Trước thềm cuộc bầu cử, ngày 6-4, Tổng thống sắp mãn nhiệm Emmanuel Macron và ứng cử viên cánh hữu Marine Le Pen đã xuất hiện trong Chương trình “Mười phút để thuyết phục” trên kênh truyền hình TF1, trong đó cả hai nhấn mạnh các biện pháp nhằm tăng sức mua trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp.

Khi được hỏi “biện pháp đầu tiên là gì nếu ông/bà đắc cử Tổng thống vào ngày 24-4”, cả ông Macron và bà Marine Le Pen đều đề cập đến việc duy trì sức mua bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraine cũng như giá năng lượng và lạm phát tăng. Tổng thống Macron tuyên bố, nếu tái đắc cử, ông sẽ tập trung vào các biện pháp nhằm tăng sức mua, như duy trì mức giá trần đối với khí đốt và điện, trong khi các khoản trợ cấp lương hưu sẽ được bù đắp theo lạm phát kể từ mùa hè này.

leftcenterrightdel
Hai ứng cử viên Tổng thống Emmanuel Macron (bên trái) và Marine Le Pen tham gia Chương trình “Mười phút để thuyết phục”. Ảnh: AFP 

Kế hoạch cải cách trợ cấp lương hưu cũng được ứng viên Macron đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Le Figaro một ngày trước đó. Ông Macron nêu rõ, Quốc hội đã thảo luận về kế hoạch cải cách trợ cấp lương hưu của ông nhằm nâng độ tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi. Kế hoạch này dự kiến được triển khai vào mùa thu tới. 

Về phần mình, bà Le Pen khẳng định, nếu đắc cử Tổng thống, biện pháp đầu tiên bà sẽ thực hiện là giảm thuế từ 20% xuống 5,5% đối với tất cả mặt hàng năng lượng, đồng thời tạo ra “một rổ sản phẩm thiết yếu” với thuế 0%. Bà Le Pen cũng cam kết sẽ siết chặt quản lý các thị trường tài chính nhưng tái khẳng định tính nghiêm túc của chương trình kinh tế bà đề ra trong chiến dịch vận động tranh cử.

Trước đó, trong chiến dịch vận động tranh cử, bà Le Pen còn hứa hẹn hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế và tăng chi tiêu xã hội. Nguồn vốn để bảo đảm thực hiện những cam kết này sẽ chủ yếu có được nhờ đấu tranh giảm gian lận tài khóa và ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp vốn khiến đất nước phải tiêu tốn nhiều chi phí hơn. Bà khẳng định không để đất nước phụ thuộc vào các nguồn tài chính nước ngoài trong tương lai. Bà Le Pen nêu rõ, khác với chủ trương của ông Macron, các chính sách kinh tế mà bà muốn triển khai không nhằm mục đích bảo vệ các thị trường tài chính, đồng thời khẳng định các thị trường hay các nguồn tài chính nước ngoài không tạo ra việc làm. 

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, chiến dịch tranh cử của bà Le Pen đang được đẩy mạnh và có những hiệu quả nhất định trước thềm cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tuần này. Dù đương kim Tổng thống Macron vẫn đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò nhưng bà Le Pen cũng dần thu hẹp khoảng cách.

Cuộc thăm dò dư luận do Baromètre OpinionWay-Kéa Partners thực hiện từ ngày 4 đến 7-4 dự đoán, ở vòng một cuộc bầu cử, ông Macron sẽ nhận được 26% số phiếu ủng hộ, trong khi đó bà Le Pen là 22%, các ứng cử viên khác như Mélenchon (17%), Pécresse (9%), Zemmour (9%)... Với kết quả dự đoán trên, ông Macron và bà Le Pen sẽ dắt tay nhau vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào ngày 24-4. Cũng theo kết quả thăm dò của Baromètre OpinionWay-Kéa Partners, ông Macron sẽ giành được 53% số phiếu ủng hộ ở vòng hai và tái cử Tổng thống nhiệm kỳ hai.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, ẩn số lớn nhất của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay chính là tỷ lệ cử tri đi bầu thấp. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp có thể có tác động lớn đến kết quả cuộc bầu cử.

Các chuyên gia lưu ý rằng, hiện đang có một tỷ lệ khá lớn những người vẫn chưa biết họ sẽ bỏ phiếu cho ai hoặc liệu họ có đi bỏ phiếu hay không. Theo Le Monde, tỷ lệ cử tri đi bầu đã giảm từ 84% năm 2007 xuống còn khoảng 78% năm 2017 và các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay có thể còn cao hơn so với 5 năm trước. Đặc biệt, những người trẻ tuổi và tầng lớp lao động dường như ít quan tâm tới việc bỏ phiếu hơn so với những người đã nghỉ hưu và những cử tri thuộc tầng lớp thượng lưu.

PHƯƠNG VŨ