Việc tập luyện, thi đấu tốn sức lực khiến nhiều VĐV đến lớp với tinh thần uể oải, chán học, mang suy nghĩ học văn hóa chỉ để lên lớp, phổ cập kiến thức.

Phận học nhờ...

Đến Trường Trung học cơ sở (THCS) Dương Quang (xã Dương Quang, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) khi đã gần trưa, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những bức họa đẹp trên tường lớp về tình thầy trò, biển, đảo quê hương do chính học sinh nhà trường vẽ. Trường THCS Dương Quang hiện là nơi dạy học cho 145 học sinh, trong đó có 20 em là VĐV của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Bắc Kạn.

Là người trực tiếp dạy văn hóa cho các VĐV, thầy Nông Hồng Phú, giáo viên chủ nhiệm lớp 7 cho hay: “Phần lớn các VĐV đều là người vùng cao, từ nhỏ sống xa gia đình nên thiếu sự quan tâm của bố mẹ. Trong quá trình dạy học, chúng tôi luôn theo sát, động viên các em và có sự phối hợp với các huấn luyện viên (HLV) tại trung tâm. Đối với các VĐV học kém, thầy, cô sẽ có kế hoạch bổ trợ kiến thức để giúp các em theo kịp chương trình. Tuy nhiên, hầu hết học sinh là VĐV đều có sức học trung bình và kém, khó có thể đòi hỏi các em học tập tốt như các bạn khác”.

Nhóm vận động viên Nam Định học lớp 8A3, Trường THCS Lộc Vượng (Nam Định). Ảnh: MINH HOA 

Đúng như lời thầy Nông Hồng Phú, số liệu mà cô Mạc Thị Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Dương Quang cung cấp, thì kể từ năm 2014 đến nay, nhà trường đã dạy học cho 60 học sinh là VĐV; trong đó chỉ có một em đạt danh hiệu học sinh khá, số còn lại là học lực trung bình và yếu.

Cô Mạc Thị Giang cho biết: “VĐV là đối tượng đặc thù, sau khi học văn hóa tại trường, các em được tạo điều kiện không phải tham gia những buổi dọn vệ sinh trường học. Những lúc như thế, chúng tôi phải giải thích với học sinh và chính các phụ huynh khác về tính đặc thù của VĐV. Hơn nữa, Trường THCS Dương Quang là trường học thuộc sự quản lý của UBND xã Dương Quang, cơ sở vật chất do người dân trong xã đóng góp, nhà trường phải giải thích về việc nhận dạy học các VĐV”.

Cũng như Trường THCS Dương Quang, Trường THCS Lộc Vượng (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) hiện là nơi dạy học cho 73 VĐV thể thao của tỉnh nhà trên tổng số 400 học sinh toàn trường. Số lượng học sinh là VĐV đông khiến quá trình dạy học của nhà trường liên tục phải điều chỉnh do nhiều em bận tập luyện và thi đấu.

Với đặc thù không có nhiều thời gian học văn hóa như các bạn khác nên không ít VĐV đến lớp uể oải, thậm chí ngủ gật trong giờ. Nhưng vì VĐV là đối tượng đặc thù nên không thể bắt các em phải nhận thức, học tốt như các bạn bình thường. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, cô Trần Thị Thu Hải, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Quan điểm của nhà trường là tạo điều kiện trong quá trình các VĐV học văn hóa. Khi các VĐV không tham gia học trực tiếp trên lớp, chúng tôi sẽ hướng dẫn các em học theo hình thức trực tuyến. Để quản lý tốt VĐV, thầy cô trong nhà trường tạo nhóm trên Zalo, Facebook để kết nối với các HLV, thường xuyên cập nhật học lực, quá trình học tập của VĐV”.

Bắt đầu nhận dạy văn hóa cho VĐV từ năm 2014, đến nay, Trường THCS Lộc Vượng chỉ ghi nhận 5 VĐV đạt danh hiệu học sinh khá, số còn lại là học lực trung bình và yếu. Năm học 2020-2021, toàn trường có 34 học sinh phải thi lại, trong đó có 20 VĐV. “Chúng tôi thừa nhận việc xét tuyển VĐV lên lớp có phần ưu ái hơn so với các bạn khác.

Các VĐV đã dành phần lớn thời gian tập luyện thể thao, rất khó để đòi hỏi các em có thể chuyên tâm vào việc học văn hóa. Bản thân các em cũng cảm thấy mệt mỏi, nhiều em không theo kịp chương trình học tập. Đáng nói, một số em đi học với tư duy mong lên lớp, phổ cập kiến thức. Tôi cho rằng, các VĐV cần phải được dạy học văn hóa trong một ngôi trường riêng biệt dành cho đối tượng thể thao. Ở đó, các em sẽ được cắt giảm những môn học, những hoạt động không cần thiết”, cô Hiệu trưởng Trần Thị Thu Hải chia sẻ.

Trò chuyện với một số VĐV, chúng tôi hiểu được những vất vả khi vừa phải duy trì tập luyện thể thao, vừa học tập văn hóa như các bạn cùng trang lứa khác. Em Nguyễn Thị Vân Anh, học sinh lớp 8A3, Trường THCS Lộc Vượng, VĐV đội tuyển trẻ môn vật (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Nam Định), tâm tư: “Thú thực, nhiều lần đến lớp, em luôn trong tình trạng thiếu ngủ. Buổi sáng học văn hóa, buổi chiều tập thể thao khiến em khá mệt mỏi. Bản thân em xếp loại học lực trung bình, mong không phải ở lại lớp”.

