Theo RT, Chính phủ Phần Lan sẽ trình nghị viện nước này một bản đánh giá về khả năng gia nhập NATO vào giữa tháng 4-2022. Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Ngoại trưởng các nước thành viên NATO trong cuộc họp diễn ra tại Bỉ tuần này sẽ thảo luận về triển vọng gia nhập khối của hai nước Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan.
Cơ hội vào NATO đối với những quốc gia giàu tiềm lực như Phần Lan hay Thụy Điển được cho là khá dễ dàng. Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Phần Lan và Thụy Điển có những cơ hội thuận lợi để gia nhập liên minh "một cách tương đối nhanh chóng".
Theo ông, quyết định là ở hai nước. “Nếu họ xin gia nhập, tôi cho là điều đó sẽ được cả 30 thành viên liên minh hoan nghênh và chúng tôi sẽ tìm kiếm những cách thức nhằm thực hiện điều đó tương đối nhanh chóng để họ gia nhập liên minh nếu họ muốn", ông Stoltenberg nhấn mạnh.
 |
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde (từ trái qua) trong một cuộc họp báo chung ở trụ sở của NATO tại Brussels ngày 24-1. Ảnh: AFP |
Vậy điều gì khiến Phần Lan có ý tưởng gia nhập NATO trong khi nước này đã lựa chọn trung lập trong một thời gian dài? Lý do thúc đẩy Phần Lan cân nhắc trở thành thành viên NATO được cho là có liên quan tới cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, tỷ lệ ủng hộ kế hoạch gia nhập NATO tại Phần Lan lần đầu tiên chiếm đa số, lên tới 62% trong cuộc khảo sát thứ hai hồi giữa tháng 3.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến Phần Lan, quốc gia có biên giới tiếp giáp với Nga, tăng cường cuộc trao đổi về những lợi ích tiềm năng của việc gia nhập NATO. Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết, các nhà lãnh đạo Phần Lan đã thảo luận về vấn đề trên với phần lớn các thành viên NATO. Cá nhân ông cũng đã trao đổi "gần như hằng ngày" với nước láng giềng Thụy Điển về việc hai nước gia nhập NATO.
Trong một động thái đáng chú ý, trước đó, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin từng đưa ra nhận định gay gắt rằng chiến dịch của Nga ở Ukraine đã làm xói mòn lòng tin giữa Helsinki và Moscow một cách "không thể đảo ngược".
Nhìn nhận về khả năng gia nhập NATO của Phần Lan, giới phân tích cho rằng “vấn đề là khi nào chứ không phải liệu Phần Lan có gia nhập NATO hay không”. Tuy nhiên, theo Reuters, Ngoại trưởng Phần Lan Haavisto cho biết Phần Lan cần chuẩn bị cho việc đáp trả từ phía Nga và cũng cần “lắng nghe phản ứng của các nước NATO”.
Chính Thủ tướng Sanna Marin cũng thừa nhận cả việc gia nhập hay không gia nhập NATO đều là "những lựa chọn dẫn đến những hệ quả khác nhau". Ông cho biết quyết định sẽ được đưa ra "một cách cẩn thận nhưng nhanh chóng" vào mùa xuân này.
Liên quan tới phản ứng của Nga, trả lời phỏng vấn Sky News, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 7-4 cho biết nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ phải "tái cân bằng tình hình" bằng các biện pháp của riêng mình.
Nếu hai nước này gia nhập NATO, Nga sẽ củng cố sườn phía Tây để bảo đảm an ninh của chính mình. Theo Reuters, ông Peskov cũng khẳng định Nga sẽ không coi một động thái như vậy là mối đe dọa hiện hữu, điều có thể khiến Moscow sử dụng đến vũ khí hạt nhân.
Nếu Phần Lan gia nhập NATO, biên giới trên đất liền giữa lãnh thổ của NATO và Nga sẽ tăng hơn gấp đôi, từ hơn 1.200km hiện nay lên hơn 2.500km. Việc Phần Lan trở thành một thành viên của liên minh này cũng mở rộng sườn Bắc của NATO trải dọc toàn bộ chiều dài biên giới giáp với khu vực Murmansk có ý nghĩa chiến lược với Nga và Bán đảo Kola-nơi tập trung phần lớn Hải quân Nga.
Vì vậy, sự thay đổi bất ngờ của Phần Lan từ một nước trung lập cân nhắc gia nhập NATO được cho là sẽ tác động tới môi trường an ninh châu Âu và đây là sự thay đổi rất quan trọng. Ngoài ra, triển vọng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO cũng gây lo ngại có thể thổi bùng căng thẳng giữa Nga và NATO.
Trước đó, hồi tháng 3, hãng thông tấn Interfax dẫn lời quan chức ngoại giao Nga Sergei Belyayev cho rằng: "Rõ ràng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ gây ra những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng khiến chúng tôi phải xem xét lại toàn bộ mối quan hệ với những nước này và thực hiện các biện pháp đáp trả".
XUÂN PHONG