Trong vài thập kỷ qua, các gia đình nông thôn Trung Quốc coi việc đầu tư cho con học đại học và định cư ở thành phố là giải pháp tốt nhất cho tương lai lớp trẻ. Bên cạnh đó, khi các khu công nghiệp và đô thị mới mọc lên, người lao động nông thôn đổ xô đến tìm việc trong nhà máy và công trường, bỏ lại đồng ruộng. Sự phát triển sầm uất, tấp nập của đô thị, vì thế, vẽ nên những mảng màu tương phản với các vùng nông thôn ngày càng ảm đạm, xác xơ.

Theo nhà nghiên cứu Li Yuheng tại Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, sự suy giảm phát triển ở nông thôn trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa “đã trở thành một thách thức chung của thế giới”.

Từ năm 2017 đến 2021, chiến lược “tái thiết nông thôn” đã giúp Trung Quốc hoàn thành thắng lợi giai đoạn “chống đói nghèo” để bước vào giai đoạn “hồi sinh nông thôn”. Nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ và đầu tư của chính phủ vào công nghệ và cơ sở hạ tầng nông thôn, đến nay, làn sóng dịch chuyển dân cư ở Trung Quốc có xu hướng đảo ngược, khi ngày càng có nhiều “nông dân mới”-chủ yếu là thanh niên có học vấn cao, nhiều ý tưởng và kỹ năng mới-bắt đầu chuyển từ thành phố về nông thôn.

leftcenterrightdel

Wang Xiehong livestream bán nông sản giúp người dân địa phương tại làng Luanshishan, Long Nam, tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã 

Tốt nghiệp đại học, như nhiều thanh niên Trung Quốc khác, Wang Jinyue ngày đêm lao vào công việc và thăng tiến lên vị trí quản lý của một công ty internet ở đô thị phía Đông Thượng Hải. Năm 2017, quyết định từ bỏ công việc mơ ước với thu nhập cao để trở về lập nghiệp tại quê nhà của chàng trai 32 tuổi gây “sốc” cho người thân và bạn bè. Trở về thị trấn Tinglin thuộc quận ngoại thành Jinshan của Thượng Hải, Wang mang theo đội ngũ hơn 70 kỹ sư. Hiện anh là Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Shanghai Diantian. “Tôi làm nông từ nhỏ nên hiểu rõ sự vất vả của việc đồng áng”, Tân Hoa xã dẫn lời Wang. Muốn nông dân bớt vất vả, Wang và cộng sự miệt mài nghiên cứu, phát triển các máy móc, thiết bị nông nghiệp. Dựa trên các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống định vị vệ tinh, mạng 5G... nhóm chế tạo thành công robot canh tác. Chỉ cần đăng nhập vào tài khoản trên ứng dụng WeChat, một nông dân có thể điều khiển robot làm việc đồng áng với hiệu suất cao gấp nhiều sức người. Trung Quốc đang trong quá trình già hóa dân số, do đó, chuyển đổi kỹ thuật số trong nông nghiệp giúp bù đắp tình trạng thiết hụt nhân công. Robot canh tác chạy bằng năng lượng mới của nhóm Wang giúp giảm hơn 37% chi phí trồng trọt. Chi phí làm cỏ, bón phân đều giảm, giúp thu nhập của nông dân tăng lên. Trong 7 năm qua, nhóm của Wang đã phát triển hơn 60 loại robot canh tác trong các khâu: Cày, gieo hạt, phun thuốc, làm cỏ, thu hoạch...

Đầu tháng 2 vừa qua, Trung Quốc công bố tài liệu nhằm thúc đẩy toàn diện quá trình “hồi sinh nông thôn”, kêu gọi tăng cường vai trò của phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ trong nông nghiệp. Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, tỷ lệ đóng góp của khoa học-công nghệ vào nông nghiệp nước này đạt 62,4% vào năm 2022. Nhờ đó, năm 2023, Trung Quốc đạt sản lượng ngũ cốc trên 650 triệu tấn, đánh dấu mức tăng trong 9 năm liên tiếp.

Sau hai năm làm việc tại Bắc Kinh, Wang Xiehong thuyết phục 4 bạn đồng hương cùng trở về quê ở vùng Long Nam, tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc để thành lập công ty thương mại điện tử. Họ mở một số gian hàng trên Taobao, nền tảng mua sắm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc và trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok. Năm 2019, doanh thu công ty đạt 2,6 triệu nhân dân tệ (366.000USD), giúp hơn 400 hộ nông dân tăng thu nhập. Năm 2023, công ty xây một nhà máy chế biến giúp nâng cao giá trị nông sản, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.  

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đưa doanh số bán lẻ trực tuyến khu vực nông thôn Trung Quốc tăng lên 2,49 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2023; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 21.691 nhân dân tệ, tăng 7,6% so với năm trước.

“Nông thôn ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với giới trẻ”, Wang Yu Cheng, Bí thư Đảng ủy Yucun thuộc huyện Anji, tỉnh Chiết Giang cho biết và nhấn mạnh, chiến lược “hồi sinh nông thôn” góp phần tạo ra môi trường kinh doanh với nền tảng vững chắc, thu hút những người trẻ có cùng chí hướng khởi nghiệp và thúc đẩy phát triển nông thôn xanh.

Để giữ chân người trẻ, nhiều vùng nông thôn Trung Quốc nỗ lực xây dựng các dịch vụ công tiện lợi. Phòng khám sức khỏe, phòng tập thể dục và khiêu vũ, dịch vụ chăm sóc trẻ em và người già, thư viện, bảo tàng... mọc lên khắp nơi, tạo nên sức sống mới cho nông thôn Trung Quốc.  

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.