Theo TWZ, căng thẳng giữa hai nhân vật quyền lực từng khiến Tổng thống Donald Trump ám chỉ khả năng hủy bỏ hợp đồng và chấm dứt trợ cấp chính phủ đối với các công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk. Đáp trả, vị tỷ phú tỏ ra “không hề kém cạnh” bằng cách đe dọa cắt giảm một số dự án quan trọng nhất của SpaceX với Chính phủ Mỹ, ví như ngừng vận hành tàu vũ trụ Dragon.
 |
Lính thủy đánh bộ Mỹ lắp đặt anten Starlink trên tàu căn cứ di động viễn chinh USS Lewis B. Puller. Ảnh: TWZ |
Dragon gồm một nhóm tàu vũ trụ thực hiện các sứ mệnh liên quan tới Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) và hiện là phương tiện tin cậy duy nhất giúp Washington đưa các phi hành gia lên ISS. Đây là một năng lực vô cùng quan trọng đối với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ với Nga-quốc gia đã cử các phi hành gia tới ISS-giảm sút nghiêm trọng kể từ khi bùng phát xung đột ở Ukraine. Trước đó, NASA hoàn toàn phụ thuộc vào Nga trong các sứ mệnh đưa phi hành gia lên ISS.
TWZ nhận định, nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump hủy bỏ các thỏa thuận với SpaceX, điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho an ninh quốc gia Mỹ, đặc biệt là bộ máy quân sự và tình báo Mỹ vốn phụ thuộc rất nhiều vào SpaceX trong các vụ phóng tàu vũ trụ và dịch vụ liên lạc không gian. Người ta cũng tin rằng SpaceX đang nghiên cứu các khả năng cảm biến độc đáo, bí mật trong không gian cho Chính phủ Mỹ và được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sáng kiến phòng thủ tên lửa Vòm Vàng của Tổng thống Donald Trump.
Trong lĩnh vực không gian, SpaceX hiện là nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh hàng đầu thế giới, thống trị thị trường không gian. Năm 2024, SpaceX đã thực hiện 134 vụ phóng vệ tinh bằng tên lửa Falcon 9 và Falcon Heavy, nhiều hơn tất cả các công ty khác trên thế giới cộng lại. Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), các vệ tinh do SpaceX phóng chiếm tới 84% tổng số vệ tinh được phóng lên quỹ đạo trong năm 2024.
Thị phần khổng lồ của SpaceX trên thị trường không gian toàn cầu được phản ánh trong các hợp đồng với quân đội Mỹ. Hồi tháng 4, Bộ chỉ huy Hệ thống không gian (SSC) của Lực lượng Không gian Mỹ thông báo đã ký với SpaceX một hợp đồng trị giá gần 6 tỷ USD để thực hiện 28 vụ phóng. Cùng thời điểm, United Launch Alliance-một công ty liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin với Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos-nhận được các hợp đồng trị giá lần lượt gần 5,4 tỷ USD (cho 19 vụ phóng) và 2,4 tỷ USD (cho 7 vụ phóng). Có thể thấy, với mức chi phí thấp hơn đáng kể cho mỗi vụ phóng, SpaceX đang chiếm ưu thế nổi trội trước các đối thủ cạnh tranh.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của SpaceX là phóng vệ tinh do thám cho Văn phòng Trinh sát Quốc gia (NRO), cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và có mối quan hệ mật thiết với Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Là cơ quan tình báo vệ tinh hàng đầu của Mỹ, hoạt động của NRO đóng vai trò then chốt đối với an ninh quốc gia và cực kỳ nhạy cảm. Từ đầu năm đến nay, SpaceX đã 5 lần phóng tên lửa Falcon 9 đưa vệ tinh do thám của NRO lên không gian.
Trong lĩnh vực internet vệ tinh, Starlink của SpaceX lâu nay đã khẳng định vị thế vượt trội, quân đội Mỹ là khách hàng lớn nhất của Starlink. Ngoài các thiết bị đầu cuối sử dụng trên mặt đất, Starlink và phiên bản Starshield còn được tích hợp trên máy bay và tàu chiến Mỹ, được sử dụng để truyền dữ liệu mục tiêu và hỗ trợ các hoạt động chiến thuật. Starlink/Starshield cung cấp kết nối toàn cầu băng thông rộng, ít phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng mặt đất so với các mạng lưới thông tin vệ tinh trước đây. Không hề vô căn cứ khi các quan chức Mỹ thường xuyên nhấn mạnh rằng cần phải coi trọng chiến trường không gian trong các cuộc xung đột trong tương lai. “Starlink/Starshield đã tạo nên một cuộc cách mạng trong kết nối toàn cầu, cho cả mục đích quân sự và phi quân sự. Công nghệ này ngày càng được sử dụng rộng rãi trong Chính phủ Mỹ cũng như trên toàn thế giới, trong các lĩnh vực hỗ trợ thực thi pháp luật và ứng phó với thảm họa”, TWZ khẳng định.
Hợp tác giữa SpaceX và NASA cũng sẽ được mở rộng thông qua kế hoạch sử dụng Starship để tái khởi động chương trình Artemis đưa con người quay trở lại mặt trăng năm 2027. Lần gần nhất các phi hành gia Mỹ thực hiện chuyến đi tới mặt trăng là trên tàu Apollo 17 vào năm 1972.
Trong số các công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk, SpaceX có nhiều hợp đồng béo bở nhất với Chính phủ Mỹ. Hồi tháng 2, Reuters cho hay, SpaceX đã nhận được ít nhất 22 tỷ USD từ các hợp đồng liên bang, trong đó khoảng 15 tỷ USD từ NASA.
HÀ PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.