“Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”

Hằng năm, vào ngày giỗ trận Vị Xuyên (12-7), bà Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1963, quê ở huyện Gia Lâm, nay là xã Gia Lâm, TP Hà Nội) lại vượt hàng trăm cây số lên Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang, nay là tỉnh Tuyên Quang), thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Giữa hàng nghìn phần mộ, bà luôn dừng thật lâu tại nơi yên nghỉ của liệt sĩ Trương Quang Quý (sinh năm 1962, hy sinh năm 1985, quê ở tỉnh Quảng Bình, nay là tỉnh Quảng Trị), mối tình đầu bà mang theo suốt một đời.

Lần giở ký ức thời gian, bà Nhung nghẹn giọng kể: “Năm 1984, đơn vị của anh Quý (Đại đội 1, Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 76, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu, nay là Tổng cục II) về huấn luyện ở sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Nhà bà tôi ở đối diện sân bay, nên ngày nào cũng thấy bộ đội, nhưng hồi ấy, tôi chẳng để ý ai cả. Sau này, anh Quý mới tâm sự rằng, ngay từ lần đầu trông thấy tôi, anh đã để ý rồi. Anh bảo tôi mộc mạc, duyên dáng, nên trong lòng chỉ mong có thể gửi gắm thân phận mình nơi tôi”.

 Bà Nhung nghẹn ngào kể lại mối tình với liệt sĩ Trương Quang Quý.

Từ những lần chạm mặt thoáng qua, anh Quý chủ động tìm cách đến gần cô gái mình cảm mến. Sau giờ huấn luyện, anh và đồng đội ra đồng, gặt lúa giúp dân. “Tôi đi làm về thì thấy anh xắn tay phụ giúp gia đình. Vừa thấy tôi, anh chạy ra dắt xe, hỏi han có mệt không. Từ những cử chỉ quan tâm nhỏ ấy, dần dần, tôi bắt đầu chú ý tới anh”, bà Nhung nhớ lại.

Những ngày sau đó, chàng lính trẻ tranh thủ từng khoảnh khắc để chuyện trò, kể về gia đình, tuổi thơ và ước mơ về một mái ấm. Chính sự mộc mạc, chân tình ấy dần lay động trái tim cô gái Hà Nội.

Trước lúc đơn vị rời sân bay Gia Lâm để nhận nhiệm vụ mới, anh Quý ngỏ lời yêu và được cô đồng ý. “Hôm ấy, anh nói với tôi, anh hạnh phúc lắm, chỉ cần tôi nhận lời là anh yên tâm lên đường. Anh tặng tôi chiếc nhẫn cỏ gà và bảo, nhà anh nghèo, chẳng có nhẫn vàng, nhẫn bạc, chỉ có chiếc nhẫn này thay cho lời hứa mai sau”, bà Nhung hạnh phúc kể lại.

Sau khi đơn vị của anh Quý chuyển lên huyện Ba Vì (nay là xã Ba Vì, Hà Nội) huấn luyện, hai người giữ liên lạc bằng thư tay. Cứ 4 ngày, anh gửi 1 lá, kể chuyện thao trường, dặn dò sức khỏe và nhắc lời hẹn ước. Chị Nhung cũng hồi âm đều đặn, chia sẻ những điều nhỏ trong cuộc sống thường ngày. Qua những dòng thư mộc mạc, tình yêu giữa họ lớn dần theo năm tháng.

Mối tình ấy từng gặp phải sự ngăn cản từ gia đình chị Nhung bởi khoảng cách địa lý và hoàn cảnh riêng. Nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn tin vào một đám cưới khi anh hoàn thành nhiệm vụ, trở về. 

Tháng 3-1985, chiến sĩ trẻ Trương Quang Quý nhận nhiệm vụ lên mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang, nay là tỉnh Tuyên Quang). Trước ngày đi, anh tranh thủ về thăm người yêu. Trong bữa cơm gia đình, anh xin phép cha mẹ chị Nhung cho anh được cưới cô sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Thấy được tình cảm chân thành giữa 2 người, cha mẹ chị gật đầu chấp thuận.

