Làm lại từ con số 0

Căn nhà của Trần Thị Hạnh (sinh năm 2003) tại xã An Ninh, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, cựu cầu thủ Câu lạc bộ (CLB) bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam vốn đã nhỏ nay lại thêm tiêu điều, lạnh lẽo. Hơn một năm qua, bố mẹ Hạnh đã phải làm đủ thứ nghề, chạy vạy khắp nơi để lo tiền thuốc chữa bệnh hiểm nghèo lupus ban đỏ cho con gái.

Dang dở sự nghiệp quần đùi áo số ở tuổi 18, “gia tài” của Trần Thị Hạnh giờ chỉ còn là những tấm huy chương, ký ức tươi đẹp cùng đồng đội và những ngày tháng “cháy” hết mình trên sân cỏ. Theo Trần Thị Hạnh, dù thi đấu cho đội 1 từ năm 2020 nhưng em vẫn hưởng chế độ VĐV đội tuyển trẻ của tỉnh (75.000 đồng/người/ngày). Giờ không có nghề nghiệp, Hạnh ở nhà lo cơm nước, phụ giúp bố mẹ.

Nhắc về chuyện bố mẹ phải làm quần quật để lo mỗi tháng từ 6 đến 7 triệu đồng tiền thuốc cho mình, mắt Hạnh đỏ hoe. Hạnh cho biết: “Khi nghỉ thi đấu, em được nhận thêm 4 tháng tiền lương từ CLB Phong Phú Hà Nam, ngoài ra không có gì. Khi thi đấu cho đội 1 Phong Phú Hà Nam em cũng không được đóng bảo hiểm xã hội”.

 Bữa cơm giản dị của gia đình cựu cầu thủ Trần Thị Hạnh. Ảnh: MINH HOA 

Đề cập về trường hợp của Trần Thị Hạnh với ông Phạm Hải Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Hà Nam, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Trung tâm đã giải quyết trường hợp của cháu Hạnh theo đúng quy định. Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), cầu thủ trên 23 tuổi mới được ký hợp đồng lao động theo từng năm. Hợp đồng của Hạnh với trung tâm là hợp đồng đào tạo nên chưa thể đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp theo luật được”.

Trong khi đó, Quy chế bóng đá ngoài chuyên nghiệp của VFF ban hành nêu rõ quy định: “Các câu lạc bộ/đội bóng không được ký hợp đồng đào tạo, hợp đồng tập nghề với cầu thủ từ đủ 21 tuổi trở lên”; nghĩa là đội bóng bắt buộc phải ký hợp đồng khi cầu thủ đủ 21 tuổi. Nhiều trường hợp cầu thủ dưới 21 tuổi, thậm chí dưới 18 tuổi vẫn được ký hợp đồng lao động, điều này do thỏa thuận giữa đội bóng và cầu thủ/gia đình cầu thủ.

Còn theo Luật Lao động, độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi. Đối chiếu những gì ông Phạm Hải Anh nói, chúng tôi thấy rõ có sự trái ngược. Tiếc rằng do không được hưởng những chế độ theo quy định, không được hướng nghiệp nên giờ đây, Trần Thị Hạnh phải làm lại từ con số 0.

Năm 2019, trong lần gặp mặt huấn luyện viên (HLV), VĐV xuất sắc của thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 30, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã yêu cầu: “Các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến thể thao Việt Nam, xã hội hóa các nguồn lực, đừng để VĐV sau khi giải nghệ phải đi bán bánh mì, làm móng chân móng tay...”. Câu nói của người đứng đầu Chính phủ khi ấy đã chạm đến trái tim của hàng nghìn VĐV. Trên thực tế, người hâm mộ đã nhiều lần đau xót khi chứng kiến những hảo thủ thể thao của nước nhà phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh sau khi giải nghệ. Nhà vô địch điền kinh SEA Games 22 Nguyễn Thị Nụ từng phải đi nhổ cỏ, chăm sân bóng, HLV bóng chuyền Vũ Thị Huệ đi quét rác hay thủ thành Kim Hồng từng đi bán bánh mì dạo...

Từ trải nghiệm cay đắng của mình, nhà vô địch điền kinh SEA Games Vũ Bích Hường cho rằng “cái dở” của mình, nhiều đồng đội và cả thế hệ VĐV đàn em bây giờ là quá mê đắm chuyên môn, không chuẩn bị cho tương lai của chính mình, với suy nghĩ đơn giản kiểu gì mình cũng sẽ được quan tâm chăm lo, kiểu gì cũng “có cửa” được làm HLV.

Sau nhiều năm gắn bó với thể thao, ông Nguyễn Văn Bằng, nguyên Trưởng bộ môn Điền kinh (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Nghệ An) đúc kết: “Trong 10 năm qua, điền kinh Nghệ An đã đào tạo và huấn luyện cho 150 VĐV. Tuy nhiên, chỉ có 1/10 số VĐV được tạo điều kiện học đại học. Chỉ có điều, đến giờ mới có đúng 7 người sau khi tốt nghiệp và giải nghệ được giữ làm HLV cả diện chính thức và hợp đồng do chỉ tiêu chỉ có vậy. Nhìn rộng ra, có tới 70% số VĐV cấp tỉnh thuộc diện chính quy, có thâm niên tập luyện thi đấu và thành tích nhưng khi giải nghệ lập tức rơi vào cảnh trắng tay, coi như phải tự “vào đời” từ đầu. Chỉ có 10-15% số tuyển thủ quốc gia trụ lại làm HLV sau giải nghệ”.

