Theo The Guardian, lần cuối cùng thủ đô Tokyo phải hứng chịu trận động đất lớn là gần một thế kỷ trước. Đại thảm họa động đất Kanto mạnh 7,9 độ richter xảy ra vào trưa ngày 1-9-1923 đã khiến hàng nghìn tòa nhà bị sụp đổ, gây ra hỏa hoạn kinh hoàng. Những người thoát nạn đã mô tả cảnh tượng lúc bấy giờ không khác gì địa ngục trần gian. Số liệu chính thức cho biết tổng số thương vong tại Tokyo và thành phố cảng lân cận Yokohama ước tính 105.000 người trong khi một số báo cáo cho rằng con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.

Các chuyên gia dự báo sau thảm họa năm 1923, nhiều khả năng thủ đô Tokyo sẽ phải hứng chịu một trận động đất mạnh hơn 7 độ richter trước năm 2050. Theo dự báo, một trận động đất có cường độ 7,3 độ richter xảy ra tại phía Bắc vịnh Tokyo có thể cướp đi sinh mạng của 9.700 người và làm gần 150.000 người khác bị thương. Con số người dân buộc phải sơ tán dự kiến sẽ lên đến 3,39 triệu người trong khi hơn 300.000 tòa nhà có thể bị phá hủy. Đây sẽ là thảm họa tàn khốc nhất đối với Tokyo kể từ sau vụ ném bom của Mỹ vào tháng 3-1945 khiến hơn 100.000 người thiệt mạng và thiêu rụi hơn 267.000 tòa nhà. Vấn đề đặt ra đối với Tokyo vì thế không còn là chuyện liệu rằng động đất có xảy ra nữa hay không mà đây chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Trẻ em Nhật Bản tham gia diễn tập ứng phó thảm họa tại một trường tiểu học ở Tokyo. Ảnh: Getty Images.

Tờ The Guardian cho biết, chính quyền Tokyo đã xuất bản một tài liệu hướng dẫn bằng nhiều thứ tiếng dài 338 trang, phác thảo kịch bản các thảm họa khác nhau và biện pháp hạn chế rủi ro. Trong tài liệu được phân phát cho 7 triệu hộ dân này có một mẩu truyện tranh ngắn mang tựa đề Tokyo ‘X' Day (Tokyo-Ngày X). Trọng tâm của mẩu truyện là hình ảnh một nhân viên văn phòng đứng giữa khung cảnh hoang tàn: Đồ đạc rơi khắp nơi, tàu hỏa trật đường ray, xe cộ đâm nhau, các tòa nhà bị phá hủy, mạng di động bị cắt liên lạc. Kết thúc của mẩu truyện là dòng chữ: “Đây không phải là câu chuyện giả tưởng. Trong tương lai gần, câu chuyện này chắc chắn sẽ trở thành hiện thực”.

Tờ The Guardian đánh giá Tokyo đã tiến một bước dài kể từ sau thảm họa năm 1923. “Nhật Bản nổi tiếng thế giới vì cơ sở hạ tầng kiên cố cùng các công nghệ chống động đất. Nếu nhìn xung quanh các tòa nhà chọc trời ở thủ đô Tokyo, sẽ thật kinh ngạc mức độ hiện đại của nhiều loại công nghệ được sử dụng tại đây, đặc biệt là công nghệ chống động đất”, The Guardian dẫn lời chuyên gia về ứng phó thảm họa Robin Takashi Lewis tại Tokyo.

Theo một nghiên cứu của Đại học Tokyo, cứ 10 tòa nhà tại Tokyo thì có tới 9 tòa nhà đáp ứng các tiêu chuẩn chống động đất hiện đại. Một phát ngôn viên của chính quyền Tokyo cho biết theo tiêu chuẩn xây dựng quốc gia, trong một trận động đất có cường độ trung bình, thiệt hại cần phải ở mức “tối thiểu”. Trong khi đó, “một tòa nhà không được sụp đổ trong trường hợp một trận động đất lớn trăm năm mới xảy ra một lần”.

Tờ The Guardian cho biết thủ đô Tokyo hiện có lực lượng cứu hỏa lớn nhất thế giới, được đào tạo đặc biệt để ứng phó hỏa hoạn sau các trận động đất. Người dân Tokyo được khuyến cáo thường xuyên tích trữ thêm thực phẩm đóng hộp và nước uống đóng chai, cũng như bộ dụng cụ khẩn cấp, gồm: Đèn pin, radio, pin và thuốc men. Cư dân thủ đô cũng được hướng dẫn trú ẩn dưới gầm bàn hay dùng gối che đầu để ngăn đồ vật rơi trúng trong trường hợp xảy ra động đất. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng đường sắt đã được gia cố và các đoàn tàu sẽ dừng khẩn cấp ngay lập tức trong tình trạng rung lắc mạnh.

Chính quyền Tokyo đã thiết lập mạng lưới các tuyến đường lớn dành cho xe cứu hỏa và phương tiện cứu hộ. Những tuyến đường này được gắn biển có hình ảnh cá trê khổng lồ Namazu-quái vật gây ra các trận động đất trong thần thoại Nhật Bản. Bên cạnh đó, 3.000 trường học, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng và các cơ sở công cộng khác đã được lựa chọn làm trung tâm sơ tán trong trường hợp xảy ra thảm họa lớn.

Đối với viễn cảnh 5,2 triệu người có khả năng bị mắc kẹt trong trường hợp xảy ra một trận động đất lớn, chính quyền Tokyo không muốn cư dân đổ xô chạy về nhà và khuyến cáo nếu được thì mọi người nên ở lại nơi đang làm việc hoặc trường học. Vì vậy, các doanh nghiệp được yêu cầu thường xuyên tích trữ nước uống, thực phẩm và các nhu yếu phẩm đủ để sử dụng ít nhất trong ba ngày cho nhân viên trong trường hợp xảy ra thảm họa. Chính quyền cũng đã chỉ định nơi trú ẩn tạm thời cho những ai không có nơi nào để đi. Tại đây, cũng sẽ có sẵn nước uống, thực phẩm và các nhu yếu phẩm.

Trong khi đó, hơn 50 địa điểm khác nhau ở khắp thủ đô Tokyo đã được chỉ định làm công viên ứng phó thảm họa. Trong điều kiện bình thường, giống như mọi công viên khác, những công viên này đều được sử dụng cho các hoạt động vui chơi giải trí. Điểm khác biệt duy nhất của các công viên này là một mạng lưới các hố ga có hàng rào vây quanh. Sau khi thảm họa xảy ra, nắp hố ga sẽ được tháo dỡ, những ghế ngồi đặc biệt và lều cá nhân sẽ được đặt lên trên hố ga, biến chúng thành những nhà vệ sinh khẩn cấp. Cùng với đó, ghế trong công viên có thể được chuyển đổi thành những bếp nấu. “Tuy rằng vẫn còn nhiều thách thức, song với quy mô và sự phức tạp của thành phố, chính quyền Tokyo đang làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó với một trận động đất lớn”, chuyên gia Robin Takashi Lewis đánh giá.

HOÀNG VŨ