Đám cưới của người Trung Quốc có thể được chia thành ba giai đoạn: Lễ trước hôn nhân gọi là "đính hôn"; lễ cưới chính thức, tức là nghi thức "kết hôn", mang ý nghĩa sự chung sống của vợ chồng; lễ sau đám cưới là nghi thức "làm vợ", "làm chồng", "làm dâu", "làm rể", thể hiện vai trò của nam và nữ sau khi kết hôn.

Nghi lễ kết hôn truyền thống sẽ bao gồm Tam thư và Lục lễ: Trong đó Tam thư là chỉ “Sính thư”, “Lễ thư” và “Nghênh thân thư”. Đây là 3 lá thư nhà trai đưa sang nhà gái để chuẩn bị các nghi thức cho lễ cưới truyền thống. “Sính thư”: Nhà trai viết một tờ giấy nhờ người làm mai đưa sang nhà gái để cầu hôn và sang nhà gái để bàn hôn sự. “Lễ thư”: Họ nhà trai chọn ngày lành tháng tốt viết thư sang xin ngày sinh, tháng đẻ của cô gái rồi nhờ người làm mai đưa sang. “Nghênh thân thư” là lá thư họ nhà trai ghi ngày, giờ đón dâu cho nhà gái tham khảo.

 Kiệu hoa trong lễ cưới truyền thống của người Trung Quốc. Nguồn: news.cn

Lục lễ là chỉ “Lễ nạp thái”, “Lễ vấn danh”, “Lễ nạp cát”, “Lễ nạp chinh”, “Lễ thỉnh kỳ”, “Lễ thân nghinh”. Trong đó, “Lễ nạp thái” hay còn gọi là lễ làm mai. Tức là nhà trai sẽ mời bà mai đến nhà gái để đề nghị kết thông gia. Nếu như nhà gái đã đồng ý thì nhà trai sẽ tiến hành chuẩn bị lễ vật đến nhà gái để cầu hôn.

“Lễ vấn danh” tức là xem bát tự. Bà mai sẽ hỏi ngày tháng năm sinh và họ tên của cô dâu để xem ngày lành tháng tốt diễn ra đám cưới.

“Lễ nạp cát” là nghi lễ được diễn ra sau khi nhà trai đã chọn được ngày lành. Nhà trai sẽ nhờ người đến báo cho nhà gái về ngày lành tháng tốt sẽ diễn ra đám cưới.

“Lễ nạp chinh” là nghi lễ nhà trai đem lễ vật đến nhà gái trước khi kết hôn. Trong buổi lễ, nhà trai sẽ mời hai hoặc bốn họ hàng nữ (có đầy đủ phước lành) cùng bà mai để mang sính lễ, tiền lì xì và lễ vật đến nhà gái.

“Lễ thỉnh kỳ” nghĩa là “chọn ngày lành tháng tốt” để tiến hành hôn lễ.

“Lễ thân nghinh” là ngày chú rể đích thân đến nhà gái để cưới cô dâu.

Trước khi “xuất giá”, cô dâu còn phải thực hiện nghi lễ “Chải đầu”. Chải đầu trước ngày cưới được xem như là một bước ngoặt mới trong đời của người con gái. Sau khi hoàn thành nghi thức chải đầu xem như cô gái đó đã nhận được những chúc phúc của người thân. Người thực hiện nghi thức “Chải đầu” phải là người có con cháu đề huề và là người có phúc phần, khi đó, vừa chải đầu cho cô dâu, vừa nói những lời chúc phúc: "Một chải chải đến đuôi" - mang ý nghĩa có đầu có đuôi, thuận lợi mọi chuyện. "Hai chải răng long đầu bạc" - mang ý nghĩa cô dâu và chú rể sau khi kết hôn sẽ bên nhau cho đến khi già. "Ba chải con cháu đầy đàn" - mong muốn cô dâu và chú rể sẽ sớm có con cái...

