng em Nguyễn Thị Thúy (17 tuổi, VĐV môn lặn) cho biết: “Vào mùa hè thì phòng ở chẳng khác nào “cái lò”.

Trò chuyện thêm với em Nguyễn Thị Thúy, chúng tôi được biết, dù đã sở hữu 2 huy chương bạc và 2 huy chương Đồng của Giải lặn vô địch trẻ quốc gia nhưng đến nay, Thúy mới chỉ được đơn vị ký hợp đồng đào tạo. Thậm chí, số tiền hỗ trợ tập luyện 55.000 đồng/người/ngày theo quy định, bản thân Thúy cũng không được cầm. Theo đó, mỗi tháng số tiền hỗ trợ của VĐV năng khiếu Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Nam Định sẽ được giao cho các huấn luyện viên (HLV) bộ môn nắm giữ. Các HLV sẽ chi trả phí sinh hoạt hằng ngày, đóng tiền học phí văn hóa, tiền mua thực phẩm chức năng... cho VĐV. Thành ra, nhiều VĐV như Thúy phải trông chờ vào tiền thưởng khi thi đấu, mới mong có tiền mua chút quà biếu bố mẹ. Nhưng khi dịch Covid-19 ập đến, các giải thể thao trong nước bị “đóng băng”, VĐV kiếm đâu ra tiền thưởng. Khi chúng tôi hỏi Thúy đã được đơn vị đóng các loại bảo hiểm theo quy định chưa, em ấp úng: “Em không biết anh ạ. Hình như là chưa”. “Thế lãnh đạo, HLV ở trung tâm có nói gì về kế hoạch nâng tuyến, ký hợp đồng lao động cho em không?”. “Thật sự em cũng không rõ. Bản thân em với các VĐV khác cũng chỉ biết tập luyện, thi đấu và cố gắng giành thành tích thôi”.

Không riêng gì Nguyễn Thị Thúy, phần lớn các VĐV thể thao thành tích cao của Việt Nam không nắm rõ mình được hưởng những chế độ gì, mà chỉ biết khổ luyện và thi đấu. Điều chúng tôi trăn trở là trong số 50 VĐV của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Nam Định thì chỉ có 5 VĐV tuyến 1 có hợp đồng lao động, còn chưa một ai được đóng BHXH. Ông Đặng Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Nam Định cho chúng tôi biết: “Trung tâm vẫn chưa triển khai được việc đóng BHXH cho VĐV. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó rõ nhất là về mặt kinh phí. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị việc này lên Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định nhưng vẫn chưa được thông qua”.

Cầu thị lắng nghe những bất cập của thể thao Nam Định mà nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân phản ánh, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cho biết: “Việc đóng BHXH cho VĐV vẫn còn mới, chúng tôi chưa biết học tập kinh nghiệm ở đâu. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ có buổi làm việc chính thức với bên BHXH để cùng tháo gỡ khó khăn, giúp VĐV được hưởng những chế độ, chính sách theo quy định”.

Vận động viên Nguyễn Thị Thúy dọn dẹp phòng ở tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Nam Định.Ảnh: MINH HOA

Trên thực tế, yếu tố tiên quyết để đóng BHXH là VĐV phải có hợp đồng lao động. Trong quá trình khảo sát, tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy rằng việc triển khai đóng BHXH cho VĐV khá rắc rối nhưng không phải quá khó. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội hiện là nơi đào tạo và huấn luyện cho gần 3.000 VĐV của 33 bộ môn. Tính đến hết tháng 10-2021, theo số liệu mà ông Đào Quốc Thắng, Giám đốc trung tâm cung cấp cho chúng tôi, 100% VĐV tuyến 1 của trung tâm (tương đương với gần 1.000 VĐV) đã được đóng BHXH; trong số này có tới 130 VĐV dưới 18 tuổi. Ông Đào Quốc Thắng cho hay: “Việc đóng BHXH cho VĐV chưa có tiền lệ, không có quy định trong Luật BHXH nên quá trình triển khai rất khó khăn. Chúng tôi đã có nhiều cuộc làm việc với BHXH quận Nam Từ Liêm và xin văn bản hướng dẫn của BHXH TP Hà Nội và BHXH Việt Nam. Trong quá trình làm việc, trung tâm vừa rút kinh nghiệm vừa xin văn bản hướng dẫn của các đơn vị liên quan, điều đáng mừng là trung tâm đã giúp cho các VĐV hưởng đúng chế độ mà Chính phủ quy định”.