Cần quy trình đào tạo - dạy học - ăn ở khép kín

Trong nhiều năm, Hà Nội là “ngọn cờ đầu” của thể thao nước nhà cả về thành tích thi đấu trong nước và quốc tế, cùng cơ sở vật chất tập luyện được đầu tư khang trang. Tính đến thời điểm hiện tại, thể thao Hà Nội vẫn là đơn vị duy nhất trên cả nước có hệ thống trường học đặc thù dành riêng cho VĐV, được trang bị đồng bộ, hiện đang dạy học cho gần 1.500 VĐV từ lớp 1 đến lớp 12. Theo đó, VĐV của Hà Nội sẽ tập luyện, ăn ở tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội và chỉ cách đó vài trăm mét là Trường Phổ thông năng khiếu TDTT. Điều này vừa giúp VĐV không phải tham gia giao thông, vừa giúp HLV, thầy, cô giáo dễ dàng theo dõi, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các em.

4 nam vận động viên Bắc Kạn ngồi bàn đầu, trong tiết học âm nhạc tại lớp 9, Trường THCS Dương Quang (Bắc Kạn). Ảnh: MINH HOA 

Lâu nay, Trường Phổ thông năng khiếu TDTT Hà Nội vẫn được xem là ngôi trường đa cấp. Theo đó, cấp tiểu học, THCS của nhà trường thuộc sự quản lý của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình; cấp Trung học phổ thông (THPT) thuộc sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Trong khi đó, đơn vị quản lý nhà nước của Trường Phổ thông năng khiếu TDTT Hà Nội là Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội.

Mặc dù có nhiều đơn vị quản lý, song theo ông Nguyễn Phúc Anh, Hiệu trưởng nhà trường, quá trình dạy và học của nhà trường diễn ra thuận lợi. Năm học 2020-2021, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của nhà trường đạt 96,36% (năm học 2019-2020 đạt 92,5%); 100% học sinh các khối đủ điều kiện lên lớp. “Học sinh Trường Phổ thông năng khiếu TDTT Hà Nội duy trì học chính khóa 1 tuần 5 buổi và không có học thêm. Trong quá trình dạy học, các thầy cô đã chủ động khắc phục nhiều khó khăn. Chúng tôi luôn sẵn sàng hai phương án dạy học trực tuyến và dạy học trên lớp khi có chỉ đạo”, ông Nguyễn Phúc Anh cho biết thêm.

Hiện nay, trên cả nước, số trường dạy học văn hóa dành riêng cho lực lượng VĐV chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quy trình đào tạo-dạy học-ăn ở khép kín của ngành thể thao Hà Nội là mô hình lý tưởng giúp các VĐV có thể vừa tập luyện thể thao, vừa hoàn thành học tập văn hóa.

Tuy nhiên, mô hình này không phải đơn vị nào cũng có thể theo học được vì nó cần một nguồn lực đầu tư rất lớn. Ngay tại TP Đà Nẵng, đơn vị đang đào tạo và huấn luyện cho hơn 700 VĐV, thì có hơn 300 VĐV hiện nay vẫn đang phải đi học nhờ tại các trường học trên địa bàn. Ông Nguyễn Đông Hải, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo vận động viên TDTT TP Đà Nẵng cho biết: “Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc dạy văn hóa cho các VĐV.

Mặc dù các em VĐV rất được ưu tiên nhưng là vì phận học nhờ nên không thể tránh khỏi những vấn đề phát sinh. Chúng tôi mong muốn có một ngôi trường năng khiếu chuyên dạy văn hóa cho VĐV, nhưng ngặt nỗi cũng chưa biết đề xuất như thế nào”.

Với ngành thể thao TP Hồ Chí Minh, hiện đang đào tạo và huấn luyện cho hơn 2.300 VĐV của 45 môn và phân môn. Đối tượng VĐV đang trong độ tuổi học văn hóa đông, song đến nay, TP Hồ Chí Minh mới chỉ có một Trường THPT Năng khiếu TDTT TP Hồ Chí Minh đang dạy văn hóa cho gần 300 VĐV THPT, số còn lại là học sinh cấp tiểu học, THCS vẫn phải đi học nhờ tại một số trường học trên địa bàn.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Nam Nhân, Trưởng Phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện tại, các cơ sở huấn luyện và đào tạo của thể thao TP Hồ Chí Minh vẫn nằm rải rác ở 9 đơn vị. Trong tương lai, nếu Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT của thành phố được xây mới thì ngoài cơ sở vật chất tập luyện, sẽ có hệ thống dạy và học văn hóa cho VĐV đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12”.

 “Chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nhiều VĐV hiện nay đang bị hổng về kiến thức văn hóa, chính trị. Đó là sự đánh đổi mà bất cứ VĐV nào khi theo thể thao cũng nhìn ra. Tôi cho rằng, ngành thể thao cần phải tạo điều kiện nhiều hơn nữa về việc tăng chế độ, định hướng nghề nghiệp, phối hợp với các đơn vị tạo công ăn việc làm cho VĐV sau khi các em giải nghệ. VĐV có sự lanh lợi, được đi nhiều nơi, giao tiếp với nhiều người sẽ phù hợp với nhiều công việc ở thị trường lao động hiện nay”, ông Bùi Xuân Hà, HLV trưởng đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia trải lòng.

(còn nữa)

Phóng sự của ĐÌNH HÙNG - HỮU TRƯỞNG