Trong lễ cưới truyền thống của người Trung Quốc không thể thiếu kiệu hoa. Khi tổ chức lễ cưới, cô dâu phải ngồi trên kiệu hoa để được kiệu từ nhà bố mẹ đẻ đến nhà chồng. Thông thường kiệu hoa có 2 loại, loại do 4 người khiêng và loại do 8 người khiêng. Ngoài ra cũng có kiểu phân loại khác gọi là “kiệu long” và “kiệu phượng”. Ngoài phu kiệu ra còn có các đội tùy tùng khác như đội kèn trống, đội võng lọng, đội quạt... Một đội kiệu ít thì có hơn chục người, nhiều thì đến vài chục người, tất cả những người này đều rất khỏe mạnh, cường tráng.

Trong nghi thức cổ truyền, cô dâu phải đội khăn che mặt màu đỏ, dưới sự hỗ trợ của phù dâu, cô dâu cầm đầu một dải lụa đỏ để chú rể từ từ dắt lên kiệu hoa. Trên đường cô dâu đi kiệu hoa về nhà chồng, lắc kiệu hoa là nghi thức không thể thiếu và thu hút sự chú ý của mọi người. Các phu kiệu cùng nhau lắc phải nghiêng trái khiến kiệu hoa chao đảo, cô dâu ngồi bên trong cũng lắc theo, có lúc chú rể phải ngồi thay cô dâu hoặc cùng cô dâu chắp tay xin mọi người thôi không lắc nữa. Vào lúc này, mọi người lại vui cười hoan hỷ, trên thực tế là để tăng thêm niềm vui và bầu không khí náo nhiệt cho ngày lễ thành hôn.

Nghi lễ quan trọng nhất trong lễ cưới truyền thống kiểu Trung Quốc là bái đường thành thân. Nguồn: jiehun.com.cn 

Nghi lễ quan trọng nhất trong lễ cưới truyền thống kiểu Trung Quốc là bái đường thành thân. Cô dâu chú rể bước đến trước bàn thiên địa, trên bàn bày một cái đấu lớn bên trong chứa đầy lương thực, bốn bên của đấu có viết 4 chữ lớn là “kim ngọc mãn đấu”, đấu được dán lại bằng giấy đỏ, tại 4 góc bên trong đấu có một số đồng tiền xu, mục đích là để sau khi lễ bái xong thì cho những người đến dự móc lấy để cầu nguyện may mắn, cát tường. Trong đấu có cắm một cành cây bách, trên cành cây có treo tiền đồng, cành cây này được gọi là “cây lắc tiền”. Bên cạnh đấu có để một cái cân, một chiếc gương, vài xấp vải, một cây đèn hoặc nến. Chú rể ở bên phải, cô dâu ở bên trái đứng kề vai trước bàn thiên địa. Lúc này người tổ chức nói lớn: “Nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường, phu thê giao bái”. Theo cách nói dân gian thì đôi trai gái chỉ khi nào bái thiên địa xong thì mới chính thức được coi là vợ chồng, chính vì vậy mọi người rất coi trọng nghi lễ bái thiên địa. Trong dân gian còn lưu truyền một kiểu nghi thức rất thú vị là trong ngày cưới, nếu vì lý do gì đó mà chú rể không thể bái thiên địa được thì phải nhờ chị em của mình đem một con gà trống đến để thay thế.

Ngồi kiệu hoa xong, bái thiên địa xong thì đến nghi thức động phòng. Động phòng là cách gọi được duy trì đến tận ngày nay. Sau khi cô dâu, chú rể vào động phòng, theo tập quán, bạn bè cùng lứa với cô dâu, chú rể cũng tập trung tại nơi động phòng và nói những câu chuyện ý nhị về quan hệ nam nữ. Khi đó cho dù mọi người có nói quá lên một chút thì cô dâu chú rể cũng không nổi cáu mà tìm cách nói tránh đi, bởi vì mọi người đều biết việc làm đó chỉ để tăng thêm phần náo nhiệt cho ngày cưới.

Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của xã hội, văn hóa cưới hỏi của người Trung Quốc đã được lượt bỏ bớt một số nghi lễ rườm rà xưa cũ. Tuy nhiên, những lễ nghi truyền thống và phong tục quan trọng vẫn được giữ lại, tùy thuộc vào tình hình và phong tục từng vùng miền.

THANH HƯƠNG (Theo news.cn, Thường thức về văn hóa Trung Quốc)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.