Điều khoản mới trong Hiến pháp nêu rõ, để tăng cường khả năng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và năng lực quốc phòng của Đức, Chính phủ liên bang có thể thành lập một quỹ đặc biệt cho quân đội nước này, với việc được cấp tín dụng một lần lên tới 100 tỷ euro. Theo AP, quỹ đặc biệt trên nằm ngoài ngân sách thông thường của Đức nhằm mục đích cho phép quân đội liên bang nâng cấp thiết bị nhanh chóng, giúp vạch ra lộ trình để Berlin đóng một vai trò nổi bật hơn trong liên minh quân sự NATO và các nhiệm vụ quân sự của Liên minh châu Âu (EU).

Phần lớn số tiền trong quỹ mới sẽ được chi để mua sắm phương tiện, trang thiết bị cho Không quân Đức, trong đó có việc mua các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ, trực thăng vận tải Chinook và máy bay không người lái Heron của Israel.

Sau Không quân, Lục quân và Hải quân Đức cũng sẽ được đầu tư lần lượt 16,6 tỷ euro và 8,8 tỷ euro để mua thêm trang bị và đầu tư phát triển vũ khí mới, trong đó đáng chú ý nhất là kế hoạch sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới do Đức-Pháp đang nghiên cứu triển khai. Ngoài các khoản đầu tư vào trang bị vũ khí mới, khoảng 20 tỷ euro cũng sẽ được dành cho việc đầu tư số hóa hệ thống liên lạc, tác chiến.  

leftcenterrightdel
Pháo phòng không tự hành Gepard của Đức trong một cuộc tập trận ở thị trấn Bergen, miền Bắc nước Đức. Ảnh: Reuters 

Kế hoạch hiện đại hóa quân đội liên bang với 100 tỷ euro, được Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố chỉ 3 ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đây được xem là bước ngoặt đánh dấu một sự thay đổi chính sách lớn đối với Berlin sau nhiều thập kỷ "e dè" về mặt quân sự xuất phát từ lịch sử nước Đức trong thế kỷ 20.

Số tiền 100 tỷ euro sẽ được sử dụng trong vài năm để tăng ngân sách quốc phòng thường xuyên của Đức lên khoảng 50 tỷ euro và giúp nước này sớm đạt được mục tiêu của NATO là dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng mỗi năm-một mục tiêu mà quốc gia đầu tàu châu Âu đã nhiều năm bỏ lỡ.

Theo Thủ tướng Scholz, với kế hoạch mới, Đức sẽ sớm có quân đội thông thường lớn nhất ở châu Âu trong khuôn khổ NATO, giúp củng cố đáng kể cho an ninh của Đức và các đồng minh.

Về phần mình, Nga cho rằng động thái mới của Đức sẽ dẫn đến tái vũ trang và làm gia tăng rủi ro cho an ninh châu Âu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 3-6 đã lên tiếng chỉ trích việc Berlin phê chuẩn quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro cho quân đội liên bang, đồng thời cho biết sẽ theo dõi sát sao việc tăng chi tiêu quân sự của Đức.

Trong khi đó, Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Lars Klingbeil đã bác bỏ cảnh báo về việc quân sự hóa chính sách đối ngoại của Đức liên quan đến việc chi thêm hàng tỷ USD cho quân đội liên bang. Ông cho rằng chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành ở Ukraine đã gây lo ngại cho nhiều quốc gia, trong đó có Đức, buộc Berlin phải có hành động đề phòng và đó là lý do tại sao 100 tỷ euro sẽ được nước này dành để hiện đại hóa quân đội. Đây cũng là cam kết rõ ràng với người dân rằng chính phủ sẽ bảo đảm để đất nước có thể được bảo vệ bất cứ lúc nào.

HÙNG HÀ