Tờ The Times of Israel ngày 26-5 đưa tin, phát biểu với báo giới tại bang New Jersey, Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ đã đạt tiến triển trong đàm phán hạt nhân với Iran sau vòng đàm phán gián tiếp thứ 5 vừa qua. "Chúng tôi đã đạt được một số tiến triển thực sự, một số tiến triển nghiêm túc. Cần phải chờ xem nhưng tôi nghĩ, chúng tôi có thể có một số tin tốt về vấn đề Iran", nhà lãnh đạo Mỹ thông báo.

Vòng đàm phán gián tiếp thứ 5 giữa Mỹ và Iran do Oman làm trung gian diễn ra vào cuối tuần qua tại Rome (Italy). Ngoại trưởng Oman Badr Al Busaidi thông báo vòng đàm phán kết thúc mà không đạt đột phá. Theo Ngoại trưởng Oman, tuy có một số tiến triển nhưng "chưa mang tính quyết định". Ngoại trưởng Badr Al Busaidi bày tỏ hy vọng các vấn đề còn lại sẽ được làm rõ trong những ngày tới.

Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ đã đạt tiến triển trong đàm phán hạt nhân với Iran (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters 

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ khẳng định vòng đàm phán “mang tính xây dựng”. Mặc dù đạt thêm tiến triển nhưng Mỹ và Iran vẫn còn nhiều việc phải làm và hai bên đã nhất trí sẽ gặp lại nhau trong tương lai gần. Anadolu Agency dẫn lời Tổng thống Donald Trump tuyên bố vòng đàm phán gián tiếp thứ 6 sẽ diễn ra trong thời gian "rất sớm".

Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi xác nhận các cuộc đàm phán gián tiếp liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Washington là “phức tạp”. Nhà ngoại giao Iran cho rằng không thể giải quyết được mọi vấn đề "chỉ trong hai hoặc ba cuộc họp”.

Như vậy, tính từ tháng 4-2025 đến nay, Iran và Mỹ đã tiến hành 5 vòng đàm phán gián tiếp liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Washington. Theo tờ The Times of Israel, các vòng đàm phán do Oman làm trung gian là tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015-còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA)-trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump.

Kể từ khi quay trở lại Nhà Trắng, mặc dù thể hiện sự cởi mở về một thỏa thuận với Iran, song Tổng thống Donald Trump đã khôi phục chính sách "gây sức ép tối đa", vốn từng được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông để cô lập Iran khỏi nền kinh tế toàn cầu và đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về mức 0. Trong khi bày tỏ ủng hộ các cuộc đàm phán, Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ có hành động quân sự nếu con đường ngoại giao thất bại.

Cho đến nay, Iran vẫn duy trì lập trường không đàm phán trực tiếp với Mỹ một khi các lệnh trừng phạt vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, việc tiếp tục các cuộc đàm phán gián tiếp cho thấy cả hai bên đều nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết căng thẳng hạt nhân để tránh leo thang xung đột.

Tờ The Times of Israel cho biết các vòng đàm phán hạt nhân gián tiếp giữa Mỹ và Iran diễn ra trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ tổ chức họp để đánh giá các hoạt động hạt nhân của Iran vào tháng 6 tới và JCPOA sẽ chính thức hết hiệu lực vào tháng 10 năm nay. Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào năm 2018 và tái áp đặt "ma trận" các biện pháp trừng phạt đối với Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo cũng dần thu hẹp những cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân. Hiện Iran đã làm giàu uranium tới mức 60%-vượt xa giới hạn 3,67% của JCPOA, song vẫn dưới ngưỡng 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.

HOÀNG VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.