Những tội ác mà Thủ tướng Kristersson nhắc đến là một phần của cuộc chiến giữa các băng nhóm tội phạm đang hoành hành và làm đảo lộn cuộc sống người dân đất nước này: Ngày 26-9, một vụ gài chất nổ đã phá hủy hai căn hộ của một tòa chung cư ở TP Linköping, miền Nam Thụy Điển. Một ngày sau đó, hai thành viên băng đảng bị bắn chết tại nhà thi đấu ở thủ đô Stockholm, trước sự chứng kiến của nhiều thiếu niên đang tập luyện thể thao. Ngày tiếp theo, một cô gái 25 tuổi ở Uppsala thiệt mạng khi ngôi nhà của cô bị đánh bom. Điều tra sau đó cho thấy hàng xóm của nạn nhân mới là mục tiêu chính của nhóm băng đảng, theo trang tin Modern Diplomacy.
Tội phạm băng đảng ở quốc gia Bắc Âu-vốn được biết đến rộng rãi là một đất nước thanh bình trước đây-không phải là một hiện tượng mới. Theo Thủ tướng Kristersson: “Tội phạm có tổ chức đã xuất hiện trong hơn một thập kỷ. Trong 10 năm, bạo lực chết người liên quan đến súng đạn đã tăng gấp 3”. Nguyên nhân được cho là do chính sách nới lỏng nhập cư thập kỷ qua nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động và già hóa dân số, cộng thêm sự thất bại của các chính phủ tiền nhiệm trong việc hỗ trợ người nhập cư ổn định cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng địa phương, như nhận định của truyền thông nước này.
Trang Samnytt của Thụy Điển dẫn số liệu thống kê mới nhất cho thấy, 9 tháng năm 2023, các băng nhóm tội phạm ở quốc gia này đã gây ra 124 vụ nổ, 261 vụ xả súng, khiến số người thương vong lên tới hàng trăm. So với dân số 10 triệu người, tỷ lệ tội phạm băng đảng tại quốc gia Bắc Âu đang tăng cao kỷ lục. Phần lớn các vụ việc nhằm thanh toán băng đảng đối thủ cùng nhân chứng các vụ án, hoặc nhằm tống tiền chủ doanh nghiệp và nhân viên chính phủ. Tình hình nghiêm trọng tới mức Thủ tướng Kristersson quyết định triển khai quân đội tham gia cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức.
 |
Cảnh sát Thụy Điển nỗ lực ứng phó với tội phạm băng đảng (ảnh minh họa). Ảnh: AFP
|
Đây là quyết định chưa có tiền lệ và “dường như là dấu hiệu cho thấy sự bất lực của nhà cầm quyền”, Modern Diplomacy nhận định. Cũng theo trang tin này, “Chính phủ sẽ không sử dụng quân đội để trấn áp tội phạm, trừ khi các chức năng thực thi pháp luật dân sự bị xói mòn nghiêm trọng hoặc bị tha hóa đến mức không thể tin cậy”. Tờ báo dẫn chứng vụ một nhân viên tòa án Thụy Điển bị cáo buộc cung cấp thông tin mật cho một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất nước này, hay một công tố viên chịu trách nhiệm điều tra mạng lưới tội phạm lớn hóa ra lại có quan hệ đặc biệt thân thiết với thủ lĩnh mạng lưới này.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Gunnar Strömmer, các tổ chức tội phạm ở Thụy Điển ước tính có hơn 30.000 thành viên. Con số này mới chỉ đề cập đến thành viên các băng đảng có nguồn lực mạnh về tiền bạc, vũ khí, chất nổ, chứ chưa bao gồm số tội phạm hoạt động riêng lẻ. Trong khi đó, nước này chỉ có khoảng 22.000 nhân viên thuộc lực lượng cảnh sát và chỉ 1/2 số đó là lực lượng trực tiếp thực thi pháp luật. Nếu huy động toàn bộ lực lượng vào cuộc chiến chống băng đảng, cảnh sát Thụy Điển vẫn bị áp đảo với tỷ lệ xấp xỉ 1:1,5. Đơn cử như Uppsala - thành phố lớn thứ tư Thụy Điển-không có đủ cảnh sát để giám sát 10% số thành viên băng đảng cộm cán tại đây.
Nằm trong số hàng loạt biện pháp nhằm đối phó với tình trạng tội phạm phức tạp hiện nay, chính quyền Thủ tướng Kristersson công bố hàng loạt thay đổi về luật hình sự, tăng nặng án tù, trục xuất những công dân nước ngoài liên quan đến hoạt động tội phạm, và mới nhất, huy động quân đội tham gia trấn áp băng đảng.
Chưa rõ liệu nguồn lực bổ sung từ quân đội có thể giúp Chính phủ Thụy Điển trấn áp hiệu quả tình trạng tội phạm băng đảng hay không, khi mà nước này chỉ có khoảng hơn 24.000 quân nhân tại ngũ. Bất kể thế nào thì nhiệm vụ chính của lực lượng này vẫn là phòng thủ và bảo vệ đất nước, nhất là trong bối cảnh xung đột địa chính trị đang diễn biến phức tạp trong khu vực và trên toàn cầu.
HÀ PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.