Tự thân vận động

Năm 2015, điền kinh Việt Nam từng trải qua một “cú sốc” khi nhà vô địch hai kỳ SEA Games liên tiếp (2013 và 2015) cự ly 800m và 1.500m Đỗ Thị Thảo tuyên bố giải nghệ ở tuổi 24. Ở độ tuổi đẹp nhất của môn điền kinh, Thảo bị cho là ích kỷ nghĩ cho bản thân mà không vì thể thao nước nhà.

Khi ấy, trong lần trò chuyện riêng với tác giả bài viết này, Đỗ Thị Thảo đã tâm sự những lo âu về tương lai sau khi giải nghệ. Thảo muốn tập trung cho việc học đại học, lập gia đình, sinh con và tìm kiếm một công việc mới. Giờ đây, Đỗ Thị Thảo cùng chồng-võ sĩ Trương Đình Hoàng đã có một gia đình hạnh phúc, thu nhập ổn định.

Trương Đình Hoàng mở một phòng tập boxing, còn Đỗ Thị Thảo chuyển hướng sang kinh doanh nước giải khát, phân phối cà phê tại TP Đà Nẵng. Nhìn lại quãng thời gian gắn bó với thể thao, Đỗ Thị Thảo tiếc nuối: “Khi ấy, mỗi lúc nghĩ về tương lai của bản thân, em thấy trống rỗng. Em rất yêu thể thao nhưng cũng phải hướng tới tương lai, nghĩ về gia đình nữa. Khi theo thể thao, em không được đi học chính quy như các bạn cùng trang lứa, cũng không được lãnh đạo định hướng nghề nghiệp”.

Cựu vận động viên Đỗ Thị Thảo hiện có thu nhập ổn định sau khi chuyển hướng sang kinh doanh. Ảnh: MINH HOA. 

Từng có một giai đoạn, nhiều VĐV quan niệm học đại học là con đường duy nhất để gắn bó lâu dài với thể thao. Tuy nhiên, biên chế tại các đơn vị thể thao công lập không tăng, thậm chí có xu hướng giảm trong những năm qua nên nhiều VĐV dù có chuyên môn tốt, sở hữu tấm bằng đẹp cũng rất khó kiếm việc.

Một số khác làm PT (HLV cá nhân) tại các phòng tập tư nhân, song dịch Covid-19 khiến tất cả đều thất nghiệp. Thời gian gần đây, thể thao Việt Nam không chỉ chứng kiến tài năng của nhiều VĐV trong các giải đấu lớn, mà còn thấy được sự năng động của họ bằng cách tự kinh doanh.

Nhà vô địch SEA Games 30 ở môn điền kinh Nguyễn Thị Oanh đã chủ động kinh doanh giày và thời trang thể thao trên mạng xã hội để có thêm thu nhập. Trong khi đó, kiếm thủ số 1 Việt Nam Vũ Thành An nổi tiếng với công ty kinh doanh máy pha cà phê tự động mang đến thu nhập ổn định. Thế nhưng trong làng thể thao Việt Nam hiện nay, có mấy ai được như Nguyễn Thị Oanh, Vũ Thành An, Quang Hải, Anh Đức, Công Phượng (bóng đá), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Lê Quang Liêm (cờ vua)...?

Khi theo nghiệp thể thao, VĐV thường rất khó khăn trong việc học văn hóa, do phải thi đấu, tập luyện với thời gian không ổn định. Vì vậy, sau khi giải nghệ, VĐV thiếu các kỹ năng, kiến thức làm việc... nên gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới phù hợp.

Trên thực tế, thời gian qua Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) đã chủ động phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tập đoàn Alphanam Group về việc hỗ trợ việc làm cho VĐV xuất sắc sau khi giải nghệ; hợp tác với Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội về “Chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao” để hướng tới mục tiêu cao nhất xây dựng nguồn nhân lực cho ngành toàn diện về mọi mặt, tự tin hòa nhập với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, như lời ông Trần Đình Tiền, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia: “Nhu cầu việc làm của VĐV sau khi giải nghệ là rất lớn. Những hợp tác với đối tác trên của Tổng cục TDTT chỉ phần nào giải quyết được bề nổi, chưa có một chiến lược cụ thể về việc định hướng, giải quyết công ăn việc làm cho VĐV. Tôi cho rằng, VĐV cần có một chính sách đặc thù, được định hướng tương lai từ khi mới bước chân theo sự nghiệp thể thao”.

Trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: “VĐV có những tố chất, bản lĩnh, lại được khổ luyện nhiều năm, do đó họ có thể làm việc trong môi trường kỷ luật và sẵn sàng chịu nhiều áp lực. Nếu được định hướng tương lai tốt, nhiều VĐV sau này có thể trở thành những người thành đạt. Tôi biết hiện nay có nhiều VĐV khá nhanh nhạy với thời cuộc. Tất nhiên để giải quyết được vấn đề đầu ra, việc làm cho VĐV, chúng ta cần sự chung tay của toàn xã hội”.

“Đa số các VĐV đều chung nỗi lo sẽ làm gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Sau khi giải nghệ, chỉ có số ít VĐV được chuyển sang làm công tác huấn luyện hoặc các công việc khác liên quan đến thể thao. Chính vì nỗi lo tương lai “hậu” thi đấu, nhiều VĐV đành từ bỏ đam mê thể thao”, bà Dương Thị Liên, Trưởng bộ môn cầu lông, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội chia sẻ.

Phóng sự của ĐÌNH HÙNG - HỮU TRƯỞNG

(còn nữa)