Một trong những việc mà các ứng cử viên tổng thống phải làm trước khi bước vào đường đua cuối là phải minh bạch về tài sản cũng như các khoản thu-chi cho chiến dịch tranh cử.

Mọi ứng viên đều bình đẳng về tài chính

Chiến dịch vận động tranh cử là “một cỗ máy ngốn rất nhiều tiền bạc”, cho dù các ứng cử viên có sự hỗ trợ tài chính phần nào từ nhà nước. Theo Cơ quan Quản lý sự minh bạch và công khai đời sống của các quan chức, không phải các ứng cử viên thích nhận bao nhiêu tiền quyên góp cũng được, đặc biệt từ cá nhân và doanh nghiệp.

Họ cũng không thể “vung tay thoải mái” cho vận động tranh cử kể cả khi có nguồn tài chính dồi dào. Theo cơ quan trên, các ứng viên đều bình đẳng về tài chính cho chiến dịch tranh cử.

Để bảo đảm tính minh bạch, các khoản tiền quyên góp, tất cả các khoản thu và chi phải trung thực nhất có thể. Vì vậy, các ứng viên cần một tài khoản cho chiến dịch tranh cử và tài khoản này được ủy thác cho một cơ quan tài chính được chỉ định quản lý.

leftcenterrightdel
12 ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp vào ngày 10-4 tới. Ảnh: midilibre.fr 

Khi chiến dịch tranh cử kết thúc, tài khoản này sẽ được trình lên Ủy ban quốc gia đặc trách các tài khoản vận động tranh cử và chu cấp tài chính cho các chính trị gia. Ủy ban này sẽ kiểm tra xem ứng cử viên có vượt quá mức chi tiêu cho phép trong mỗi vòng bầu cử hay không.

Một phần chi phí cho chiến dịch tranh cử chính thức trên đài, truyền hình, áp phích quảng bá đều do nhà nước chi trả. Theo luật bầu cử, chỉ những ứng cử viên chính thức mới được nhà nước tài trợ. Tỷ lệ phần trăm phụ thuộc vào tỷ lệ phiếu bầu ứng cử viên thu được.

Nếu ứng cử viên chỉ được dưới 5% phiếu bầu, mức trần chi phí được nhà nước hoàn trả là 4,75%, một tỷ lệ rất thấp, tương đương tối đa khoảng 800.000 euro. Nếu số phiếu bầu cho ứng cử viên vượt quá 5%, tỷ lệ chi phí được nhà nước hoàn trả là 47,5%, tương đương 8 triệu euro.

Ngoài ra, một phần chi phí đến từ nguồn tài trợ tư nhân. Các khoản đóng góp tư nhân được quy định, giám sát rất chặt chẽ nhằm tránh nguy cơ xung đột lợi ích sau này. Hiện nay, mức tiền quyên tặng của một cá nhân chỉ được tối đa là 4.600 euro. Các ứng cử viên cũng có thể vay tiền từ các ngân hàng nhưng phải là ngân hàng thuộc Liên minh châu Âu (EU) hoặc Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), theo luật được sửa đổi từ năm 2017.

Mỗi ứng cử viên được phép chi tiêu tối đa 22 triệu euro. Nếu ứng cử viên chi tiêu quá hạn mức cho phép, họ sẽ phải nộp phạt cho ngân sách nhà nước khoản chênh lệch giữa mức trần cho phép và mức thực chi. Vụ việc sẽ được đưa ra thẩm phán, thậm chí ứng cử viên có thể bị xử lý hình sự, bị tuyên án phạt tài chính và thậm chí là án tù.

Giám sát chống gian lận

Hiện nay, các quy định tài chính đối với chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp ngày càng khắt khe, một mặt để bảo đảm tính minh bạch, mặt khác là để chống gian lận. Theo đó, trên tinh thần tự giác, các ứng cử viên phải làm “bản khai danh dự”, trong đó kê khai tài sản, các nguồn thu và hoạt động của mình.

Cũng theo luật bầu cử, các đơn vị công như nhà nước, chính quyền địa phương cũng như các đơn vị tư nhân, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp đều không thể tài trợ trực tiếp cho chiến dịch tranh cử của một ứng cử viên Tổng thống Pháp, chỉ có các đảng phái chính trị mới được phép tài trợ.

“Bản khai danh dự” không chịu sự kiểm tra, giám sát, xác minh của cơ quan chuyên trách nào. Tuy nhiên, mọi khoản thu-chi trong chiến dịch tranh cử sẽ được ủy ban quốc gia chuyên trách kiểm tra việc chi tiêu trong chiến dịch tranh cử xem xét tỉ mỉ. Ủy ban này gồm 9 thành viên, đều là các thẩm phán cấp cao, có nhiệm kỳ 5 năm.

Chủ tịch ủy ban do Tổng thống Pháp chỉ định, trong khi nhiệm kỳ của ủy ban có thể được thủ tướng gia hạn. Nếu có sự bất đồng với ủy ban, các ứng cử viên có thể phản hồi để Hội đồng hiến pháp quyết định.

BÌNH NGUYÊN