Tờ Asia Times có trụ sở tại Hồng Công, Trung Quốc cho hay, Việt Nam đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến mới của dịch Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, các ổ dịch cơ bản được kiểm soát, các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm đã được xác định, khoanh vùng và cách ly phù hợp, có thể tiến tới khống chế dịch. Theo Asia Times, những kết quả đạt được của Việt Nam không phải là một thành tích dễ dàng, vì quốc gia với hơn 97 triệu dân này có mật độ dân số cao và thiếu những phương tiện, trang bị y tế hiện đại để đối phó với đại dịch. Bất chấp thực tế đó, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân đã góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống dịch (PCD) vừa duy trì và phát triển kinh tế-xã hội.

Một phân xưởng sản xuất của Tổng công ty May 10-CTCP (GARCO 10). Ảnh: Getty Images

Chia sẻ quan điểm trên, tạp chí The Economist của Anh đưa ra những đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Theo tạp chí này, do tác động của dịch Covid-19, rất ít nền kinh tế mới nổi có cơ hội tăng trưởng, phát triển. Trong bối cảnh đó, chỉ một số nền kinh tế mới nổi sẽ vẫn tăng trưởng, có thể là Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam. Bài viết nêu rõ, Việt Nam có vị trí thuận lợi để sớm thoát khỏi “bẫy kinh tế Covid-19” bởi hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, nhờ tạo đủ không gian tài khóa để thực hiện biện pháp kích thích tài khóa đầy tham vọng, Chính phủ Việt Nam có thể nâng cao cả tổng cầu trong ngắn hạn và tổng cung trong dài hạn bằng cách chi tiêu nhiều hơn và tốt hơn. Thứ hai, bằng cách đi đầu trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, Việt Nam đã gia tăng dấu ấn của mình đối với nền kinh tế thế giới, từ đó thu hút các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động và giảm thiểu rủi ro liên quan đến các cú sốc khác trong tương lai.

Bên cạnh đó, một bài viết trên tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang đẩy mạnh công tác PCD Covid-19 nhưng không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, từ cuối tháng 7-2020, Việt Nam phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ hai với tâm điểm là TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, phát huy bài học thành công từ công tác PCD lây lan trong cộng đồng trước đó, Việt Nam tiếp tục áp dụng các giải pháp ứng phó mạnh mẽ, thể hiện tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam vẫn bảo đảm các hoạt động của nền kinh tế với quyết tâm song hành triển khai mục tiêu PCD và phát triển kinh tế.

Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu quý II-2020 của Ngân hàng Standard Chartered (Anh) vừa dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2020 giữa bối cảnh nhu cầu của thị trường thế giới đang suy yếu. Về phần mình, Ngân hàng HSBC có những đánh giá cao về thị trường và triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Theo nhận định của ngân hàng này, Việt Nam là một trong những trường hợp có quá trình tăng trưởng dài hạn tốt nhất ở châu Á và là thị trường cận biên ưa thích nhất của HSBC với nhiều lý do, như: Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài có triển vọng, tỷ trọng trong thương mại toàn cầu tăng, khả năng ấn tượng trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, nỗ lực đầu tư và cải cách chính sách, tăng giới hạn sở hữu nước ngoài và cổ phiếu rẻ.

Trong cuốn sách “Năng suất toàn cầu: Xu hướng, động lực và chính sách”, Ngân hàng thế giới (WB) đã sử dụng một thuật toán để sắp xếp các nhóm quốc gia dựa trên năng suất của 97 nền kinh tế kể từ năm 2000. Theo đó, nhóm thứ 5 là nhóm thành công nhất, bao gồm tất cả các nền kinh tế phát triển cũng như 16 thị trường mới nổi hiện nay, chẳng hạn Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Tuy có một số lo ngại rằng dịch Covid-19 sẽ kìm hãm đầu tư và rút ngắn các chuỗi cung ứng, WB cho rằng những khủng hoảng như vậy có thể tạo động lực tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình phục hồi.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách và biện pháp kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời thu hút dòng dịch chuyển của vốn ngoại trong khu vực. Các hoạt động hợp tác quốc tế về kinh tế và thương mại hiện đang gặp nhiều khó khăn bởi các biện pháp PCD, có thể tái khởi động từ năm 2021 khi những quy định về hạn chế nhập cảnh được gỡ bỏ. Nhìn chung, các tờ báo, tổ chức tài chính quốc tế đều nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm tăng trưởng trở lại, qua đó dần khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu Covid-19.

VĂN HIẾU