Ngày anh lên đường, lời hẹn ước và những lá thư tay trở thành sợi dây nối hậu phương với tiền tuyến. Ở Hà Nội, chị Nhung đặt giường cưới, sắm chăn con công, đếm từng ngày chờ đón anh trở về. Trong thư, anh Quý bảo khi xong nhiệm vụ sẽ đưa cô về Quảng Bình (nay là tỉnh Quảng Trị) thắp hương cho cha mẹ, rồi đến bãi biển Nhật Lệ đón tuần trăng mật. Họ cùng nhau vun vén giấc mơ về mái nhà nhỏ với tiếng cười trẻ thơ.

Mối tình gửi lại nơi “lò vôi thế kỷ”

Thế nhưng, thư thưa dần. Một tháng không tin tức, rồi một tháng 15 ngày. Gần hai tháng trôi qua, hộp thư trước cổng nhà vẫn trống. Nhung thấp thỏm, nhưng tự trấn an: “Có lẽ anh đang hành quân gấp”.

Một ngày chiều tháng 12-1985, cô gái trẻ nhận được bức thư do đồng đội anh viết, báo tin đồng chí Trương Quang Quý đã hy sinh tại điểm cao 772 khi làm nhiệm vụ. “Đọc thư, người tôi cứ lịm dần rồi ngất đi. Đến bây giờ đã 40 năm trôi qua, tôi vẫn thương anh vô cùng vì anh ra đi mà một nụ hôn trọn vẹn với người vợ sắp cưới cũng không có”, bà Nhung nghẹn ngào.

Kể từ ngày anh Quý hy sinh, cô gái Nguyễn Thị Nhung lần theo từng manh mối với hy vọng tìm được nơi an nghỉ của anh. “Năm 2016, nhờ một cơ duyên, tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang, nay là tỉnh Tuyên Quang). Khi hỏi thăm, ông quản trang đưa cho tôi quyển sổ ghi danh các liệt sĩ. Vừa lật ra, cái tên Trương Quang Quý hiện ngay trước mắt. Tôi lặng người, nước mắt cứ thế trào ra. Sau bao năm chờ đợi, cuối cùng tôi cũng tìm thấy anh”, bà kể.

Bức ảnh thời trẻ của liệt sĩ Trương Quang Quý được bà Nhung lưu giữ cẩn thận. Ảnh nhân vật cung cấp

Đã 40 năm trôi qua, nhưng nỗi đau trong bà chưa bao giờ nguôi. Mỗi tháng Bảy về, bà lại thao thức. Những đêm mất ngủ, những lần lặng lẽ ngồi bên mộ người xưa, bà tự nhủ phải sống sao cho trọn nghĩa với quá khứ.

“Tôi chỉ mong mình còn đủ sức khỏe để có thể làm nhiều việc, san sẻ nỗi đau với những người từng chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh. Bởi tôi hiểu rất rõ, chiến tranh đã lấy đi của mình điều gì”, đôi mắt đã hằn sâu dấu vết thời gian của bà vẫn ánh lên mỗi khi nhắc về một thời tuổi trẻ và một người chẳng thể nào quên. Hằng năm, vào ngày giỗ trận 12-7, bà Nhung đều sắp xếp lên Vị Xuyên làm lễ cầu siêu cho liệt sĩ Trương Quang Quý và đồng đội của anh.

Tháng Bảy biên cương, mây Vị Xuyên như khép nép trước những bia đá đã hóa thành cột mốc của lòng yêu nước. Trong tiếng gió rì rào, ta nghe rõ lời nhắc của thế hệ đi trước: Tuổi xuân, tình yêu và cả mạng sống đã được họ gửi trọn cho Tổ quốc. Hòa bình không tự nhiên mà có, mà được đánh đổi bằng máu của người lính, bằng những tháng năm đợi chờ lặng lẽ của người ở lại. Trước những mất mát ấy, mỗi bước đi hôm nay cần mang theo sự biết ơn. Sống tử tế, sống có trách nhiệm là cách để nối tiếp những điều còn dang dở, để hy sinh năm xưa không chìm vào quên lãng.

Bài, ảnh: TRẦN HẢI LY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.