Theo AFP, tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chính thức của Brazil và điện thoại bán ở quốc gia này chỉ cung cấp các ký tự Latin. Trong khi đó, cộng đồng người bản địa ở Brazil không phải ai cũng thông thạo tiếng Bồ Đào Nha. Do đó, nhiều người thường sử dụng tin nhắn âm thanh trên điện thoại thay vì gõ từng chữ. Điều này gây bất tiện không nhỏ khi người sử dụng điện thoại đang ở nơi đông người.

Với mục tiêu cung cấp một bàn phím kỹ thuật số phù hợp cho người dân bản địa sống ở những nơi xa xôi của vùng Amazon rộng lớn, hai thanh niên Juliano Portela, 17 tuổi và  Samuel Benzecry,18 tuổi đã cho ra mắt ứng dụng “Linklado”.

leftcenterrightdel

Cristina Quirino Mariano, đến từ cộng đồng bản địa Ticuna, viết tin nhắn trên điện thoại bằng ứng dụng Linklado. Ảnh: AFP 

Linklado là một thuật ngữ được kết hợp bởi từ “lin” gợi lên ngôn ngữ bản địa và “klado”-bắt nguồn từ tiếng Bồ Đào Nha “teclado” có nghĩa là “bàn phím”. Hai thanh niên trẻ Brazil có nền tảng tốt về mã hóa đã thiết kế ứng dụng chỉ trong 4 ngày, điều mà họ chưa từng nghĩ tới. Các thử nghiệm được thực hiện từ tháng 5-2022 và ứng dụng miễn phí chính thức ra mắt vào tháng 8 cùng năm.

Hiện nay, ứng dụng Linklado có thể hỗ trợ 40 ngôn ngữ bản địa của vùng Amazon. Cristina Quirino Mariano, 30 tuổi, đến từ cộng đồng Ticuna, nói: “Ứng dụng Linklado mang lại nhiều điều tốt đẹp cho tôi và người dân bản địa. Trước đây, chúng tôi không thể viết những gì chúng tôi muốn trên điện thoại”.

Ngoài hỗ trợ giao tiếp hằng ngày qua điện thoại, ứng dụng Linklado còn cho phép các dịch giả dịch sách và các văn bản khác từ tiếng Bồ Đào Nha sang ngôn ngữ bản địa, đồng thời lưu lại một số ngôn ngữ bản địa có nguy cơ biến mất như Buré-ngôn ngữ được người dân Witoto sử dụng. Theo một báo cáo được Liên hợp quốc công bố năm 2018, một nửa số ngôn ngữ sẽ biến mất vào năm 2100, trong đó phần lớn là ngôn ngữ bản địa.

LINH PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.