Những “cái đầu nóng” của cả hai bên cùng các phương tiện chiến tranh, nhất là lực lượng quân sự khá hùng hậu của Mỹ đang hiện diện ở khu vực càng làm cho tình hình trở nên nguy hiểm. Việc Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ có thể dẫn tới các hành động đáp trả bằng quân sự của Washington, làm bùng phát chiến tranh, hoặc chí ít cũng là một cuộc xung đột cục bộ. Nó cũng cho thấy sự mất dần kiên nhẫn của Tehran trước các động thái gây sức ép tổng lực, nhất là về quân sự của Mỹ.

Nấc thang căng thẳng mới đang đẩy Mỹ và Iran đến gần hơn miệng hố chiến tranh. Trước khi Tổng thống Trump rút lại kế hoạch tấn công Iran, tất cả các lực lượng của Mỹ ở Trung Đông đã được thông báo sẵn sàng khai hỏa. Tổng thống Mỹ chỉ quyết định từ bỏ ý kế hoạch 10 phút trước khi nó được thực thi. Rõ ràng chiến tranh dù là điều không bên nào muốn, nhưng không phải là không có khả năng xảy ra. 

Những diễn biến kịch tính kiểu này giữa Mỹ và Iran không phải là điều mới mẻ trong suốt quá trình đối đầu dai dẳng giữa hai bên liên quan đến hồ sơ hạt nhân Iran. Nhưng kể từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, chưa có quyết định chiến tranh nào được đưa ra cho dù có những thời điểm không khí chiến tranh bao phủ vùng Vịnh. Xu thế chung thường thấy đó là sau những màn căng thẳng cực điểm, Mỹ và Iran lại ngồi vào bàn đàm phán.

Giữa lúc có thể cảm nhận rõ không khí chiến tranh như hiện nay, còn quá sớm để nhắc tới đàm phán Mỹ-Iran. Iran chưa sẵn sàng nhượng bộ theo yêu cầu của Washington để ngồi vào bàn thương lượng. Thay vì đối đầu, đối thoại mới là điều mà chính quyền Washington mong muốn vì các động thái của Mỹ cho thấy nước này đang kiềm chế việc động binh. Thời gian qua, bên cạnh việc gia tăng sức ép kinh tế, ngoại giao và quân sự chống Iran, Tổng thống Donald Trump cũng không ít lần đánh tiếng muốn đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo nước này. 

Có tin tức rò rỉ tiết lộ khả năng Mỹ thông qua Oman đã báo trước cho Iran về hành động đáp trả vụ Tehran bắn hạ máy bay, nhưng kèm theo ý định muốn “nói chuyện” với Iran thay vì dùng súng đạn. Còn có tin cho biết, Tổng thống Trump quyết định hủy kế hoạch tấn công Iran, ngoài lý do vì “đáp trả như vậy là không tương xứng”, còn bởi ông nhận tin tình báo nói rằng vụ bắn máy bay Mỹ là một quyết định sai lầm của phía Iran và các lãnh đạo nước này đã rất thất vọng hoặc tức giận với chỉ huy quân đội đã ra lệnh bắn hạ máy bay của Mỹ. 

Cách Washington phô trương sức mạnh quân sự để ép Tehran ngồi vào bàn đàm phán dường như đang phản tác dụng. Bắn hạ máy bay của Mỹ, Iran đã chuyển tới Washington bức thông điệp cứng rắn rằng, nước này sẵn sàng dùng vũ lực để đáp trả vũ lực. Là quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh ở khu vực, Iran mặc dù không phải là đối thủ của Mỹ, nhưng cũng không dễ gì khuất phục. Đối đầu với một Iran có nhiều kinh nghiệm đối phó với các lệnh trừng phạt quốc tế, chiến lược gây sức ép toàn diện của Tổng thống Donald Trump trở nên mơ hồ và chưa mang lại hiệu quả mong muốn. 

Nhiều phân tích cho thấy hệ lụy khôn lường của việc Mỹ tấn công Iran có thể làm nản lòng bất cứ nhà lãnh đạo nào ở Washington trước khi quyết định sử dụng vũ lực. Một cuộc xung đột quy mô nhỏ, trong thời gian ngắn với Iran cũng có thể trở thành tiền đề cho một cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực. Iran không thiếu các lực lượng ủy nhiệm như lực lượng Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Lebanon, các tay súng Shiite ở Iraq… sẵn sàng tấn công vào các lợi ích của Mỹ và đồng minh ở khu vực. Một số liệu Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 4 cho biết, các lực lượng ủy nhiệm của Iran đã khiến 608 lính Mỹ thiệt mạng giai đoạn 2003-2011. 

Bất kỳ một cuộc chiến nào với Iran cũng sẽ đẩy Mỹ sa lầy vào một cuộc xung đột nữa ở Trung Đông. Nỗ lực tổng thể của Mỹ nhằm lật đổ chế độ Iran có thể tiêu tốn hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD và nhiều sinh mạng người Mỹ, như một nhà phân tích đã nói. Một cuộc chiến tranh với Iran cũng gây ra những tổn hại lớn về kinh tế vì Iran nằm ngay cạnh eo biển Hormuz-tuyến vận chuyển dầu mỏ quan trọng nhất thế giới. Giới chuyên gia dự đoán nếu eo biển này bị phong tỏa sẽ khiến lượng xuất khẩu dầu mỏ trên toàn cầu giảm 30% mỗi ngày và giá dầu sẽ leo thang. Khi đó, Mỹ với vai trò nhà tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, sẽ không thể tránh được những tổn hại lợi ích. 

Và trên hết, cái khó của Tổng thống Trump chính là lời hứa tranh cử sẽ đưa nước Mỹ thoát khỏi các cuộc chiến ở Trung Đông, đưa lính Mỹ trở về vẫn còn đó. Chắc chắn nếu sa vào cuộc chiến với Iran, ông Trump sẽ tự tước đi cơ hội tái đắc cử của mình trong nhiệm kỳ tới. 

Quan điểm cứng rắn cùng bức thông điệp “dùng vũ lực đáp trả vũ lực” của Iran như đẩy căng thẳng lên cao nhưng thực chất lại là đòn cảnh tỉnh để ngăn chặn chiến tranh.

MỸ HẠNH