Theo TASS, ngày 5-4, Chính phủ Đan Mạch thông báo đã quyết định trục xuất 15 nhà ngoại giao Nga. Thông tin này được Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod công bố sau cuộc họp bất thường của Hội đồng chính sách đối ngoại. Bộ Ngoại giao Đan Mạch nêu rõ các nhà ngoại giao Nga phải rời khỏi nước này trong vòng 14 ngày tới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho biết Đại sứ Nga tại Rome Sergei Razov đã được Bộ Ngoại giao Italy thông báo về việc trục xuất 30 nhà ngoại giao Nga. Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cũng tuyên bố, nước này sẽ trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga.
 |
Đại sứ quán Nga tại Đan Mạch. Ảnh: RIA Novosti.
|
Phản ứng ngay lập tức, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng việc trục xuất hàng loạt các nhà ngoại giao Nga khỏi các nước châu Âu sẽ giáng một đòn mạnh vào quan hệ song phương. "Hậu quả của việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi các nước châu Âu sẽ được cảm nhận trong một thời gian dài", ông Grushko khẳng định. Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, Moscow sẽ đưa ra các biện pháp thích đáng để đáp trả. Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhận định, việc trục xuất các nhà ngoại giao để gây áp lực lên một quốc gia sẽ không dẫn tới điều gì.
Trước đó, theo RT, ngày 4-4, Bộ Ngoại giao Pháp thông báo, nước này sẽ trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga. Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh, hành động này nằm trong cách tiếp cận của châu Âu và hoạt động của các nhà ngoại giao Nga đi ngược lại với lợi ích an ninh của Pháp. Theo AFP, Paris sẽ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga. Cùng ngày, Đức tuyên bố 40 nhà ngoại giao Nga bị đưa vào danh sách những người “không được chào đón”. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà ngoại giao Nga sẽ bị trục xuất và họ sẽ có 5 ngày để rời khỏi Đức. Trong khi đó, Litva và Latvia cũng thông báo quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Nga, đồng thời yêu cầu các nhà ngoại giao Nga rời hai nước này.
Việc các nước châu Âu đồng loạt công bố quyết định trên xảy ra trong bối cảnh Kiev cáo buộc Moscow liên quan đến vụ việc dân thường bị sát hại ở thị trấn Bucha của Ukraine. Quyết định này làm nối dài danh sách nhân viên ngoại giao Nga ở châu Âu bị trục xuất. Trước đó, ngày 29-3, Bỉ, Ireland, Séc và Hà Lan đã trục xuất tổng cộng 43 nhân viên ngoại giao Nga với cáo buộc hoạt động gián điệp.
Sau khi Quân đội Nga rút khỏi Bucha, gần 300 thi thể dân thường đã được phát hiện ở khu vực này. Kiev đổ lỗi cho Quân đội Nga và các chính trị gia phương Tây đứng về phía Ukraine. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ cử một nhóm điều tra tới Ukraine để điều tra về vụ việc ở Bucha. Nhóm điều tra do EU cử đi sẽ không hoạt động độc lập mà sẽ hỗ trợ các nhà chức trách Ukraine thu thập bằng chứng.
Trước những cáo buộc của Ukraine, phía Nga liên tục bác bỏ. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matviyenko tin tưởng, thế giới chắc chắn sẽ tìm ra sự thật về vụ việc ở Bucha, bất chấp những nỗ lực của Ukraine và các nước phương Tây nhằm chuyển trách nhiệm sang Quân đội Nga. Bà Matviyenko nhấn mạnh, Quân đội Nga đã thực hiện rất chính xác mệnh lệnh của Tổng thống Vladimir Putin về việc phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, ngăn chặn thương vong dân sự. Về phần mình, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Vyacheslav Volodin tuyên bố, tình hình ở Bucha là một sự khiêu khích nhằm gây mất uy tín của Nga và biện minh cho các lệnh trừng phạt. Trước đó, tại cuộc gặp với với Phó tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gọi những cáo buộc của Kiev là một hành động khiêu khích chống Nga. Ông Lavrov cũng cho rằng, những cáo buộc từ phía Ukraine là “mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc tế". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đề nghị các nhà lãnh đạo quốc tế không nên vội vàng kết luận trước những cáo buộc mà hãy lắng nghe lập luận của Moscow.
Trong một diễn biến liên quan, Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vasily Nebenzya đã công bố cho các nhà báo một đoạn video chứng minh rằng vụ việc ở Bucha được dàn dựng. Ngày 30-3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rút các lực lượng khỏi một số khu vực, trong đó có Bucha. Trong video, ngày 31-3, Thị trưởng Bucha Anatoly Fedoruk không đề cập đến bất kỳ vụ sát hại nào. Ông Nebenzya cũng chiếu một đoạn video được quay vào ngày 2-4 ở Bucha, trong đó không ghi nhận bất cứ thi thể nào trên đường phố. Ông Nebenzya nhấn mạnh rằng đoạn video có hình ảnh các thi thể trên đường chỉ xuất hiện vào ngày 3-4. Ông Nebenzya nói: “Điều này chứa đầy những mâu thuẫn và dối trá”.
Liên quan tới việc phương Tây đề nghị loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Nebenzya nhấn mạnh, đây là điều không thể chấp nhận được. Ông Nebenzya cho rằng các nước phương Tây đang tìm cách loại Moscow khỏi tất cả các diễn đàn đa phương trên thế giới. Theo ông, việc làm này sẽ cản trở quá trình đàm phán giữa Nga và Ukraine nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.
LÂM ANH