Mặc dù đã gỡ khó trong việc đóng BHXH cho VĐV tuyến 1, song Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội vẫn đang gặp vướng mắc về việc đóng bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp cho VĐV đội tuyển trẻ và đội tuyển năng khiếu. Bà Lê Thúy Hạnh, Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính của trung tâm lý giải: “Hiện nay, các VĐV đội tuyển trẻ, tuyến năng khiếu của trung tâm chưa có mã định danh trên hệ thống của bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp bởi VĐV là đối tượng đặc thù. Từ đầu năm 2021, trung tâm đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của BHXH TP Hà Nội, BHXH Việt Nam và đang chờ văn bản hướng dẫn”.

Trên thông dưới vẫn tắc

Nhìn từ xa, Nhà thi đấu đa năng tỉnh Bắc Kạn là một công trình nổi bật giữa lòng TP Bắc Kạn. Được khánh thành đưa vào sử dụng từ năm 2005, nhà thi đấu có sức chứa 2.000 người và đủ điều kiện tổ chức nhiều môn thể thao trong nhà. Vậy mà chỉ cách nhà thi đấu chừng 100m là nơi ăn ở, sinh hoạt tại nhà thi đấu cũ của 35 VĐV các môn muay, kickboxing, taekwondo... lại chưa đạt chuẩn. Trả lời nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Mạnh Tài, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Bắc Kạn quả quyết: “Trung tâm đã chi trả chế độ, chính sách cho VĐV đúng theo quy định của Chính phủ. Trong quá trình triển khai chúng tôi không gặp bất cứ khó khăn nào”.

Ông Nguyễn Mạnh Tài lấy dẫn chứng, năm 2019 tiền ăn của VĐV Bắc Kạn là 90.000 đồng/người/ngày, nay đã tăng lên 130.000 đồng/người/ngày. Tiền công cho kiện tướng năm 2019 là 1.000.000 đồng/người/tháng, của VĐV cấp 1 là 600.000 đồng/người/tháng, của đội tuyển tỉnh là 400.000 đồng/người/tháng, thì nay tất cả các VĐV của Bắc Kạn đều hưởng mức hỗ trợ chung là 55.000 đồng/người/ngày cho 26 ngày công (tương đương 1.430.000 đồng/tháng).

Có một nghịch lý là tất cả VĐV của Bắc Kạn hiện nay đều hưởng chế độ của VĐV năng khiếu. Thu nhập thấp, chế độ hưởng như nhau khiến tương lai của nhiều VĐV Bắc Kạn bấp bênh. Em La Triệu Phúc, VĐV môn bắn cung của Bắc Kạn tâm sự: “Em cảm thấy chế độ mình được hưởng quá thấp, không đủ lo cho cuộc sống. Nếu cứ đà này, em nghĩ mình sẽ không thể gắn bó với nơi đây. Nhiều lúc bố mẹ gọi điện giục em về tìm một công việc khác, em cũng không biết tính sao bây giờ”.

Một HLV của thể thao Bắc Kạn (xin được giấu tên) đã phản ánh với chúng tôi: “Trung tâm đưa ra quy định “trên trời” về việc phân cấp VĐV. Dường như họ không muốn VĐV được nâng cấp để khỏi phải trả thêm chế độ. Trong quá trình làm nghề, nhiều lần tôi chứng kiến một số VĐV có tài năng nhưng phải bỏ lỡ giữa chừng vì thu nhập thấp. Tôi đã nhiều lần viết đơn, thư gửi lãnh đạo Tổng cục TDTT và nhận được phản hồi rất tích cực, nhưng đúng là “trên thông mà dưới vẫn tắc”.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi rất muốn nâng cao chế độ cho VĐV nhưng ngặt nỗi ngân sách chi cho thể thao Bắc Kạn mỗi năm chỉ hơn hai tỷ đồng. Bắc Kạn là địa phương còn nhiều khó khăn, việc huy động nguồn xã hội hóa cho thể thao còn xa vời. Chúng tôi đang chỉ đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Bắc Kạn xây dựng đề án phát triển thể thao thành tích cao để trình UBND tỉnh trong năm 2022. Nếu đề án được thông qua, chúng tôi tin chế độ cho VĐV sẽ được cải thiện đáng kể”.

Không riêng gì Bắc Kạn, hiện còn nhiều địa phương vẫn chưa chi trả chế độ cho VĐV theo đúng quy định. Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TDTT cho biết: “Mỗi một quy định của Nhà nước, Chính phủ ban hành thì từ Trung ương đến địa phương đều phải nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số địa phương chưa thực hiện chi trả, chế độ cho VĐV theo đúng quy định. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi kịp thời, để Tổng cục TDTT có trách nhiệm lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho VĐV”.

BOX: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020” nêu rõ: “Đầu tư cho thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước. Tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể dục, thể thao và đào tạo VĐV thể thao thành tích cao; đồng thời phát huy các nguồn lực của xã hội để phát triển thể dục, thể thao...”. (còn nữa)

Phóng sự của ĐÌNH HÙNG - HỮU TRƯỞNG