Theo chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn, vợ chồng anh sinh được 3 con trai, cháu lớn năm nay chuẩn bị vào lớp 11, còn hai cháu nhỏ sinh đôi sắp lên lớp 4. Do bố mẹ chuyển công tác nên từ nay, cháu lớn sẽ đi học bằng xe buýt và ăn, nghỉ trưa tại trường; còn hai cháu nhỏ thì vợ chồng anh gửi về quê ở phường Tuy Hòa, tỉnh Đắk Lắk, nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc, đón đưa đến lớp. Mỗi ngày, vợ chồng anh đều dành thời gian gọi qua Zalo, Facebook trò chuyện, động viên, hướng dẫn các con làm bài tập 2-3 lần. Như thông hiểu nỗi vất vả của bố mẹ, các cháu đều chăm ngoan, tự giác và hiểu chuyện, tối nào trước khi đi ngủ cũng nhắn tin, điện thoại động viên, chúc bố mẹ công tác tốt. Buổi sáng ngủ dậy, các cháu phân công nhau phụ giúp ông bà quét nhà, rửa bát, tưới cây rồi mới tranh thủ học bài.
 |
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn tranh thủ ngày nghỉ hướng dẫn các con học bài. |
Tuy Văn phòng Tỉnh ủy và Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk mới ở khá gần nhau, song do cả hai cơ quan đều chưa bố trí được nhà công vụ, nhà ở xã hội cho các cặp vợ chồng từ Phú Yên cũ vừa chuyển đến nên sau khi chuyển công tác, anh Tuấn, chị Thảo vẫn phải ở hai nơi, ăn hai bếp, ngủ hai giường. Sau gần hai tuần nhận nhiệm vụ, làm quen công việc tại Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk, vừa qua, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn được cấp trên quan tâm phân công phụ trách mảng dân quân, tự vệ trên địa bàn các xã ven biển ở gần nhà để có thể tranh thủ kèm cặp, quán xuyến các con. Thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, diện tích các xã lớn hơn, tổ chức biên chế, quân số, vũ khí, trang bị có nhiều thay đổi nên ngày nào anh cũng phải chạy đua với thời gian, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. “Chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục mọi khó khăn trong giai đoạn này và làm việc thật tốt. Vợ chồng tôi dự tính, khi công việc dần ổn định sẽ tìm thuê một căn nhà nhỏ ở phường Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để cả nhà được đoàn tụ, sum vầy”, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn tâm sự.
Bài và ảnh: TRỌNG KHANG