Lấy cảm hứng từ hệ thống phòng thủ tên lửa “Iron Dome-Vòm Sắt” của Israel, “Vòm Vàng” của Mỹ có khả năng đánh chặn tên lửa được phóng từ bên kia bán cầu và thậm chí cả trong không gian. Vì thế “Vòm Vàng” sẽ có độ phủ rộng hơn nhiều, gồm loạt vệ tinh giám sát và vệ tinh tấn công có khả năng hạ tên lửa đối phương sau khi phóng.
Theo các chuyên gia phòng thủ tên lửa, tổ hợp phòng thủ tầm ngắn “Vòm Sắt” của Israel không phù hợp cho nhiệm vụ phòng không trên khu vực rộng như lục địa Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu phát triển lá chắn tên lửa thế hệ tiếp theo, trong đó yêu cầu phát triển đạn đánh chặn mới có khả năng chống tên lửa đối phương trong vũ trụ.
 |
Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch phát triển lá chắn tên lửa “Vòm Vàng”. Ảnh: Reuters
|
Tên gọi ban đầu của hệ thống “Vòm Vàng” là hệ thống “Vòm Sắt của Mỹ”. Việc đổi tên được thực hiện nhằm tránh nhầm lẫn với tổ hợp của Israel. Mục tiêu của kế hoạch này nhằm hiện đại hóa hệ thống lỗi thời và giải quyết “những mối đe dọa nguy hiểm” đang ngày càng trở nên phức tạp hơn khi các đối thủ của Mỹ phát triển các hệ thống phóng mới.
Tuyên bố của Nhà Trắng về “Vòm Sắt của Mỹ” trước đây không đề cập đến việc tăng cường kho vũ khí hạt nhân nhưng cho biết nó "sẽ thúc đẩy mục tiêu hòa bình thông qua sức mạnh, tăng cường năng lực trả đũa để răn đe, khiến kẻ thù không dám tấn công".
"Vòm Vàng” sẽ là một hệ thống tối tân triển khai các công nghệ thế hệ tiếp theo cả trên bộ, trên biển và trong không gian, bao gồm cả cảm biến và hệ thống đánh chặn trong không gian. Hiện nay, lục quân Mỹ đang nghiên cứu áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tăng tính tự động hóa và giảm nhân sự vận hành, bảo trì lá chắn tên lửa “Vòm Vàng"
Tướng Frank Lozano, quan chức phụ trách hoạt động mua sắm của lục quân Mỹ cho hay, lá chắn tên lửa “Vòm Vàng” có thể sử dụng bệ phóng kiêm ống bảo quản tên lửa. Những hệ thống như vậy không cần bảo dưỡng thường xuyên, do đó quy mô nhân sự phụ trách cũng nhỏ hơn. Điều này giúp đơn vị vận hành chỉ cần kiểm tra trạng thái sẵn sàng chiến đấu vài tuần một lần. Hoạt động này cũng có thể tiến hành từ xa.
Để hoàn thành mục tiêu trên, lục quân Mỹ dự định sử dụng thông tin thu được trong quá trình hoàn thiện Hệ thống phòng thủ Guam, bao gồm loạt cảm biến và hệ thống phòng thủ đa tầng dự kiến hoạt động vào năm 2027. Chương trình thử nghiệm hỏa lực tích hợp của lục quân Mỹ sẽ chuyển hướng từ hoàn thiện lá chắn Guam sang tích hợp tự động hóa và trí tuệ nhân tạo vào tổ hợp "Vòm Vàng" sau năm 2026.
Có chi phí ước tính khoảng 175 tỷ USD và dự kiến hoàn thành năm 2029 như Tổng thống Donald Trump công bố, nhưng con số thực tế để triển khai dự án “Vòm Vàng” được giới chuyên gia ước tính sẽ “khủng” hơn nhiều. Các chuyên gia bày tỏ hoài nghi về kinh phí ước tính cũng như mốc thời gian mà ông Donald Trump thông báo. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ từng ước tính “Vòm Vàng” có thể tốn tới 831 tỷ USD và hoàn thành trong hai thập kỷ.
Nguồn ngân sách để thực hiện tham vọng của nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa có gì bảo đảm chắc chắn. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đề xuất khoản đầu tư ban đầu trị giá 25 tỷ USD cho dự án, song khoản ngân sách nằm trong gói 150 tỷ USD này gắn liền với dự luật đang vướng phải rào cản đáng kể tại Quốc hội Mỹ.
Tổng thống Donald Trump đã chính thức lựa chọn thiết kế cho hệ thống phòng thủ “Vòm Vàng” và được ông đánh giá là “hệ thống tốt nhất từng được chế tạo”. Điều này đồng nghĩa với việc ông đã khởi động thực hiện ý tưởng vốn được cựu Tổng thống Ronald Reagan đưa ra từ nhiều năm trước nhưng chưa thể thực hiện vì khi đó nước Mỹ còn hạn chế về công nghệ. Khi công bố dự án tham vọng “Vòm Vàng”, ông Donald Trump đã đề cập tới chương trình hệ thống phòng thủ tên lửa trên không gian mang tên “Star Wars-Chiến tranh giữa các vì sao” do ông Reagan khởi xướng.
Cho dù dự án còn gây nhiều tranh cãi, nhất là về khoản kinh phí khổng lồ, nhưng Tổng thống Donald Trump đã cho thấy quyết tâm thực hiện kế hoạch phòng thủ tốn kém này. Ông chủ Nhà Trắng đã bổ nhiệm Đại tướng Michael Guetlein, Phó tư lệnh phụ trách tác chiến của Lực lượng Vũ trụ Mỹ, làm lãnh đạo dự án “Vòm Vàng”.
Ngoài vấn đề kinh phí, dự án của Tổng thống Donald Trump còn làm dấy lên câu hỏi liệu hệ thống phòng thủ trên không gian này có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới hay không? Khi mới công bố dưới cái tên lá chắn “Vòm Sắt của Mỹ”, dự án đã đối mặt với cáo buộc của Nga cho rằng Mỹ muốn phá vỡ cán cân hạt nhân toàn cầu và mở đường cho đối đầu trên không gian. Kế hoạch sẽ cản trở triển vọng đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân, điều mà cả Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều tuyên bố ủng hộ.
MAI NGUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.