Ukraine đã đề nghị Thụy Sĩ tổ chức hội nghị trên với hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với các điều kiện của nước này nhằm chấm dứt xung đột với Nga. Tuy nhiên, việc Nga chưa được mời tham dự hội nghị khiến nỗ lực này vấp phải những hoài nghi. 

Theo Tass, Moscow gọi hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ là thiếu mục tiêu rõ ràng và hoàn toàn “lãng phí thời gian”. Một số nước như Trung Quốc, Brazil, Saudi Arabia đã từ chối tham dự hội nghị với nhiều lý do. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, “các nước không muốn tham gia vào một sự kiện không có mục tiêu rõ ràng”. Theo ông, đây là một hoạt động hoàn toàn vô nghĩa. Việc thảo luận về Ukraine mà không có sự tham gia của Nga rõ ràng là một cuộc thảo luận không hướng tới kết quả. 

leftcenterrightdel
Ngôi nhà bị phá hủy do xung đột tại Kramatorsk, Ukraine. Ảnh: TTXVN

Với Nga, Thụy Sĩ không còn ở vị trí trung lập và nước này tuyên bố Moscow không quan tâm tham dự hội nghị trên. Về phía Trung Quốc, nước này xác nhận sẽ không tham dự vì hội nghị không đáp ứng các yêu cầu của Bắc Kinh, đó là hội nghị phải được cả Nga và Ukraine công nhận, cần có sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và cần thảo luận công bằng về tất cả các đề xuất.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn hy vọng hội nghị tại Thụy Sĩ “có thể trở thành một thể thức” giúp đem lại sự kết thúc cho cuộc xung đột hiện nay. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nêu rõ mục tiêu của hội nghị nhằm “thúc đẩy một tiến trình hòa bình trong tương lai và phát triển những yếu tố thiết thực cũng như các bước hướng tới tiến trình đó”. Bộ này cũng nhấn mạnh “tất cả quốc gia tham dự hội nghị cần đóng góp ý kiến và tầm nhìn cho một nền hòa bình công bằng và bền vững ở Ukraine”.

Trong một diễn biến đáng chú ý, ngày 11-6, Kênh truyền hình NHK của Nhật Bản dẫn nguồn thạo tin đã hé lộ dự thảo tuyên bố chung của hội nghị sắp diễn ra ở Thụy Sĩ. Theo đó, dự thảo tuyên bố chung của hội nghị này sẽ chỉ bao gồm 3 trong số 10 điểm của công thức hòa bình do Tổng thống Zelensky đưa ra. Dự thảo tuyên bố chung này dự kiến phản ánh vấn đề an ninh của các nhà máy điện hạt nhân, an ninh lương thực, giải phóng con tin và hồi hương trẻ em từ Nga về Ukraine.

Dự thảo cũng nhấn mạnh rằng, sự tham gia của tất cả các bên là cần thiết để đạt được hòa bình. Tài liệu chỉ ra tầm quan trọng của việc Nga tham gia vào các cuộc thảo luận về vấn đề này.

Đáng chú ý, dự thảo tuyên bố chung không đề cập đến yêu cầu Nga phải rút hết quân khỏi Ukraine do sự phản đối của một số quốc gia tham dự muốn tránh ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với Nga. Nguồn tin ngoại giao của NHK giải thích, việc thiếu các điều khoản mà Kiev yêu cầu là bởi quan điểm của một số quốc gia đang phát triển ở châu Á và Trung Đông coi trọng mối quan hệ với Nga.

Công thức hòa bình được Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm 2022, bao gồm 10 điểm, trong đó có các yêu cầu như: Nga phải rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường chiến tranh.

Chính phủ Thụy Sĩ ngày 10-6 tiết lộ, đã có 90 quốc gia, tổ chức đăng ký tham dự hội nghị. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio là những nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển đã xác nhận sẽ tham dự hội nghị.

Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, cộng đồng quốc tế không ngừng nỗ lực nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột nhưng kết quả không như trông đợi. Việc Thụy Sĩ đăng cai hội nghị là nỗ lực tiếp theo nhưng khả năng cũng sẽ khó tránh khỏi “vết xe đổ” trước đó nếu không cân bằng được quyền lợi của các bên xung đột cũng như các bên liên quan trong cuộc chiến Ukraine. 

XUÂN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.