Không thể dàn trải, cào bằng

 Trong quá trình tìm hiểu thực tế tại các đơn vị thể thao cấp tỉnh, thành phố, ngành, chúng tôi thấy rằng nhiều VĐV vẫn chưa được hưởng chế độ tương xứng với mồ hôi, nước mắt mà mình bỏ ra trên sân tập, sàn thi đấu. Khảo sát ngẫu nhiên 300 VĐV trên toàn quốc, chúng tôi nhận được kết quả: 44,7% VĐV chưa được đóng bảo hiểm xã hội; 45,4% VĐV cho rằng mức thu nhập hiện nay chưa đủ để lo cho cuộc sống; 50% VĐV chưa hài lòng với chế độ hiện nay và có 34,5% VĐV chưa có dự định gì sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu.

Thực tế nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các thế hệ VĐV thể thao thành tích cao. Nhiều nghị quyết, nghị định, quyết định ra đời đã làm thay đổi bộ mặt của thể thao Việt Nam, giúp đời sống VĐV không ngừng được nâng cao. Theo PGS, TS Lương Kim Chung (nguyên cán bộ Viện Khoa học Thể dục thể thao), trước năm 1980, thể thao Việt Nam ít được quan tâm, hay nói đúng hơn là không biết nên quan tâm như thế nào. Từ khi thể thao Việt Nam dự Olympic Moscow năm 1980, VĐV mới được hưởng thụ nhiều chế độ về thu nhập, dinh dưỡng, điều trị và phục hồi chấn thương... PGS, TS Lương Kim Chung cho rằng: “Bây giờ, thể thao Việt Nam bước vào con đường chuyên nghiệp, chúng ta phải quan tâm, chăm lo hơn nữa cho VĐV. Chúng ta phải nhìn nhận thể thao là một nghề cực nhọc bởi trong quá trình tập luyện và thi đấu, VĐV đã phải đánh đổi cả mồ hôi, nước mắt, đôi khi là cả máu, thậm chí là mạng sống”.

Đấu kiếm là môn thể thao đòi hỏi sự đầu tư lớn về trang thiết bị tập luyện, thi đấu. Ảnh: MINH HOA 

Là người có kinh nghiệm lâu năm gắn bó với thể thao, HLV trưởng đội tuyển đấu kiếm quốc gia Phạm Anh Tuấn khẳng định: “VĐV không sợ khổ, không sợ khó bởi đã theo thể thao thì đều là những người đam mê, tâm huyết. Khổ cũng được nhưng phải ra thành quả, khó cũng chẳng sao nhưng phải ra thành tích.

Đó là danh dự của bất kỳ người làm thể thao nào. Tôi cho rằng, muốn VĐV “sống-chết” với nghề thì không thể đầu tư thể thao theo kiểu dàn trải, cào bằng được. Không thể VĐV nào cũng lĩnh lương như nhau. Không thể VĐV nào cũng được đầu tư tập luyện, tập huấn, trang bị giống nhau. Muốn ra trận với khả năng chiến thắng cao thì trên “thao trường” các em phải có đủ điều kiện để luyện tập về cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Tuổi thanh xuân của VĐV đã gắn trọn với thể thao. Đó là những năm tháng đẹp nhất, khỏe nhất, giàu khát khao nhất của đời người. Giải nghệ ở tuổi ngoài 30, VĐV sẽ làm gì để mưu sinh. Kể cả có theo con đường làm HLV thể thao thì mức đãi ngộ hiện nay có giúp họ đủ trang trải cuộc sống?”.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Xuân Hà, HLV trưởng đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia cho rằng: “Tôi may mắn được đi nhiều nơi, được chứng kiến nhiều mô hình làm thể thao của các nước mới thấy không nơi đâu chi trả chế độ cho VĐV như nước ta. VĐV có đẳng cấp số 1 hay số 10 cùng thuộc một tuyến đội tuyển thì đều hưởng tiền lương, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe... như nhau. Điều này tạo ra sự bất công trong thể thao, khiến nhiều VĐV mất động lực phấn đấu”.

Đủ sống mới theo được nghề

 Sau thất bại tại Olympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021), ngành thể thao Việt Nam đã nghiêm túc nhìn nhận lại những tồn tại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các kế hoạch, chính sách, chiến lược phát triển. Bởi vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) chủ trì soạn thảo xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, thể thao Việt Nam muốn phát triển thì trước hết phải giải quyết được bài toán về chế độ cho VĐV. Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 7-11-2018 của Chính phủ “Quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu” và Thông tư số 86/2020/TT-BTC ngày 26-10-2020 của Bộ Tài chính “Quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao, vận động viên thể thao thành tích cao” được xem là đã thay đổi diện mạo về bức tranh chế độ cho HLV, VĐV, song so với mặt bằng chung của xã hội thì người theo thể thao vẫn còn nhiều thiệt thòi.

Chiếu theo quy định hiện hành thì tiền lương của VĐV đội tuyển cấp tỉnh, thành phố, ngành là 4.680.000 đồng/người/tháng; tiền hỗ trợ cho VĐV đội tuyển trẻ là 1.950.000 đồng/người/tháng và VĐV đội tuyển năng khiếu là 1.430.000 đồng/người/tháng. Trong khi đó, tiền lương bình quân của công nhân trong năm 2020 ở nước ta ước đạt 7.540.000 đồng/người/tháng.

Chế độ cho VĐV đã thấp so với mặt bằng chung của xã hội, lại có chuyện nhiều đơn vị thể thao cấp tỉnh, thành phố, ngành vì nhiều lý do chủ quan, khách quan vẫn chưa thực hiện đúng Nghị định 152 của Chính phủ và Thông tư 86 của Bộ Tài chính.

Đề cập tới chế độ cho VĐV, ông Đới Đăng Hỷ, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội chia sẻ: “So với các ngành nghề khác trong xã hội, thể thao vẫn chưa được coi trọng. Trong suy nghĩ của nhiều người, thể thao vẫn chưa phải là một nghề kiếm sống, không có tương lai. Muốn có thành tích, muốn VĐV “sống-chết” với nghề thì yếu tố tiên quyết là họ phải đủ sống bằng nghề.

Ví dụ, bạn đang là công nhân mà mức thu nhập hiện tại không đủ lo toan cuộc sống thì liệu bạn có sẵn sàng gắn bó lâu dài, hết mình cống hiến với công việc đó không? Thể thao cũng thế thôi, cũng phải đủ sống mới theo được nghề. Thể thao đặc thù ở chỗ, các VĐV gắn bó với nhau từ nhỏ nên rất nghĩa tình, không sợ khó, sợ khổ, chỉ sợ không được đối đãi công bằng”.

Nghe chia sẻ của ông Đới Đăng Hỷ, chúng tôi nhớ đến tâm sự của ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Nghệ An: “Mấy năm qua, chúng tôi tuyển chọn VĐV năng khiếu rất khó khăn. Bởi không ít VĐV vẫn không đủ sống, nhiều người không nhìn thấy tương lai khi theo nghiệp thể thao. Tuổi nghề của VĐV thường không dài. Đặc biệt, sau khi VĐV giải nghệ nhiều em phải bắt đầu lại từ đầu, trong khi cơ sở vật chất của nhiều trung tâm thể thao còn rất khó khăn nên sự hỗ trợ dường như không có”.

Để nâng cao chế độ cho VĐV, không thể chỉ trông vào ngân sách của Nhà nước mà cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, trong đó xã hội hóa thể thao là hướng đi bền vững và lâu dài. Trong những năm qua, nhiều VĐV đã có mức sống ổn, thậm chí là thu nhập tương đối cao nhờ có sự hỗ trợ của các nhà tài trợ. Cầu thủ bóng đá, bóng chuyền có mức lương lên tới hàng chục triệu đồng/tháng từ đơn vị chủ quản và thu nhập bên ngoài từ các hợp đồng quảng cáo, tài trợ. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, những bộ môn không được đông đảo người hâm mộ yêu thích thì thu nhập của VĐV còn thấp, chưa đủ lo cho cuộc sống.

Ông Nguyễn Đăng Hà, Trưởng phòng Quản lý huấn luyện và Công tác chính trị, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Đà Nẵng cho rằng: “Muốn làm tốt công tác xã hội hóa thì ngành thể thao cần phải có một lộ trình xây dựng, đưa hình ảnh thể thao thành tích cao gắn liền với cuộc sống của người dân. Hiện tại, do nhiều môn chưa đủ sức hút nên rất khó để kêu gọi tài trợ từ doanh nghiệp hay các nhà hảo tâm. Ngoài ra, chúng ta cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho thể thao, đặc biệt là những môn thể thao chưa được người hâm mộ biết đến nhiều”.

Thay cho lời kết, chúng tôi xin được trích lời phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác thể dục, thể thao và gặp mặt một số VĐV tiêu biểu tham dự Olympic Tokyo 2020, vào tháng 7-2021: “Để phát triển con người Việt Nam thì cần phải có sức khỏe, trí tuệ, thể lực, văn hóa nhằm tạo ra sức mạnh. Cùng với phát triển thể dục, thể thao toàn dân, nâng cao sức khỏe cộng đồng, chúng ta phải phát triển các môn thể thao thành tích cao, sánh vai các cường quốc năm châu, thi đấu, thể hiện phẩm chất, năng lực, sức khỏe của người Việt Nam”.

 “Cường độ vận động của VĐV là rất lớn nên ngoài ăn uống đủ dưỡng chất, các em cũng cần bổ sung thực phẩm chức năng để bồi bổ sức khỏe. Hiện nay, lượng thực phẩm chức năng mà ngành thể thao trang bị vẫn chưa đủ cho VĐV trong một năm. Tôi mong chế độ tiền lương, tiền ăn, chế độ dinh dưỡng đặc thù của VĐV được tăng thêm để các em yên tâm cống hiến hết mình vì thể thao”, ông Nguyễn Tuấn Học, HLV trưởng đội tuyển Kurash Việt Nam cho biết.

 

Phóng sự của ĐÌNH HÙNG - HỮU TRƯỞNG